Mối tình giữa chợ
Nhiều năm nay, cả khu vực dọc theo kênh Lò Gốm (P.9, Q.6, TP.HCM) không ai không biết đôi vợ chồng già này.
Đều đặn mỗi ngày cứ từ 5h chiều, khi kết quả xổ số của ngày hôm nay được công bố, họ bắt đầu đi bán vé số của ngày mai. Qua hôm sau, từ 7h sáng họ tiếp tục bán cho đến khi nào hết vé...
Người chồng có dáng dấp một ông Tây, mũi cao mắt xanh. Ông khá cao, cao đến nỗi bà chỉ đứng dưới vai ông...
Chuyện một ông Tây cùng vợ đi bán vé số tưởng chừng như chuyện lạ nhưng lại có thật. Vợ chồng ông về cư ngụ ở vùng này đã vài chục năm và đều đặn mỗi ngày họ cùng nhau mưu sinh. Đi đâu cả 2 cũng đều bên nhau. Ít khi thấy họ tách nhau đi riêng...
Ông bà đến mời tôi khi ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Cầm xấp vé số của ông đưa, tôi mời cả hai người ngồi xuống: "Trời mưa to lắm. Anh chị ngồi một lát rồi lại đi". Tôi mân mê xấp vé số và hỏi chuyện.
Ông Tây bán vé số. |
Được biết, người vợ là Nguyễn Thị Bé, quê ở Bến Tre, rời quê từ rất sớm. Chị cho biết: "Gia đình tôi ly tán nên đến giờ tôi không còn ai thân thuộc cả. Tôi đến Sài Gòn và làm công cho một quán giải khát ở chợ Phú Lâm. Hàng ngày tôi chặt dừa để bán cho khách. Lúc này tôi cũng muốn có một chỗ dựa vì đã ngoài 30 tuổi".
Chị kể tiếp: "Sau đó nhiều người giới thiệu tôi với anh Nguyễn Trưng, ông xã tôi bây giờ. Lúc ấy anh Trưng đang phụ trách công việc dọn vệ sinh chợ mỗi ngày. Anh Trưng sinh năm 1948, lớn hơn tôi 10 tuổi.
Từ khi quen nhau, anh luôn quan tâm chăm sóc tôi. Anh giúp đỡ tôi rất nhiều về mọi mặt và tình cảm bắt đầu nảy sinh. Chúng tôi quyết định đến với nhau. Anh đưa tôi về gặp mẹ anh.
Chúng tôi được mẹ anh đồng ý và đã chung sống với nhau từ dạo ấy. Không cưới hỏi, không có một nghi thức nào nhưng chúng tôi đã cùng nhau đi trọn quãng đường trần...".
Không có Bé, cha con tui sống sao đây?
Người phụ nữ ấy tiếp tục trải lòng: "Chúng tôi đều là những người bất hạnh. Theo lời mẹ anh kể lại, cha anh là một lính Pháp. Ông về nước khi anh mới tượng hình trong bụng mẹ. Có thể cha anh không biết ông đã bỏ rơi giọt máu của mình trên đất khách.
Rồi mẹ anh mất. Tôi cũng sinh con đầu lòng. Đứa con lọt lòng mẹ giống cha như đúc, cũng lai Tây với mái tóc vàng hoe, chiếc mũi cao và đôi mắt xanh. Nhưng buồn thay nó cũng giống cha nó ở chứng thiểu năng.Từ đó, hai ông bà không còn liên lạc với nhau. Anh Trưng sinh ra, lớn lên có thể hình cao lớn của người phương tây nhưng trí não không phát triển. Anh bị thiểu năng ngay trong bụng mẹ. Mãi sau này tôi mới biết thì lúc đó tôi đã yêu anh mất rồi. Thôi thì duyên đã vậy chúng tôi cứ nương nhau mà sống...
Chồng như thế, con cũng như thế tôi làm sao mà sống? Vậy mà chúng tôi vượt qua hết. Tất cả không gì ngoài tình yêu vợ chồng và tình thương con".
Chị vẫn kể bằng một giọng thật nhẹ: "Anh nghĩ xem, anh Trưng tuy to con nhưng lại khờ khạo. Ai nói gì anh cũng nghe, bảo gì cũng làm. Cũng như tôi anh không được đi học nên cả hai vợ chồng đều mù chữ.
Mới đó mà giờ đây thằng Long con tôi đã 25 tuổi rồi. Cũng khù khờ và thất học. 25 năm qua, tôi đã cùng anh nỗ lực không ngừng để kiếm miếng ăn nuôi con. Không một việc gì không làm miễn lương thiện để có tiền nuôi con.
Cũng trong 25 năm qua đó, cuộc sống vợ chồng tuy còn nhiều thiếu thốn, khiếm khuyết nhưng thật hạnh phúc. Anh chưa bao giờ to tiếng với vợ mình".
Có lần tôi nói với anh, nếu tôi không lấy ông, không có thằng Long chắc tôi không khổ như thế này đâu. Anh cười rồi thỏ thẻ: "Bé phải thương tui, thương thằng Long. Không có Bé, cha con tui sống sao đây?". Tôi nghe mà đứt ruột.
Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi bán được 100 vé, được khoảng 100.000đ. Với số tiền này, chúng tôi phải để dành 60.000đ cuối tháng trả tiền phòng trọ.
Chúng tôi cũng đã già chưa biết ai đi trước ai. Nếu tôi đi trước không biết hai cha con sẽ sống ra sao?".
Câu hỏi của chị rơi vào thinh không. Ngoài trời mưa cũng đã bớt hạt, đôi vợ chồng ấy lại dắt díu nhau đi tiếp.
Trước khi từ giã họ, tôi không quên mua giúp cho ông bà vài tấm vé. Hai người ra khỏi quán. Ông cao lớn che mưa cho bà nhỏ bé, gầy gò. Họ cứ đi, lao về phía những cơn mưa.