Chuyện từ căn phòng “4 trong 1”

Chuyện từ căn phòng “4 trong 1”
TP - Tác giả “Xa khơi” vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, dù đã qua tuổi “xưa nay hiếm”. Ông tiếp tôi trong căn phòng mà ông vui vẻ đặt tên “4 trong 1”: “Tôi tiếp khách tại đây, ngủ tại đây, làm việc tại đây và… toilet cũng ở đây”. Nhưng ông hài lòng với hiện thực ấy, bởi “đó là những thứ ngoài ta, những thứ trong ta mới đáng quan tâm và tôn trọng”.

> Hồi ký của một nữ danh ca vang danh với 'Xa khơi'
> Nhạc sĩ phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Trong khi thiên hạ ngày nay ưa kiểu “gia đình hạt nhân” thì Nguyễn Tài Tuệ lại thích lối quần tụ, cả bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Thật tuyệt vời khi mọi thứ diễn ra yên bình và vui vẻ.

Đời riêng của nhạc sỹ tài hoa này không lắm thác ghềnh như nhiều nghệ sỹ khác. Ông có hai người con trai, con cả nối nghiệp cha, cùng người vợ hết lòng với sự nghiệp âm nhạc của chồng và ba đứa cháu nhỏ ngoan ngoãn.

Nói về “tổ ấm” của mình, Nguyễn Tài Tuệ hài lòng thực sự: “Tôi là người may mắn. Nhưng là người may mắn có chủ đích”. Tức là chẳng phải thứ may mắn phụ thuộc vào “con tạo xoay vần”, nó được tạo ra và nắm giữ bởi chính chủ nhân: “Tôi tôn trọng những giá trị truyền thống”.

Nhờ biết tôn trọng những giá trị truyền thống nên ông mới giữ được “hậu phương” vững chắc, có lẽ nhờ thế mà ông sở hữu nhiều ca khúc vượt thời gian: Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum chảy mãi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Xôn xao bến nước, Mơ quê…

Sau nửa thế kỷ, vẫn chỉnh “Xa khơi”

Có những người viết không nhớ nổi tác phẩm của mình. Trường hợp ấy không đúng với Nguyễn Tài Tuệ: “Tôi thuộc lòng những sáng tác của tôi. về ca khúc tôi chỉ có 15 “cái”, nhạc không lời cũng chỉ chừng ấy, “gia tài” của tôi chỉ khoảng 30 “cái”, tính cả ca khúc và khí nhạc”.

 Người nghệ sỹ có tâm, theo Nguyễn Tài Tuệ - phải là người biết nhắm mắt trước danh lợi, bởi nghệ thuật là cuộc chơi không toan tính. 

Ông tự thấy “gia tài” ấy chẳng khấm khá gì nhưng không có cách nào làm sinh sôi hơn: “Tôi sáng tác vất vả, không nhanh được”. Và ông cũng chẳng tin lao động nghệ thuật đích thực lại dễ dàng: “Ai nói dễ chứ tôi không tin. Bạn hãy hình dung như khi sắp sửa có một cơn giông, trời đất vũ trụ chuyển vần, nào gió táp, sấm chớp, kết quả cuối cùng mới ra một trận mưa lớn, mà có khi cũng chẳng có trận mưa nào, tất cả tan biến mất. Sáng tác là kết quả của quá trình nhận thức, phát hiện, quá trình tự phê bình, khám phá mình, không dễ”.

Mỗi ca khúc “đốt” của ông chừng năm, sáu tháng, nhưng viết xong không có nghĩa là dừng. Một tháng sau, xem tác phẩm, thấy dở, lại sửa, vài tháng sau, quay lại, vẫn “vứt” (chữ dùng của nhạc sỹ), thậm chí vài năm sau, thấy chưa ưng ý, vẫn cứ “vứt”.

Ông kể trường hợp Xa khơi, được viết vào năm 1962, khi ông 26 tuổi. Trong nửa thế kỷ ra đời, ông không nhớ nổi đã chỉnh sửa Xa khơi bao nhiêu lần. Lần gần đây nhất là năm ngoái, ông chỉnh “nắng biển, mưa nguồn” (trong câu “Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn”) thành “chớp biển, mưa nguồn”: “Chớp biển mưa nguồn sâu hơn. Dân gian có câu: “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng?”.

