Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ
TP - Gánh nặng gia cảnh ấy tiếp tục dồn lên vai Tuân mãi khi đã đất nước thống nhất. Sau năm 1975, Tuân tìm cách đưa hai người em gái ra Hà Nội. Tìm công ăn việc làm cho hai em, thời ấy hình như không bấn bíu giăng mắc như bây giờ?

>> Kỳ trước

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ ảnh 1
Toàn cảnh khu vực Đền Đồng Cổ Đan Nê

Rồi một em đi lấy chồng, ông anh nhường cho căn hộ hơn mười mét vuông, mình thì  đi ở nhờ nhà bạn. Lần hồi rồi Tuân cũng kiếm được một căn nho nhỏ và quyết định đưa bố mẹ ra.

Chuyện Tuân đi hỏi vợ cho bố – một người đàn bà chồng mất, con hy sinh ở nơi ông chạy sơ tán thì mãi sau này, năm 1971 khi mẹ mất được 4 năm. Còn bản thân Tuân là con trai trưởng nhưng Tuân lấy vợ khí muộn. Chừng như lo cho các em, lo cho bố đâu đấy rồi Tuân mới tính việc riêng cho mình?

Những năm gian nan ấy rồi cũng dần qua. Trong những câu chuyện về quê nhà những năm khốn khó lẫn bình an, ông bố Tuân, lúc thì xa, bận thì gần đều đau đáu về cái làng Đan Nê. Làng Đan Nê thực ở quê kiếng có đền Đồng Cổ linh thiêng từng ngự trị trên mảnh đất hoang bình địa bây chừ. Làng Đan Nê ảo mà trước ngày tao loạn, những ngày mà tất tật gia đình quần tụ trên mảnh đất hương hỏa ông bà.

Tưởng ông bố thân tại Hà thành tâm tại Thanh, ông Tuân nghĩ có khi cụ muốn về quê sống nốt những năm tháng còn lại cũng nên? Nhưng một lần thấy con gợi ra thế, cụ nghiêm sắc mặt mà rằng làm thế thì phải nghĩ con ạ. Mà bố không muốn nghĩ ngợi thêm chi nữa. Nghĩ là phải nhớ, phải chạm mặt với những kỷ niệm với người cũ cảnh xưa...

Trong sâu thẳm, ông Tuân biết bố mình nhớ thì có nhớ nhưng rất ngại khơi gợi những ngày tao loạn lẽ ra không đáng có ấy. Ngay ông cụ từng không ít lần trấn an cho con cho những người thân và ngay cả cho mình rằng, cái thời nó phải có những khúc loạn lạc như thế!

Như thế nghĩa là tất yếu, như đã xảy ra, như vốn phải có vậy. Với thời cuộc thì tạm coi, là tạm xong. Nhưng sâu thẳm, nhiều bận thoáng thấy bố ngồi với các cụ cùng trật tuổi, ông Tuân vẫn biết cụ nhà thường đăm đăm về cái đền thiêng Đồng Cổ. Đồng Cổ là của Đan Nê kia.

Đan Nê là cái làng lập nên từ thuở hồng hoang từ thời nảo nao đào giếng thấy tự dưng đất khơi lên đỏ như son nên làng ấp mang luôn tên ấy. Lại cũng có chuyện khi mõm ngựa chiến của những đội tiền quân của các thời Lý Thái Tổ lẫn Lê Thái Tổ khi đi bình phương Nam lúc dừng vó câu tạm nghỉ sức ở Đồng Cổ khi uống nước ở hồ bán nguyệt trước đền thì con nào mồm miệng cũng đỏ như son cả.

Họ Trịnh nhà ông đinh đa nhất làng so với họ Hà, nhỏ hơn là họ Nguyễn có công khai ấp Đan Nê. Làng xóm quần tụ và làm ăn lần hồi được qua bao đời yên ổn như thế có lẽ cũng được thần trợ giúp? Thần Đồng Cổ còn phù trợ cho vua Hùng đánh giặc, cho Vua Lý mở mang cõi bờ như thế huống chi thần không sai khiến những thần linh thổ địa phù trợ cưu mang hộ vệ dân làng Đan Nê, cái nơi mà thần phát tích? 

Dường như linh khí làng đã bỏ Đan Nê mà đi từ trận bom Pháp năm 1949 san bình địa đền thiêng Đồng Cổ? Nỗi đau chung lại choán thêm nỗi đau riêng, đứa con gái nhỏ của cụ đã phải chết một cách tức tưởi trong trận bom ấy như thế.

