Chuyện tình “Hoa hậu Cơtu”

Chuyện tình “Hoa hậu Cơtu”
TP - Tên nàng là Alăng Bre. Alăng Bre có mái tóc dài, đen nhánh, mượt như suối. Alăng Bre là người phụ nữ Cơtu đầu tiên dám dũng cảm ly hôn người chồng không tốt. 
Chuyện tình “Hoa hậu Cơtu” ảnh 1
Vợ chồng Bre trong ngày cưới

Hè năm 2002, trong một lần đánh vật với con xe giở chứng trên đường Trường Sơn đoạn qua Màcooih (Đông Giang, Quảng Nam) còn lởm chởm đá, mấy anh em TNXP kéo tôi vào một quán nhỏ bên đường giới thiệu: “Quán của Hoa hậu Cơtu”...

Alăng Bre có mái tóc dài, đen nhánh, mượt như suối. Nàng nói tiếng Kinh, giọng chuẩn Hà Nội pha lẫn một chút mênh mang của núi rừng.

Ai hỏi, Bre chỉ cười: “Mấy anh công nhân người Bắc vào uống nước, nói chuyện miết rồi quen giọng chứ em đã qua được đèo Hải Vân bao giờ đâu”.

Tôi thầm nghĩ, nếu có một cuộc thi sắc đẹp dành riêng cho các thiếu nữ Cơtu, chắc chắn, vương miện sẽ thuộc về Alăng Bre.

Cô chủ quán người Cơtu xinh đẹp cùng với câu chuyện ly hôn tưởng chừng như rơi vào quên lãng theo thời gian thoáng chốc ngập tràn trong tâm trí tôi trong chuyến vượt Trường Sơn vào dịp cuối năm.

Chủ tịch xã Màcooih Alăng Ba nói: “Người phụ nữ Cơtu đầu tiên dám ly hôn bây giờ đã có chồng rồi, vừa mới sinh con trai xong, mà chồng nó là người làm Chủ tịch xã Màcooih trước mình đấy, anh Raput Mhay”.

Ngôi nhà vợ chồng Raput Mhay mới xây thuộc diện đẹp nhất xã Màcooih. Nhận ra người quen cũ, Alăng Bre dù bận bịu con nhỏ vẫn vồn vã mời khách vào nhà.

Mắt Bre vẫn ánh lên vẻ thất thần khi tôi gợi lại câu chuyện về người chồng trước của cô: “Cho đến bây giờ, mình vẫn không thể hiểu tại sao lại có thể chịu đựng lâu đến như vậy, những 4 năm cơ mà.

Mình lấy anh ta năm 1995, chỉ hưởng hạnh phúc được đêm tân hôn, còn lại sau này một tháng anh ta say đến 30 ngày, hễ rượu vào lại nọc cổ mình ra đánh.

Mình muốn ly hôn lắm nhưng cũng không dám vì ở đây chưa có người đàn bà Cơtu nào lại dám cả gan ly hôn chồng cả. Mình cũng có với anh ta một đứa con trai rồi”.

Raput Mhay ngồi bên tiếp lời vợ: “Là Bre nói vậy thôi, chứ để dũng cảm ly hôn thì Bre phải nhờ đến đường Trường Sơn đấy”.

Chuyện tình “Hoa hậu Cơtu” ảnh 2
"Hoa hậu Cơtu” với đứa con vừa sinh

Như khơi đúng mạch, Alăng Bre vui vẻ: “Đúng vậy đấy. Từ khi có đường Hồ Chí Minh, người dân nơi đây có điện, có đường mới khang trang, lại có tivi để xem, mình vỡ lẽ ra được nhiều điều, ly hôn không có gì là xấu cả, ngược lại, cam chịu bị chồng hành hạ mới là không phải.

Mấy anh thanh niên xung phong cũng động viên khích lệ, mình mới đủ can đảm viết đơn lên chính quyền, trầy trật mãi cũng thoát khỏi anh chồng nát rượu...”.

Nói đến đây vợ chồng Raput Mhay cùng nhìn nhau, ánh mắt âu yếm hạnh phúc như thủa đôi mươi...

“Cũng không hiểu sao mình và anh Mhay thành vợ chồng được, chắc do duyên số”. Cuối năm 2002, vợ Mhay mất sau khi lâm bệnh nặng, để lại cho ông Chủ tịch xã Màcooih một nách 7 đứa con thì chỉ con trai lớn Raput Bich là đã có thể lên nương rẫy kiếm bữa ăn qua ngày. Còn lại, cả nhà trông chờ vào đồng lương còm của Mhay.

Ly rượu nếp thấm đẫm qua môi, Raput Mhay mơ màng đến chuyện 2 năm về trước: “Mình quen Bre ở chợ Hing...”. Sau một năm tìm hiểu, qua nhiều khó khăn, trắc trở nhưng được sự khích lệ, động viên rất nhiều của bà con, anh em, cuối năm 2004, Raput Mhay và Alăng Bre làm lễ cưới.

Bre – “Hoa hậu núi rừng Cơtu” chính thức làm vợ Chủ tịch xã Màcooih, là mẹ của 7 đứa con của chồng. Một kết thúc có hậu cho câu chuyện tình đẹp giữa cô nàng bán quán và ông chủ tịch xã.

Sông Bung không còn réo rắt dữ tợn như xưa mà ngoan ngoãn hiền hòa bởi những bàn tay chặn dòng của thủy điện AVương.

Đường Trường Sơn huyền thoại, thủy điện AVương hoành tráng, rồi đây cuộc sống của bà con núi rừng Cơtu sẽ còn nhiều đổi thay. Như chuyện nàng Bre xinh đẹp dám vượt qua hủ tục, thân phận để làm chủ đời mình...

MỚI - NÓNG