Hỏi: “Ông còn tiếp tục chỉnh sửa Xa khơi nữa không?”. Nguyễn Tài Tuệ cười: “Đến đây thì hình như chịu rồi”. Chính sự cẩn thận trong sáng tạo nên ông không ngượng khi ngắm những “đứa con” của mình.

“Đứa con” mới ra đời của Nguyễn Tài Tuệ mang tên Lỡ hẹn: “Tôi viết từ năm 2001, bây giờ đã là năm 2013. 12 năm cho một tác phẩm”. Hiện tại nhạc sỹ đang viết một ca khúc về Hà Nội. Ông tâm sự: “Tôi viết rồi nhưng cũng vứt đi rồi, chỉ giữ lại mấy câu hay” và ông cất giọng say sưa.

Từng nghe nhiều nhạc sỹ tự thể hiện ca khúc của mình, từ Trịnh Công Sơn đến Phú Quang, trẻ hơn như Nguyễn Vĩnh Tiến… nhưng chưa thấy vị nổi tiếng nào có giọng hát truyền cảm như Nguyễn Tài Tuệ.

Trong cuộc trò chuyện, ông bật mí, từng làm ca sỹ, trước khi chuyên tâm làm nhạc sỹ. Nhưng Lỡ hẹn chưa phải tác phẩm kỷ lục về thời gian sáng tác. Bài Mơ quê được nhạc sỹ thai nghén trong vòng 14 năm: “Bài này được trình bày nhiều lần trên các phương tiện truyền thông lớn nhưng chưa được người ta để ý. Mãi tới lần thứ tư khi Anh Thơ biểu diễn nhân dịp Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam quyên góp tiền ủng hộ người nghèo thì tiếng vang mới có”.

Nguyễn Tài Tuệ quan niệm: “Tiếng vang chưa có là chưa có gì, kể cả khi mình đã bằng lòng với tác phẩm. Công chúng chưa đón nhận chứng tỏ tác phẩm chưa hay, cần sửa lại. Mình làm ra hàng hoá, người quyết định cuối cùng là công chúng”.

Tưởng tượng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”

Nguyễn Tài Tuệ sinh ra trong một gia đình nho học đỗ đạt. Nếu không phá phách, quy thuận theo sự mong muốn của cha mẹ, ông đã trở thành giáo viên dạy văn cấp ba: “Từ Nghệ An, tôi ra Hà Nội học đại học Văn. Nhưng sống trong không khí của sĩ phu Bắc Hà cùng việc tiếp xúc với cả nền âm nhạc mênh mông của thủ đô: Từ tuồng, chèo, cải lương... rồi nhạc giao hưởng, đã mở ra cho tôi một chân trời thực sự. Tôi mới hiểu: Hoá ra âm nhạc ghê gớm thế”.

Từ thuở ấu thơ Nguyễn Tài Tuệ đã thuộc nhiều bài thơ Đường, thơ Tống. 14, 15 tuổi đã thuộc làu Xuân Diệu, Huy Cận. Văn chương ngấm vào máu thịt nhưng chàng thanh niên xứ Nghệ vẫn quyết dứt tình để đi theo con đường sáng tác âm nhạc.

Rồi Nguyễn Tài Tuệ đã trở thành cán bộ của đoàn văn công khu Lao – Hà - Yên (Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái). Trước nhu cầu của Đoàn văn công ông lao vào sáng tác: Mùa xuân gọi bạn (ban đầu có tên Lời ca gửi noọng), Suối Mường Hum chảy mãi, Tiếng hát trên bản, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó… ra đời trong thời điểm này.

Thai nghén tác phẩm đã mất nhiều thời gian nhưng những đứa con tinh thần của Nguyễn Tài Tuệ cũng không chào đời suôn sẻ. Nhạc sỹ trải lòng: “Những “đứa con” của tôi ra đời quá vất vả như một thứ “con hoang” không ai thừa nhận”.

