Chuyện thoát chết của một tử tù

Chuyện thoát chết của một tử tù
TP - Tình cờ gặp Nguyễn Xuân Bàn trong Hội nghị gia đình phạm nhân trại giam Thủ Đức, tôi mới biết đằng sau gương mặt rắn rỏi, sạm đen vì cháy nắng kia là bề dày thành tích của một tử tù từng vận chuyển trái phép chất ma túy.

“Chưa bao giờ tôi tuyệt vọng đến vậy. Chỉ khi đối diện với cái chết, cảm nhận được cái chết đang lơ lửng trên đầu người ta mới thèm sống, mới khao khát được sống đến cháy bỏng. Bấy giờ, tôi tâm niệm nếu còn được sống tôi sẽ nâng niu quý trọng từng giây từng phút, dù có phải sống cơ cực bên gia đình, tôi vẫn vui lòng” - Nguyễn Xuân Bàn nhớ lại giây phút trong trại tạm giam chờ ngày lên pháp trường.

Tan giấc mộng làm giàu 

Nguyễn Xuân Bàn (SN 1956) quê ở xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi thành hôn với người con gái quê  xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thì Bàn chuyển về ở hẳn quê vợ và trở thành cán bộ Cty vật tư của huyện Thuận Châu...

Ngồi bệt xuống đất và rít vội điếu thuốc, Bàn chậm rãi nhớ lại cuộc đời giông tố của mình. Anh nói trước khi phạm tội, gia đình sống trong cảnh sung túc. Gia đình nho nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười của 2 đứa con nhỏ 1 trai và 1 gái, bên cạnh là người vợ làm nghề giáo nết na dịu hiền.

Thế rồi cơn lốc thị trường ập đến, cảnh người qua kẻ lại làm ăn qua biên giới Việt - Lào khiến Bàn cảm thấy choáng. “Những tỷ phú chân đất, hút thuốc lào khi ấy trở thành thần tượng của tôi. Choáng ngợp trước sức hút của kim tiền, tôi bắt đầu nuôi giấc mơ đổi đời” - Bàn trầm ngâm với ánh mắt xa xăm.

Rồi đến một ngày, Bàn vội gom hết những thứ gì có được trong nhà mang đi bán được 15 triệu đồng và vác túi lên vai theo bạn bè hướng về cửa khẩu để “đi đánh quả lớn”.   

Ở đường biên, người ta buôn đủ thứ thượng vàng hạ cám nhưng vì muốn làm giàu nhanh, Bàn lại chọn cách “đánh hàng trắng”! Lợi nhuận chót vót đã khiến Bàn hoa cả mắt.

Thế là anh lao vào cùng một thành viên của đường dây thực hiện chuyến buôn đầu tiên với 2,1 ký heroin, tương đương hơn 6 bánh. Khi Bàn vừa mang “hàng” đặt chân đến Sài thành thì bị tóm bởi chuyên án thực hiện của Bộ Công an và CA TPHCM. Giấc mơ trọc phú ngày nào giờ đổ sụp.

Vụ án được đưa ra xét xử. Với lượng hêroin đó, nếu chia nhỏ có thể “giết” cả chục mạng người. Vụ án đưa ra xét xử, cả  2 cấp tòa đều tuyên Bàn cùng một người bạn mức án cao nhất: Tử hình!

“Khi nghe xong bản án mà tòa tuyên, tôi gục xuống vành móng ngựa, lịm đi, trời đất như sụp đổ. Tám tháng trời nằm trong phòng biệt giam dành cho tử tù chờ ngày ra pháp trường dài như thế kỷ.

Tôi đau khổ, ân hận tột cùng. Thế là hết. Những toan tính làm giàu tan biến. Nay đến mạng sống cũng leo lét như đèn treo trước gió. Mỗi buổi sáng giật mình thức dậy, thấy ánh mặt trời chiếu qua khe cửa tôi mới chắc mình vừa sống thêm được một ngày.” – Nhắc đến đây, Bàn rươm rướm nước mắt.

Thoát án tử

Cứ mỗi lần nghe tiếng cửa buồng biệt giam bên cạnh lách cách tiếng mở khóa là Bàn ngồi bật dậy, bởi anh nghĩ giờ hành quyết đã điểm. Nhưng không ngờ vận may đã mỉm cười  với người tử tù Nguyễn Xuân Bàn khi đơn xin giảm án của anh gửi cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi ấy được chấp thuận.

Anh được Chủ tịch ký giảm án tử hình xuống tù chung thân vì: Nguyễn Xuân Bàn sinh ra và lớn lên ở miền núi, nhận thức chưa đầy đủ, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt!

Nói đến đây, Bàn như reo lên: “Anh biết không, không thể nào diễn tả được cái cảm giác mình đang chết nhưng được sống lại. Khi ấy sau khi người cán bộ trại giam công bố quyết định tôi đã vui mừng nhảy cẫng lên và ôm chầm ông ấy. Ông cũng chia sẻ sự may mắn này của tôi và động viên tôi cố gắng học tập cải tạo tốt và làm lại cuộc đời”. 

Ngày 10/10/1996,  Bàn được đưa đi chấp hành án tại trại Thủ Đức. Tại đây, phạm nhân được làm nhiều nghề như: trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản, mộc, gò, rèn, đan lát, thêu thùa, may mặc, xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, làm gạch bông, làm nước mắm, xay xát lúa, trồng mía nấu đường, làm chậu cảnh…

Bàn thấy lạ là trại được bố trí ngăn nắp, người nào việc nấy tất cả đều nề nếp. Giờ lao động, cả trại như một nông trang. Có một xí nghiệp tồn tại nơi này, suốt ngày sôi động nhịp điệu của tiếng máy. Tối, phạm nhân đến lớp học văn hóa.