Đành một nhẽ, ở Hà Nội đây có Đồng Cổ. Đành một nhẽ vua Lý có công lẫn có quyền rước Ngài ra trấn giữ hộ vệ cho không riêng gì Thăng Long mà cả nước Nam ngót ngàn năm nay. Nhưng gì thì gì, khí thiêng của ngài vẫn đi mây về gió và chắc vẫn thường ngự nơi phát tích mà Vua Hùng từng lập đền thờ đầu tiên?

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ ảnh 2
Trang đầu cuốn Tam Thai sơn linh tích

Cụ đã được ông Tuân dẫn đi coi Đồng Cổ trên Bưởi. Cái đền mà từ các vua Lý đến vua Trần rồi sau này các vua Lê từng sang sảng lời thề làm tôi bất trung, làm con bất hiếu thần minh tru diệt.

Hai câu đối trước đền khá hay nhưng ông vẫn thấy thiêu thiếu đi cái gì Linh từ nhất thốc tiểu Long Đỗ/ Thần ngữ thiên thu ưởng Phượng Thành.

Nghĩa là Đền thiêng một nóc ngời Long Đỗ (thần bản mệnh của thành Thăng Long)/Lời thánh nghìn thu vọng Phượng Thành (chỉ Thăng Long).

Nhưng có vẻ kém cái khí thế khó mà so mà đọ được với câu đối ở đền Đồng Cổ Đan Nê: Khôn tả nỗi mừng vui dấu vết vốn từ Nghiêu Thuấn/Khó lường được linh hiển bể dâu trải đến Lý Trần (Chí hỷ vô năng danh, trần cấu do đào Nghiêu Thuấn/ Cách tử bất khả đạc, tang thương tằng lịch Lý Trần).

Câu ấy đâu vậy thày? Ông cụ trầm ngâm mà rằng thày nhớ mang máng hình như ông nội con đã từng sang sảng đọc cho ông lý làng Đan Nê chép vào sách. Cuốn sách ấy có tên là Tam Thai sơn linh tích chính là cái tích linh thiêng ở núi Tam Thai làng ta.

Rồi chắp nối từ những câu chuyện ngẫu nhiên không đầu lẫn không cuối ấy, ông Tuân mang máng biết được có một ông quan văn hay chữ nào đó đã từng về làng ông nằm khá lâu ở Đan Nê và đã viết về làng Đan Nê lẫn núi Tam Thai về sự tích Đền Đồng Cổ.

Cuốn sách ấy lưu truyền nhiều đời đến nỗi rách cả. Để bảo tồn, ông nội ông là cụ tú Trịnh Duy Khiêm đã mất bao buổi lần giở chắp rối đọc cho cụ lý trưởng làng Đan Nê Trịnh Lưu Cầu được tiếng là chữ tốt chép lại. Lại có người kiểm là cử nhân Hà Phạm Huy.

Cụ ông không ít lần cứ rành rọt nhiều đoạn về cuốn sách ấy như thế bởi sau này, cụ Tú mỗi khi rảnh rỗi thường hay giảng giải cho con trai...

Tam Thai sơn linh tích. Cuốn sách xửa xưa nào đó mà ông nội ông Tuân từng chép lại ấy không biết bây giờ lưu lạc nơi mô? Chắc đã chẳng còn sau bao nhiêu dằng dặc thời gian lẫn tao loạn như thế?

Mà cũng là lạ... Ông Tuân thấy bố mình có lúc lẩm bẩm... Lạ chi hả thày? Thì ra cụ đang chợt nhớ chợt quên về cuốn sách có cái tên Tam Thai sơn linh tích nào đó...

Cụ đang băn khoăn cái nỗi, cớ làm sao mà  suốt từ thời các vua Lý, vua Trần, vua Lê rồi tất tật những đời chúa Trịnh, mặc dầu bài vị thần Đồng Cổ Đan Nê đã được vua Lý Thái Tổ rước ra điện Thánh Thọ thành Thăng Long (Bưởi bây giờ) nhưng không biết vì cớ gì mà tuần tự, nếu không hằng năm thì vài năm, các vua đều có sắc phong cho Đồng Cổ mãi tận Đan Nê xứ Thanh ấy.