“Mùa xuân gọi bạn” (Lời ca gửi noọng) từng bị cấm trong một thời gian dài: “Chỉ vì câu hát: “Noọng về cùng ta tiếng ca lừng núi, ta tắm chung dòng suối”. Người ta phê phán lời ca không lành mạnh, mặc dù tắm chung dòng suối là chuyện bình thường của thanh niên miền núi”.

“Đứa con” cưng của Nguyễn Tài Tuệ, “Xa khơi”, cũng chật vật để được công nhận. Bài này được nhạc sỹ gửi tham gia một cuộc thi sáng tác lớn cổ vũ phong trào sản xuất ở miền Bắc, ca ngợi sự tranh đấu ở miền Nam: “Viết xong tôi gửi cho anh Lưu Hữu Phước, anh góp ý: Đọc lời đã không chịu nổi, vì tiêu chuẩn của cuộc thi là ca khúc phục vụ công nông binh, chỉ viết yêu thương thế này thì người ta ngồi xuống, chứ không ai chịu đứng dậy đâu”.

Lời góp ý chân thành của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước cũng không làm Nguyễn Tài Tuệ lung lay: “Giá trị nhân văn vẫn là tột đỉnh của mọi giá trị, tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa, là tình yêu vĩnh cửu. Đành rằng, có những giá trị âm nhạc phục vụ trước mắt nhưng cũng phải có những thứ mang giá trị lâu dài, phải có cái gì để lại. Nếu các anh không chấp nhận thì các anh gạt ra”.

Nhưng may mắn trong thành phần chấm giải lại có một vị trung tướng bênh Xa khơi, ông đưa ra ý kiến: “Muốn công minh phải phát lên đài, hỏi công chúng xem những bài chúng ta đưa ra đây, cái nào nghe được, cái nào không nghe được”.

Niềm tin của Nguyễn Tài Tuệ gửi vào công chúng đã được đền đáp, Xa khơi không bị loại. Chẳng những thế, sau đó còn có một nữ du kích ở Đồng Tháp Mười gửi thư ra Đài tiếng nói Việt Nam yêu cầu phát lại bài hát này.

Có một vị tướng khác cũng ở miền Nam lên tiếng: “Chúng tôi là lính và chúng tôi muốn nghe Xa khơi”. Nhờ dư luận ủng hộ, tác phẩm của Nguyễn Tài Tuệ đoạt giải nhì. Tuy nhiên, sau khi rinh giải, Xa khơi còn nhiều chìm nổi, cuối cùng mới có vị trí xứng đáng như ngày hôm nay.

Nguyễn Tài Tuệ không dùng bút danh. Cái tên cha mẹ đặt vô tình tạo cho ông một áp lực. Theo Nguyễn Tài Tuệ, một nghệ sỹ đích thực cần có bốn chữ “T”: Tài năng, Tri thức, Tâm, Tầm cỡ. Tổng lực của ba chữ “T” đầu sẽ quyết định chữ “T” cuối, “Tầm cỡ”: “Anh có làm hàng ngàn tác phẩm mà không có tuyệt tác thì không có gì cả. Trong sáng tạo nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình, không có cái kha khá, được được, phải là hay, tuyệt tác thì càng tốt”.

Nguyễn Tài Tuệ không tin vào sức sống bền bỉ của những tác phẩm làm theo đơn đặt hàng. Bây giờ khi đã có thương hiệu, ông nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. Nhưng nhạc sỹ từ chối: “Chạy theo đặt hàng thì chính anh sẽ giết anh”.

Người nghệ sỹ có tâm, theo ông phải là người biết nhắm mắt trước danh lợi, bởi nghệ thuật là cuộc chơi không toan tính. Nhìn lại “gia tài” của mình, Nguyễn Tài Tuệ nhận Tiếng hát giữa rừng Pác Bó là tác phẩm duy nhất thuộc dòng đơn đặt hàng.

Nhưng hỏi: “Ai đã đặt hàng nhạc sỹ?” thì ông cười: “Tôi tự đặt hàng cho mình”. Tác phẩm được viết năm 1959, khi Nguyễn Tài Tuệ vừa bước vào tuổi 23: “Bài hát ra đời không dễ dàng chút nào.

