Chuyện 'trả lại tên đường' Lê Văn Duyệt

Đường Lê Văn Duyệt tháng 9/2020
Đường Lê Văn Duyệt tháng 9/2020
TP - Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những người có công xây dựng phát triển phương Nam, đặc biệt là biến vùng Sài Gòn – Gia Định trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của đất nước. Khi ông mất đi, được xây dựng lăng và được người dân cung kính thờ phụng suốt gần 200 năm qua.

Biểu tượng phương Nam bị quên lãng

Tả quân Lê Văn Duyệt mất năm 1832. Năm 1848, vua Tự Đức cho xây dựng lại mộ và lập một ngôi miếu thờ gồm 3 gian nhà nhỏ, thấp, vách ván, mái ngói và giao cho con cháu Tả quân lo việc thờ cúng. Từ năm 1914 đến 1974, toàn khu vực lăng mộ được xây dựng hoàn chỉnh, dân thường gọi là Lăng Ông. Trong đó, việc xây dựng lớn nhất diễn ra năm 1937, tạo nên dung mạo công trình như ngày nay.

Khi nói đến Sài Gòn, Gia Định, người ta thường nghĩ ngay tới những kiến trúc thời Pháp, như Bưu điện thành phố, Nhà thờ đức Bà, Nhà hát thành phố, các bảo tàng… Nhưng thật ra, đó đều là kiến trúc Pháp hiện đại. Những di tích lịch sử của đất nước từ trước khi Pháp xâm lược nước ta, như thành cổ Gia Định, các chùa chiền đình miếu, một phần đã bị Pháp phá hủy, phần khác cũng bị xem nhẹ, ít người biết.

Trước năm1975, hình ảnh tả quân Lê Văn Duyệt và lăng mộ của ông được in trên đồng tiền của chế độ cũ. Lăng Ông gắn liền với con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Hình ảnh này được ví như biểu tượng của Sài Gòn – Gia Định, như hình ảnh Văn Miếu của Hà Nội hay Ngọ Môn của Huế vậy.

Sau năm 1975, đường Lê Văn Duyệt bị đổi tên, di tích bị xuống cấp rất nhiều, thậm chí bị lấn chiếm, là nơi nhiều phần tử nghiện ngập lai vãng. 

Anh Hùng, người dân sống gần kênh Nhiêu Lộc nói: “Con đường lớn ngang qua Lăng Ông, sau năm 1975 không rõ vì lý do gì, bị đổi thành đường Đinh Tiên Hoàng”.

Anh Thảo, nhà ở gần Lăng nói: “Không chỉ đường Lê Văn Duyệt được đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng mà trường phổ thông Lê Văn Duyệt cũng đổi tên thành trường Võ Thị Sáu”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho phóng viên biết: “Sau năm 1975 nhiều người cho rằng nhà Nguyễn thân Pháp, “cõng rắn cắn gà nhà” nên không chỉ đường Lê Văn Duyệt mà nhiều con đường mang tên quan lại nhà Nguyễn đều bị đổi đi”.

Tìm lại tên đường

Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt tại TP HCM, được công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1989 của Bộ Văn hóa. Cũng từ ngày đó việc bảo tồn di tích được quan tâm hơn, nhưng việc “tìm lại” tên đường Lê Văn Duyệt vẫn còn khó khăn rất nhiều.

Ông Trần Văn Sung (Phó ban quản lý, Trưởng ban quý tế Lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt) có đơn kiến nghị xin thành phố đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt vì lý do ít nhất 12 tỉnh thành có  đường mang tên ông như Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Phước, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương… Riêng TP HCM, nơi ông Lê Văn Duyệt từng đóng dinh tổng trấn, nơi thờ phụng ông lại không còn có tên đường.

Bác Trần Văn Tuấn, nhiều năm làm việc khu di tích Lăng Ông bùi ngùi: “Suốt mấy chục năm qua, chúng tôi đã kêu các cấp về việc đặt lại tên đường trước lăng. Thời ông Võ Văn Kiệt còn sống, ông đã chỉ đạo tổ chức hội thảo về Lê Văn Duyệt, nhưng rút cục vẫn không đặt lại được tên đường. Chúng tôi chỉ nghe lý do là: chưa tìm được sự đồng thuận”.

Những năm gần đây, khi di tích Lăng Ông trở thành điểm du lịch quan trọng của thành phố, thu hút hàng ngàn khách nước ngoài mỗi ngày, việc tìm lại tên đường càng như thôi thúc người dân và các nhà nghiên cứu. Truyền thông gọi Lăng Ông là một trong những “trung tâm văn hóa tâm linh của TP HCM”. Mỗi lần giỗ tả quân có hàng chục vạn khách và các đình làng trong khu vực Nam Bộ đều tới dâng hương cho đức tả quân.