Các Chúa Trịnh như Trịnh Tráng, Trịnh Sâm thì không có sắc phong và đầy chật các mỹ từ choáng lộn lấp lánh như các đời vua nhưng mà mộc mạc cụ thể bằng các lệnh chỉ  tỷ như năm này tháng này cấp bao nhiêu tiền, từng này gỗ quý, bao nhiêu công thợ thậm chí cả những đôi  chiếu hoa để dân làng Đan Nê có tài lực mà sửa sang mà làm cái việc cúng tế ở Đền Đồng Cổ?

Bận ấy góp phần giải tỏa nỗi băn khoăn của cha già, ông Tuân cho gọi chú em ruột đến. Chuyện của chú là cả một trường đoạn lận đận. Học xong cấp III Vĩnh Lộc, vẫn cái chuyện lý lịch, chú em ông không được vào đại học. Năm tao bảy tiết, những là xin việc tận lâm trường Thạch Thành, nhưng không hiểu sao địa phương  không cho đi?

Ông Tuân nhờ người quen ở dưới tỉnh xin cho vào làm ở một cơ quan nhà nước. Nhưng rồi xã cũng không chứng lý lịch cho... Mãi rồi may cũng nhờ người quen xin vào Đại học kinh tế quốc dân. Thời gian học xong ĐH và phục vụ trong quân đội tròn chẵn 10 năm.

Chú phấn đấu tốt nhưng  năm lần bảy lượt về lấy xác nhận  của địa phương, chuyện kết nạp Đảng vẫn chả thể xong được bởi cái lý lịch. Chuyện phấn đấu tạm dừng ở đó. Rồi may mắn chú được chọn đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh.

Với thành tích học tập tu dưỡng tốt, khi làm xong PTS, chú em đã được Đảng ủy Đại sứ quán cho kết nạp Đảng. Nghe tin này cả nhà mừng rơi nước mắt.

Chú em được đứng trong hàng ngũ của Đảng có nghĩa là từ nay dòng họ Trịnh Duy và gia đình ông Tuân, nói được chiêu tuyết thì chưa hẳn nhưng cái gánh nặng lý lịch địa chủ phản động cũng cơ hồ được cất đi rất nhiều. Rồi sau này chú được phân công giữ trọng trách ở Viện Khoa học xã hội.

Nghe chuyện của ông Tuân, chú em vò đầu bứt tai bởi chú và bạn bè sau đó không biết kiếm cuốn sách có cái tên nào như thế trong kho sách của Ủy ban. Công việc và bao thứ bận bịu lấn lướt, rồi đã lâu cả nhà hầu như không nhắc nhở chi đến cuốn sách ấy cả!

Rồi đến một ngày gần cuối năm của năm 1994, ông Tuân vuốt mắt cho bố sau một cơn bạo bệnh. Được cái an ủi với ông Tuân là so với các tiền nhân họ Trịnh Duy, về gặp các cụ ở tuổi 83, cụ có lẽ là người thọ nhất! Hiềm nỗi  bố mất và mang luôn xuống mồ cái băn khoăn ấy cùng với nỗi thất vọng cái nền đền Đồng Cổ Đan Nê mãi mãi vẫn trống trơn.

Đến được hồi chuyện áo cơm chả phải thúc bách tối mắt tối mũi nữa nên đời sống tâm linh dần dà được coi trọng. Năm 1997, Hội đồng hương Yên Thọ được thành lập. Gia đình ông Tuân từ trước đến nay vẫn là nơi lui tới của những người làng Yên Thọ đang làm ăn sinh sống ở Hà Nội và nhanh chóng, ông Tuân được bầu là chi hội trưởng.

Ông thường xuyên đi đi về về cái làng mà một thời ông thấy mình như thể người dưng bởi nhắc đến làng là nhắc là chạm đến bao kỷ niệm chả phải vui vẻ gì... Nhưng đời sống lẫn tuổi tác hình như can dự đáng kể đến tính cách? Các nhà chức việc địa phương bây giờ hầu hết lại là chỗ anh em bà con xa lẫn gần...

Ông Tuân thấy mình như vui hơn như trẻ lại bởi quyết định của xã sẽ xây dựng lại ngôi đền Đồng Cổ trên nền cũ mà máy bay Pháp ném bom năm 1949 san bằng địa. Ông Tuân hăng hái đi gặp người làng để làm việc quyên góp lẫn săm soi cả bản thiết kế ngôi đền.

