Cuộc đó không có giải Nhất, giải Nhì là “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Còn “Những ánh sao đêm” ngời ngời của Phan Huỳnh Điểu chỉ dự vào hàng thứ 13 thôi đấy, chả ẵm giải gì. Một thời quá “đỉnh”.
Nghe đồn một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam từng nhận định “Cả nền nhạc đỏ chỉ được mỗi “Chào em cô gái Lam Hồng” còn lại, vứt”. Có lẽ người này chỉ định lập ngôn cho vui lúc trà dư tửu hậu thôi.
Nhạc sĩ của “Bài ca không quên” thì kể lại sự xúc động nghẹn ngào của mình và đồng ngũ khi nghe “Người sống mãi trong lòng miền Nam” qua sóng đài Giải phóng, bài hát được nhạc sĩ Nam bộ Nguyễn Đồng Nai viết gửi ra miền Bắc, hoàn hảo khi người thể hiện là ca sĩ ngôi sao của miền Bắc - Mạnh Hà.
Nghe Quang Lý hát bài này những ngày tháng Tư đã thấy hay lắm rồi, ai quan tâm có thể tìm hiểu Mạnh Hà từng thể hiện ra sao, để hiểu vì sao thuở đó nhiều bậc cha mẹ cứ thích đặt tên con là Mạnh Hà!
Trong Con đường Âm nhạc chuyên đề nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn phát đã lâu, nhạc sĩ có nói “Thế hệ chúng tôi trông có vẻ đơn giản, kỳ thực không hẳn”. Tôi nghĩ đơn giản như cục gạch, mải chơi quên lớn ở thời này là những người này cơ: Tự phong ông hoàng bà hoàng giải trí, tổ chức thi viết về mình, có trao giải cẩn thận. Hoặc cứ lên sân khấu là “xin tràng pháo tay để hát cho sung”; vừa thò mặt vào cuộc thi, game show nào là nhảy ngay lên “phây” kêu gọi fan “bình chọn, like điên đảo cho mình nhé, các tình yêu”.
Trong “Khoảnh khắc tháng Tư”, một chương trình chính luận cũng tốt dịp vừa qua, nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại thời mới giải phóng mà bộ đội từ Nam ra hay mua vải đen làm quà cho mẹ may quần, khung xe làm quà cho vợ và búp bê cho con. “Có người bảo bộ đội các cậu ngốc lắm, sao không lùng mua vàng, thì tôi nói bộ đội mà đi lùng mua vàng là tai họa, còn mua búp bê chính là hồng phúc của dân”.
Câu này nếu nghe sớm, có lẽ đã giải tỏa được tâm lý thẹn thùng của nhiều người một thuở. Hồi đó miền Nam chưa giễu thì miền Bắc đã tự trào “ti vi tủ lạnh chạy đầy đường”, “miền Nam nhận họ miền Bắc nhận hàng”, “vào Sài Gòn chỉ mê mỗi món cua bể” (bê của)… vân...vân... Mỗi thời đều có những ngây ngô, ấu trĩ để chúng ta nhìn lại với một nụ cười rồi thẳng lưng bước tiếp, còn khăng khăng giữ lấy định kiến “như một vùng nước xoáy” mới gọi là gay go.