Chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3

Chuyện nhỏ về một “Thiên thần áo trắng”

TS Dung đang thực hiện phẫu thuật.
TS Dung đang thực hiện phẫu thuật.
TP - Cá tính, thông minh, quyết đoán và luôn nỗ lực là những gì hội tụ ở người phụ nữ có nụ cười tươi rói, đang khoác trên mình tấm áo blouse. Ở cô gái này toát lên nguồn năng lượng mạnh mẽ của một người yêu nghề và say nghề. Bác sĩ TS Phạm Thị Việt Dung là người đã làm thay đổi cuộc đời cho biết bao bệnh nhân, giúp họ trút bỏ mặc cảm, tự ti và khổ đau.

Hôm ấy, bác sĩ Dung khám lại cho bệnh nhi chừng 10 tuổi bị bớt hắc sắc tố. Đó là cô bé đã trải qua 7 lần phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ vùng da lưng như da trâu và trở lại bình thường như chúng bạn. Dung là người đã cùng tham gia các ca mổ cho bé gái này trong suốt hơn 4 năm trời. Những động viên, chia sẻ như người mẹ của bác sĩ Dung đã khiến cô gái nhỏ chịu đựng và vượt qua những cuộc đại phẫu. Cô bé hồn nhiên nói: “Con muốn được thành bác sĩ Dung”, khi được hỏi sau này con muốn trở thành người như thế nào. Sự trong sáng, hồn nhiên và đáng yêu của bé như giọt nước mát lành khiến những nhân viên y tế cảm nhận được sự yêu thương và trân trọng mà bệnh nhân dành cho mình. Dung bảo, những ca phẫu thuật kéo dài hàng chục tiếng, những áp lực về độ khó của mỗi căn bệnh sẽ tiêu tán khi được nhìn thấy nụ cười của người bệnh ngày họ ra viện. Bàn tay nhỏ của cô bé bệnh nhân nắm lấy tay Dung như nguồn năng lượng tích cực truyền cho bác sĩ niềm tin và sức mạnh để tiếp tục chiến đấu với những ca bệnh khó.

Chuyện nhỏ về một “Thiên thần áo trắng” ảnh 1 TS Phạm Thị Việt Dung.

Trong những lần trò chuyện với GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội), kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện đa khoa Saint Paul, tôi luôn thấy giáo sư nhắc về cô học trò với những nhận xét thú vị. Là chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình của Việt Nam, là người được nhiều đồng nghiệp quốc tế nể phục vì tài năng, trình độ, GS Trần Thiết Sơn nhận thấy tố chất đặc biệt của bác sĩ Dung trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình. Ông nói, ở Dung có sự linh hoạt, sáng tạo trong chuyên môn và đặc biệt cô rất cá tính và bản lĩnh khi theo đuổi những đề tài cực kỳ khó. Minh chứng cho nhận xét đó của GS Sơn chính là đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của Phạm Thị Việt Dung khi cô chọn đề tài “Nghiên cứu giải phẫu hệ động mạch thái dương nông và ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình”. Khi nghe học trò nói sẽ chọn lĩnh vực đó để làm luận án tiến sĩ, GS Trần Thiết Sơn đã khuyên cô có thể chọn một đề tài khác “dễ nhằn” hơn. Nói vậy nhưng thâm tâm ông biết rằng học trò của mình với đam mê khám phá sẽ không chịu lùi bước.

Từng chứng kiến quá nhiều bệnh nhân chịu tổn thương sau xạ trị ung thư, hoặc những tai nạn làm một bộ phận trên mặt bị tổn thương vĩnh viễn, khiến cuộc sống của họ trở nên vô cùng khó khăn, bác sĩ Dung nung nấu quyết tâm phải thực hiện bằng được đề tài này. Và thế là cô bắt đầu công việc thực hành tìm mạch máu trên các xác khô. Bóc tách từng mạch máu dưới da đầu của những xác lâu năm là công việc không hề dễ dàng. Nhưng Dung tỉ mẩn qua tháng, ngày để có được những kết quả khả quan.Cô bảo luôn nghĩ đến những bệnh nhân nhìn mình với ánh mắt cầu cứu để nỗ lực tối đa trong suốt quá trình nghiên cứu. Cuối cùng cô đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Với trình độ chuyên môn và tình yêu thương dành cho bệnh nhân, TS Dung đã thực hiện hàng loạt những ca phẫu thuật chuyển vạt da và mạch máu để tái tạo các phần khuyết trên gương mặt bệnh nhân như cung mày, ổ mắt, cánh mũi, phục hồi phần mềm sau khi cắt bỏ tổn thương do sẹo bỏng, chấn thương, cắt bỏ khối u lành tính, ác tính trên da.