Ông thoáng buồn bản thiết kế là đâu phải dáng hình của ngôi đền hoành tráng uy nghi trong ký ức ngày nào. Nhưng việc đóng góp lẫn kinh phí còn hạn chế thì có lẽ đành tùng tiệm vậy thôi. Sau này khá lên sẽ liệu. Điều quan trọng sau bao năm bặt vắng bóng đền lẫn việc hương khói, đền thờ thần Trống Đồng lại đã xuất hiện trên dấu xưa tích cũ linh thiêng!

Vừa công đức quyên góp của bà con lẫn tiền ông biện ra được 28 triệu để góp vào quỹ xây đến 85 triệu, kể cũng là một cố gắng lớn.

Ngày khánh thành Đền Đồng Cổ trên nền xưa tích cũ của làng Đan Nê là một ngày hội lớn của làng Yên Thọ. Ông Tuân thầm tiếc giá như bố mình còn.

Mới chỉ non 5 năm chứ mấy mà mong ước của cụ nay đã thành hiện thực. Việc khánh thành kết thúc cũng là lúc nảy ra những lo lắng băn khoăn! Ấy là việc Sở Văn hóa chưa công nhận Đền Đồng Cổ xây mới ấy là Di tích lịch sử văn hóa bởi còn thiếu cơ sở để chứng minh. Tài liệu nào minh chứng chứ chẳng thể dựa vào ký ức?

Không riêng chi ông Tuân mà các bậc bô lão trong làng lẫn chính quyền xã đều lấy làm lạ và bức xúc... Nhưng biết làm sao được, nói có sách mạch có chứng. Các nhà chức việc của ngành văn hóa thận trọng như thế cũng là phải nhẽ.

Chạy đôn chạy đáo chả được, một bận lại về tỉnh, ông Tuân tìm đến một người quen. Người đó dẫn ông đến Thư viện Khoa học tỉnh. Mày mò tra cứu dễ đến một ngày, người bạn của ông cho hay có những hai cuốn viết về Đồng Cổ Đan Nê nhưng hiện tại thư viện không có sách này. Ông Tuân vồ vập thế sách nằm ở đâu?

Có thể là đang thất lạc đâu đó. Không nản, ông Tuân lại sục tiếp. Mãi rồi cũng tòi ra một đầu mối. Ông Tuân mừng hú như bắt được vàng vì người ta đưa cho ông ký hiệu của hai cuốn sách chữ Hán. Có ký hiệu tức là đã nắm được mã số nằm trong các thư viện lẫn kho sách lưu trữ. Cứ đến bất kỳ kho sách Hán Nôm nào đưa mã số này ra thì người ta sẽ tìm cho! Ông Tuân được căn dặn thế...

Đến một đôi chỗ không có kết quả, ông được chú em Viện trưởng gợi ý là đến  kho sách của thư viện Viện Hán Nôm xem sao.  Ông Tuân dường như nín thở cảm thấy khó mà tin vào bàn tay búp măng của cô thủ thư trẻ trung khi cầm từ bàn tay run run của ông tấm giấy ghi mã số A.226 và A. 838. Kể cả khi đợi cô tra cứu lẫn lật tìm những thứ trân quý nhưng đã là xa lăng lắc với thế hệ này. 

Một hai rồi gần ba giờ đồng hồ qua đi... Ông Tuân thở phào khi cô bê ra hai cuốn sách chữ Hán dày cộp. Ông Tuân thất vọng khi được hay rằng hai cuốn đều chưa được dịch ra tiếng Việt. Không nản, ông Tuân lại về hỏi chú em Viện trưởng. Chú rất mừng và nói ngay cho  ông yên tâm rằng sẽ nhờ người dịch...

Người dịch đã có đó là một cán bộ túc nho do chú em giới thiệu.  Ông như vui lây niềm vui của chú em Viện trưởng khi chú cho ông anh biết, cả hai cuốn đều chép về sự tích đền Trống Đồng  làng Đan Nê... Đặc biệt cả hai cuốn ở trang đầu đều có dấu triện hình bầu dục (elip) màu xanh lục đặc trưng của kho sách Viện Viễn Đông Bác cổ.

Rất nhanh, những tư liệu đó cộng với sự thẩm định đối chiếu này khác và cả sự nhiệt tình của các nhà chức việc, Đền Đồng Cổ làng Đan Nê đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa vào thời điểm năm 2001. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...