Những mái đầu xanh chụm bên mái đầu tóc đã hoa râm ê a đánh vần. “Khi được cán bộ trại giảng giải, phân tích tôi càng hiểu, càng thấm thía và ghê sợ cho tội ác mà chính mình gây ra. Lúc này tôi mới …“ngộ” ra” - Bàn hóm hỉnh nói.

Đến trại, Bàn chọn  nghề thợ mộc. Sau một tháng học lý thuyết kết hợp thực hành, Bàn đã khá thành thạo. Giọng Bàn trầm trầm hồi tưởng: “Từ nhỏ chưa một lần cầm cưa, cầm đục, còn nhớ những ngày đầu làm thợ hai cánh tay mỏi rã rời, bàn tay phồng rộp, toàn thân ê ẩm, đường cưa xiêu vẹo, lỗ đục lam nham.

Những lúc đó cán bộ quản giáo luôn ở bên động viên khích lệ. Anh em thợ bậc cao cũng tận tình hướng dẫn, cứ 1 thợ giỏi kèm 2 thợ học việc. Ngày tháng trôi nhanh, tay ghề của tôi ngày càng thuần thục”.

Sau 2 năm học nghề, tay nghề của Bàn đạt đến bậc 3/7 và anh được giao làm những sản phẩm thuộc nhóm kỹ thuật cao và được giao kèm hai thợ học việc khác.

Cứ ngày qua ngày, lao động cần cù chăm chỉ cùng với thư động viên của gia đình, Bàn đã trải qua thời gian thụ án tù được 15 năm (kể cả thời gian tạm giam trước khi xử án). Bàn tâm sự: “Ở trong này nghề dạy nghề, người dạy người, thợ giỏi kèm thợ phụ.

Thợ giỏi hết án, thợ phụ đã thành thợ giỏi lại làm thầy dạy lại cho người mới đến. Cứ như thế, từ tội phạm, khi ra trại họ đã là thợ mộc, thợ may, thợ xây có nghề nghiệp có thể dùng nghề đã học ở trại làm ăn sinh sống bằng chính bàn tay lao động lương thiện của mình”. 

Mong ngày đoàn tụ

Khi chúng tôi nhắc về gia đình, Nguyễn Xuân Bàn lại nói về người vợ với nỗi cô đơn 15 năm làm hòn vọng phu, nuôi con chờ chồng. “Tôi bị bắt, vợ tôi với đồng lương cô giáo nuôi hai con ăn học làm gì có tiền mà trợ cấp cho tôi, tôi sống dựa vào chế độ nuôi ăn của trại, tiền thưởng do vượt năng suất và sự đùm bọc của bạn bè”.

Do đường sá xa xôi, kinh tế eo hẹp, 15 năm qua vợ vào thăm anh 4 lần. Tuy nhiên, cứ mỗi tháng anh lại nhận được 1 lá thư của người vợ hiền. Bàn nói: “Thư nào vợ tôi cũng hỏi năm nay thi tay nghề chưa, anh có được lên bậc không?

Để đáp lại tấm lòng của vợ con, những người đã vì tôi mà  tủi nhục ê chề, tôi quyết tâm phải vươn lên, phải giỏi nghề”. 15 năm gánh nặng gia đình trên vai nhưng vợ anh vẫn chung thủy đợi chờ, nuôi 2 con nên người. Ngày Bàn rời nhà ra đi “đánh hàng” bỏ lại sau lưng một đứa con học lớp 4 và 1 đứa học lớp 2. Nhưng giờ 2 người con của anh đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, rồi đi dạy học được vài năm.

Mới đây con gái đầu lòng của anh gửi thư vào cho bố khoe rằng, ba mẹ con ở nhà đều có thu nhập ổn định và có đời sống khá. Thậm chí 2 người con của anh sợ anh sống kham khổ nên khuyên. “Bố đừng có tiết kiệm và nên ăn uống đầy đủ để đợi ngày về bố con đoàn tụ”.

Trong thư hồi âm cho hai con, Bàn viết: “Bố chỉ thèm một cuộc sống gia đình êm ấm, chỉ cần mẹ và các con tha thứ, chấp nhận bố, dang rộng vòng tay đón bố trở về là bố mãn nguyện lắm rồi!”.

Giờ đây, Bàn được xếp  bậc thợ 6/7 và đủ sức làm ra những bộ salon cao cấp khảm trai, khảm xà cừ, với đủ các kiểu dáng. Từ thành tích trong cải tạo, Nguyễn Văn Bàn được xét giảm án chung thân xuống còn 20 năm.

Trong những năm gần đây, anh lại được xét tiếp 5 lần giảm án, tổng cộng được 5 năm nữa. Và khi bài báo này lên khuôn có lẽ thời gian “tạm trú” trong trại Thủ Đức của Nguyễn Xuân Bàn chỉ còn ít ngày nữa thôi.

“Tôi đang chuẩn bị tinh thần đợi ngày về đoàn tụ với gia đình. Vợ con đang đợi tôi. Với tay nghề hiện có tôi tin rằng mình có thể kiếm sống không chỉ cho mình mà còn có thể phụ giúp vợ con” – Nguyễn Xuân Bàn tâm sự.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.