Tôi phải tập trung trí lực, vượt qua mình ghê gớm. Hồi đó tôi đâu có biết Pác Bó là gì, Khuổi Nậm là gì, chỉ viết bằng tưởng tượng. 40 năm sau tôi mới có dịp về Pác Bó”.

Với Nguyễn Tài Tuệ một tác phẩm có sức sống ngoài sự đón chào của công chúng còn phải có sự định giá của thời gian. Hỏi: “Trong “gia tài” của ông đã có tuyệt tác chưa?”.

Nhạc sỹ lắc đầu: “Tôi không hy vọng giữ tuyệt tác, không hy vọng lên đỉnh, tôi chỉ làm hết sức, làm đến tận cùng của khả năng. Trong đánh giá tác phẩm của mình, tôi giữ thế chủ động khách quan.

Anh chủ quan cho anh hay là anh chết. Phải biết phủ nhận mình”. Gần đây trên thị trường âm nhạc nổi lên thứ nhạc bị xem là “nhạc rác”, nhiều người lo âu “nhạc rác” sẽ làm hại âm nhạc đích thực, còn Nguyễn Tài Tuệ lại tin cái đẹp sẽ chiến thắng: “Dòng sông của chúng ta vẫn đang trôi, ở giữa là dòng chính, dòng phụ ở hai bên có khi lẫn rác rưởi nhưng đến đâu nó tấp vào bờ đến đấy. Còn dòng chính vẫn chảy ra đại dương, thăng hoa, rồi lại trở về nguồn”.

Vẫn theo sát người trẻ

Chuyện từ căn phòng “4 trong 1” ảnh 1
 

Trong căn phòng “4 trong 1”của Nguyễn Tài Tuệ vẫn có một góc đặc biệt dành cho sách. Ông không theo văn học nhưng chưa bao giờ tuyệt giao với chúng: “Văn học góp phần nâng cánh âm nhạc”.

Ông đọc từ Pautopxki, Mạc Ngôn, Kafka, Mario Puzo… cho tới Vi Thuỳ Linh của Việt Nam. Ông cảm nhận về nàng Vili: “Tôi không thật thích thơ Vi Thuỳ Linh, vì ít cảm xúc hơi thiên về lý trí, lối viết này có lợi hơn cho Vili khi viết văn xuôi”. Còn âm nhạc là cuộc thăng hoa của cả cảm xúc và trí tuệ. Nguyễn Tài Tuệ đánh giá cao Ngọc Châu: “Viết nhạc trẻ như thế là tốt đấy, rất triển vọng”.

Nhưng ông cũng “phê” vài cái tên đình đám đang được giới trẻ mến mộ. Tôi xin phép trích nguyên văn đoạn “phê” của ông lên báo, ông xua tay: “Đừng vùi dập người ta như vậy, nếu anh ta ngồi trước mặt tôi, tôi sẽ góp ý thẳng nhưng trên ngôn luận không nên vỗ mặt người ta như thế, nói thế là nói trước công chúng”.

Giật mình, bởi một bộ phận người của công chúng hiện nay chẳng giống Nguyễn Tài Tuệ, họ có vẻ khoái trò “đá” nhau, trước càng đông người càng tốt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vụ ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’: Bổ sung hình phạt nếu không sẽ thu hồi đất
Vụ ‘tòa nhà đẹp nhất Cà Mau’: Bổ sung hình phạt nếu không sẽ thu hồi đất
TPO - Liên quan đến việc xử lý 'tòa nhà đẹp nhất Cà Mau' xây không phép trên đất nuôi trồng thủy sản, Sở Tư pháp đề nghị cần buộc ông Tập nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm - xây trên đất thủy sản. Nếu ông Tập không thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ các biện pháp khắc phục hậu quả phải thu hồi đất.
Tuấn Hưng lại bị lơ đẹp
Tuấn Hưng lại bị lơ đẹp
TPO - Ở tập mới nhất, các anh tài bước vào vòng đấu quyết định. Họ trình diễn sáng tác mới của chính mình trên nền nhạc và tiết tấu do ban tổ chức cung cấp. Cả hai đội đều tung toàn bộ thành viên cho tiết mục thể hiện tinh hoa vào trận này. May mà lần này 350 khán giả của trường quay Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) cho thấy sự sáng suốt…