Dung nhớ lại thời kỳ mang thai đến tháng thứ 7, có những ca phẫu thuật mà cô là phẫu thuật viên chính, phải đứng 7-8 tiếng để thực hiện cuộc mổ. Lúc ca phẫu thuật kết thúc đôi bàn chân không còn xỏ vừa dép vì bị phù, xuống máu.Những đêm đang ngủ bên gia đình, lại nhận được điện thoại từ bệnh viện yêu cầu đến mổ cấp cứu cho bệnh nhân không còn xa lạ với những bác sĩ như Dung. Cô bảo đó là thử thách nhưng cũng là tình yêu công việc. Với cô, mỗi ca bệnh là một khám phá, nó thôi thúc cô tìm hiểu và có hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Đam mê

Hai mươi năm trước, cầm 3 giấy báo đỗ đại học trong tay, Dung khát khao trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội. Nhưng bố cô lại mong muốn con gái trở thành nhà khoa học. Vậy là ông chở cô đến trường Đại học Khoa học tự nhiên để nhập học. Dung buồn lắm, nhưng không dám cãi lời bố, cô xin bố cho được ghé qua trường Đại học Y để ngắm cho thỏa mơ ước.  Hai tuần học ở trường Khoa học Tự nhiên, giấu gia đình, Dung quyết định rút hồ sơ và sang xin học Đại học Y Hà Nội. Lúc đó thầy giáo phụ trách đào tạo hỏi ý kiến Hiệu trưởng về trường hợp của Dung vì các sinh viên đã học được 2 tuần. GS.TS Tôn Thất Bách, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội lúc đó hỏi điểm thi đầu vào của Dung. Nghe số điểm tổng của cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn là 23 điểm, trong khi thủ khoa của trường là 24 điểm, thầy Bách ngay lập tức đồng ý cho cô nhập học. Biết không thể cản niềm say mê của con với ngành y, nên bố mẹ cô không trách móc gì Dung cả. Sau này khi quyết định tập trung vào chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, chính bố Dung lại là bệnh nhân đầu tiên của con gái khi không may ông bị tai nạn giao thông, nằm bất động một chỗ khiến vùng xương cụt lở loét.

Chuyện nhỏ về một “Thiên thần áo trắng” ảnh 2 TS Dung (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp.

Những nỗ lực trong suốt 6 năm học chính là việc cô đỗ vào hệ bác sĩ nội trú và được làm việc tại các bệnh viện lớn như Việt Đức, Saint Paul, Bệnh viện Quân đội 108. Cuối cùng Dung được nhận chính thức làm việc tại Khoa Phẫu thuật tạo hình, Thẩm mỹ Bệnh viện Saint Paul dưới sự hướng dẫn của GS.TS Trần Thiết Sơn. Từ học trò giờ trở thành đồng nghiệp của thầy giáo mình, Dung không giấu được xúc động và tự hào. Cô chia sẻ: “Chính GS Sơn là người hun đúc trong em niềm say mê với nghề. Được học thầy, được cùng làm việc với thầy, những học trò như em mới thấm được sự say mê, sáng tạo và cố gắng không ngừng từ thầy truyền sang. Thầy truyền dạy cho bọn em không chỉ chuyên môn mà cả sự tận tâm, tình yêu thương với bệnh nhân, coi bệnh nhân như người thân để mang lại hạnh phúc cho họ”.

Ngoài việc trực tiếp tham gia phẫu thuật tạo hình cho các bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh vùng đầu mặt cổ, di chứng bỏng, di chứng chấn thương, sau ung thư đầu mặt cổ và thân mình, tái tạo cơ quan sinh dục nam và nữ, bác sĩ Dung còn đặc biệt thành công trong kỹ thuật vi phẫu chuyển ghép các vạt tổ chức và tạo hình cơ quan. Trong lĩnh vực Phẫu thuật thẩm mỹ, đã thực hiện nhiều loại phẫu thuật thẩm mỹ vùng đầu mặt cổ, thân mình, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong việc phẫu thuật thẩm mỹ mi mắt và bụng-ngực.Đến nay cô đã có hơn 30 công trình nghiên cứu và bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Cô báo cáo nhiều công trình nghiên cứu tại hội nghị quốc tế về Phẫu thuật tạo hình Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chưa lúc nào ngành y, một ngành đem lại sự sống cho đời lại chịu những bầm dập như lúc này. Thông tin về những vụ hành hung nhân viên y tế khiến xã hội hoang mang, không ít bác sĩ nản lòng. Nhưng vượt lên tất cả TS Phạm Thị Việt Dung và những thiên thần áo trắng vẫn giữ trong sâu thẳm trái tim mình tình yêu với nghề, với những con người không may mang bệnh tật bởi họ hiểu hơn ai hết dẫu thế nào sứ mệnh của mình là mang đến khát vọng sống, yêu đời cho những con người đang chìm trong đau đớn.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ năm 2010, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung là giảng viên bộ môn Phẫu thuật Tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội) kiêm bác sĩ phẫu thuật khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện đa khoa Saint Paul. Cô cũng theo học các khoá chuyên sâu về Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ tại trường Đại học Pittsburg (Hoa Kỳ) và trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản). Với 13 năm kinh nghiệm về phẫu thuật Tạo hình, Thẩm mỹ, TS Dung đã trực tiếp tham gia giảng dạy và đào tạo cho các đối tượng bác sĩ chuyên ngành Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, định hướng chuyên khoa, Nội trú, Cao học trên toàn quốc. Bác sĩ Dung cũng tham gia hợp tác với các chuyên gia Pháp giảng dạy cho lớp Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ liên kết Pháp - Việt.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.