Loáng cũng đã 50 năm trôi qua, bà Lịch (sinh năm 1949) sống - chiến đấu với một chân còn lại. Trong căn nhà số 223A Tăng Bạt Hổ (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), bà mở cho tôi thấy một chân đã bị cưa quá gối và chân kia chi chít những vết sẹo lớn.
Trong lúc trò chuyện, đến đoạn bà quên, có ông lão nước da ngăm đen lại chạy từ dưới bếp lên để nhắc giúp, hoặc giúp bà tìm những tài liệu liên quan. Bà nói, di chứng của những đòn ác của kẻ thù đến nay khiến sức khỏe bà yếu đi, đầu óc cũng không nhớ hết. Ông là người nắm rõ nhất về cuộc đời của bà, cũng là “món quà” mà cuộc đời ban tặng sau tất thảy những đau đớn trải qua.
Chiến sĩ… một chân
15 tuổi, cô bé Lịch tham gia công tác binh vận tại xã với nhiệm vụ rải truyền đơn, theo dõi các chốt điểm địch đóng quân để báo cáo tổ chức. Tháng 2/1965, xã Hoài Châu được giải phóng. Thiếu nữ có dáng người cao khỏe, hoạt bát, đôi mắt luôn mở to này được giao nhiệm vụ dẫn đầu đội Nữ quyết tử diệt tên ác ôn Võ Thân – xã phó an ninh Hoài Châu. Thực hiện nhiệm vụ với cô còn có Mai và Hoa đều là những cô gái xinh đẹp, áp dụng “mỹ nhân kế” để diệt tên ác ôn này. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, Lịch bị địch truy đuổi, bắn bị thương bên đùi phải. Bị bắt. Để buộc cô khai ra cơ sở cách mạng, chúng dùng đủ các đòn tra tấn nhưng cô cắn răng chịu đau quyết không khai ra một lời nào. Chân phải của cô bị thương, chúng cưa chân trái để dằn mặt và để cô không còn làm cách mạng được nữa. Ban đầu cưa bàn chân, rồi đến nửa gối, rồi quá gối. Ba lần chết đi sống lại khi nhìn xuống thì chân trái đã không còn nữa, chỉ trơ ra như một khúc gỗ bao bọc bông băng trắng toát.
Lịch được chuyển ra trại 8. Tại đây cô vẫn tập tễnh trên đôi nạng gỗ ráp nối đưa nhiều đảng viên, cán bộ cách mạng ra khỏi trại tù. Còn cô thì được Đảng bộ Hoài Châu đánh tháo bằng cách vận động cơ sở tiêm thuốc mê giả chết rồi đưa ra ngoài. Đó là vào đầu tháng 2/1970. Trở về, Lịch lại năn nỉ được làm việc, góp sức cho cách mạng. Cô làm y tá rồi trạm trưởng, kiêm luôn lớp đào tạo cứu thương hộ lý, rồi mở lớp dạy chữ cho trẻ.Đến tháng 10/1976, bà công tác tại Ban Bảo vệ sức khỏe ty Y tế tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1988 bà vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Năm 2001, bà là đại diện của tỉnh Bình Định tham dự gặp mặt phụ nữ “hai giỏi” tại Hà Nội, và được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Huy chương Vì sức khỏe nhân dân.
Ai cũng thương và cảm phục hình ảnh cô gái trẻ với chiếc nạng gỗ vẫn thoăn thoắt khi thì vào hầm cứu thương, lúc lên lớp dạy chữ hay xuống suối giặt đồ cho thương binh. Còn với cô lúc này, làm việc là lẽ sống, mới giúp cô quên đi nỗi đau khổ tật nguyền, có ích cho đời. Những năm ấy địch lại tấn công điên cuồng, có lần càn vào trạm xá nên phải sơ tán vào rừng. Khi đoàn vừa di chuyển đến nơi mới, ngoái lại đã thấy trạm cũ bị thả bom mù mịt. Cuối năm đó, Ban Y tế xã Hoài Châu được cấp bằng khen, cá nhân nữ y tá Trần Thị Thanh Lịch cũng nhận giấy khen và tuyên dương.
Năm 1973, tại Đại hội ngành Dân y khu V, Trần Thị Thanh Lịch được bầu làm Chiến sỹ thi đua của ngành toàn khu và Ban đại diện Chính phủ lâm thời Cách mạng Miền nam Việt Nam ký quyết định tuyên dương. Năm 1974, cô được điều ra Bắc để chữa trị và học hành. Tại đây cô gặp được người chồng sau này mà vô vẫn ví đó là món quà ân nghĩa của cuộc đời.
Ngày 15/5/1974, Lịch ra miền Bắc tham gia vào Đoàn cán bộ chiến sỹ miền Nam đi thăm Berlin (Đức) và đi nhiều nước trên thế giới để tố cáo tội ác của giặc Mỹ. “Tôi kể câu chuyện của mình, bị giặc bắt nhốt và tra tấn thế nào, thấy mắt ai cũng rưng rưng. Nhiều người còn xin được chụp hình cùng” - bà nói.
Bà kể, lần đầu gặp ông trong lần điều trị tại Bệnh viện E Hà Nội. Ông là Trần Việt Cường, chiến sỹ an ninh vũ trang Thừa Thiên Huế, nhiều chiến công nhưng cũng mang vết đạn trong phổi. Thương cô gái trẻ kiên gan, đầy nghị lực, anh chiến sỹ vũ trang xứ Huế mạnh dạn thổ lộ tình cảm. “Anh sẽ cưới em làm vợ” - cách tỏ tình ngắn gọn mà chân tình khiến cô mặt đỏ bừng, cô chưa bao giờ dám nghĩ với đôi chân khuyết tật này lại có thể có một chàng trai nguyện đi chung suốt chặng đường còn lại. Lễ cưới diễn ra đơn giản, không nhẫn cầu hôn, không mâm cỗ đầy chỉ có lời chúc phúc của những đồng đội, thương binh.
“Lúc đó gia đình cũng phản đối ghê lắm, sợ mình khổ. Nhưng mình nghĩ nếu không phải vì chiến tranh, không vì Tổ quốc thì người con gái đó đâu thành khuyết tật. Sự hy sinh đó đáng để yêu thương” - ông nói, rồi nắm chặt lấy tay vợ. Đôi bàn tay ấy đã nắm chặt mấy chục năm nay, họ vẫn hạnh phúc trong khó khăn, gian khổ với cuộc mưu sinh sau này.
Ông từ tốn rót nước, giục bà uống thuốc cho đúng giờ. Đây là những ngày hiếm hoi bà ở nhà chứ bình thường thì “đóng chốt” trong bệnh viện. Hậu quả từ những cuộc tra tấn khiến bà mang đau đớn, lại thêm các chứng bệnh cao huyết áp, khớp, rối loạn tuần hoàn não… hoành hành từng ngày. Nghiễm nhiên ông nhận hết phần việc về mình, chăm lo cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ. Đôi lúc mắt bà loáng buồn. Trong thâm tâm vẫn trăn trở nhiều chuyện. Cô con gái đầu Trần Thị Việt Hà được cử sang Tiệp Khắc đi học hóa thực phẩm (5 năm) nay vẫn chưa xin được việc, cậu con trai tốt nghiệp hóa lọc dầu ra Quảng Ngãi làm việc mới được chuyển về làm tại Sở Tài nguyên Môi trường nhưng là lao động hợp đồng. Ông nhỏ tai tôi, “Bả buồn vì các con chưa có một công việc ổn định”.