Chính quyền tổ chức lấy ý kiến các phường khu vực gần lăng thì đều nhận được ý kiến “nên khôi phục tên đường Lê Văn Duyệt trước lăng tả quân Lê Văn Duyệt”. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng ủng bộ việc thành phố nên có tên đường đức tả quân.

“Châu về hợp phố”

Bác Trần Văn Tuấn xúc động kể: “Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt được đưa ra. Hôm đó, chúng tôi hồi hộp vô cùng. Trong lăng làm lễ, dâng hương, báo với ông rằng: Hôm nay, Hội đồng nhân dân họp về việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt, mong ông phù hộ để công việc suôn sẻ. Nếu lần này không đặt được tên thì vĩnh viễn không bao giờ có tên đường mang tên ông, vì việc này tranh luận mấy chục năm rồi”.

Đến trưa, một cuộc điện thoại gọi về, báo: “Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua việc lại tên đường Lê Văn Duyệt, với số ý kiến đồng tình là trên 60%”.

Bác Trần Văn Tuấn nói: “Nhiều người trong ban quản lý di tích, các thủ từ, người dân, trong đó có tôi, đều không cầm được nước mắt, nhiều người ôm nhau khóc. Như thế là công lao của Đức ông Tả quân với Sài Gòn – Gia Định, với miền Nam đã được ghi nhận thỏa đáng rồi”.

Đúng ngày giỗ giỗ 188 Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020), diễn ra trong các ngày 16, 17 và 18/9 (nhằm ngày 29/7, 1 và 2/8 âm lịch), vào ngày 16/9/2020,  các cơ quan hữu quan TP HCM đã tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (có chiều dài 947m) thành đường Lê Văn Duyệt như tên cũ của đoạn
đường này.

Cũng đúng dịp giỗ thì lực lượng công bắt được tên trộm đã cuỗm mất viên ngọc trị giá 330 triệu đồng trên nóc nhà bia trong Lăng Ông. Viên ngọc được đưa về, gắn lại giữa hai con rồng “lưỡng long tranh châu”.

Uống nước nhớ nguồn

Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công xây dựng phát triển miền Nam, bởi vậy rất nhiều tỉnh phía Nam có lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói: “Lê Văn Duyệt có tài kinh bang tế thế, đã xây dựng kênh Vĩnh Tế làm thay đổi Nam Bộ. Ông cũng rất mê tuồng và hát bội, phát triển nghệ thuật truyền thống”.

Chuyện 'trả lại tên đường' Lê Văn Duyệt ảnh 1  Tả quân Lê Văn Duyệt

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh và đoàn hát bội của chị hằng năm diễn ở Lăng Ông. Chị nói: “Đoàn chúng tôi họp nhau lại và diễn vào dịp lễ giỗ của Đức Tả Quân. Diễn xong rồi ai làm việc nấy, ai về nhà ấy. Trước khi diễn, đều lập hương án làm lễ cúng đức tả quân”.

Những người trong lăng đưa tôi đi xem tấm bia đá cổ khắc văn bia chữ Hán đề “Lê công miếu bi” (Văn Bia Miếu Lê Công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894) ghi rõ: Trước sau Ông đã hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định gần 20 năm nên đã để lại niềm kính yêu cao dầy trong dân chúng. Ông mất đi, tinh anh kết tụ, núi sông bảo bọc, mỗi đêm thanh trời tối, trên mộ Ông vang lên tiếng ngựa hý quân reo, mọi người đều kính trọng và gọi đền là Miếu Ông, gọi mộ là Lăng Ông, dựng tượng Ông để thờ cúng mãi mãi”.

Anh Thảo, người bảo vệ trong Lăng Ông nói: “Gia đình chúng tôi sống gần con đường này từ trước 1975. Giấy tờ hộ khẩu gia đình trước 1975 là đường Lê Văn Duyệt, sau đổi thành đường Đinh Tiên Hoàng, nay lại chuyển về tên đường Lê Văn Duyệt. Việc này, không gọi là đổi tên mà gọi là trả về tên cũ”.

Qua lớp bụi thời gian, những giá trị lịch sử vẫn còn đó. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt,  người được dân chúng Nam Bộ xem là “thần thành hoàng” của Sài Gòn Gia Định với 2 lần làm tổng trấn, được hương khói quanh năm, cuối cùng tên ông đã được đặt lại cho con đường. n

 

Theo TS Nguyễn Thị Hậu: “Tên đường phố phản ánh lịch sử - văn hóa của quốc gia nói chung và của thành phố ấy nói riêng, bao gồm các yếu tố đặc trưng của địa lý tự nhiên, tên nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa... Tên đường phố ở đô thị còn cho biết những đặc trưng riêng của nơi đó vì phản ánh lịch sử, sự nhận thức và ứng xử với quá khứ”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.