Chuyện nhặt từ hành trình Trường Sa

Hạ sỹ Dương Thanh Quý trao quà nhờ Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Ðịnh Ðặng Thị Hồng Hạnh chuyển về cho người thân. Ảnh: Ð.C
Hạ sỹ Dương Thanh Quý trao quà nhờ Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Ðịnh Ðặng Thị Hồng Hạnh chuyển về cho người thân. Ảnh: Ð.C
TP - Trên hành trình ra Trường Sa, qua mỗi điểm đảo, được gặp gỡ những chiến sĩ Hải quân trẻ tuổi đang ngày đêm kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong các thành viên đoàn công tác.

Món quà tiền tuyến gửi hậu phương

Đoàn công tác chúng tôi rời đảo Cô Lin trong ánh hoàng hôn bịn rịn, luyến lưu nơi cầu cảng, trong cái bắt tay, vòng ôm siết chặt và những lời dặn dò, động viên của người về lẫn người ở lại. Một chiến sĩ Hải quân trẻ măng tiến đến nói với Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Định Đặng Thị Hồng Hạnh: “Nhờ cô chuyển món quà này và nhắn với gia đình là cháu khỏe, công tác tốt nhé...”.

Chị Hạnh rưng rưng ôm chặt lấy Hạ sỹ Dương Thanh Quý (quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và nói: “Cô sẽ mang đến tận nhà và chuyển lời giúp cháu sớm nhất, cháu cứ yên tâm công tác thật tốt. Cô tin chắc bố mẹ và người thân sẽ rất tự hào về cháu…”.

Là anh cả trong gia đình có hai anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp, tốt nghiệp PTTH, Quý viết đơn tình nguyện nhập ngũ, sau đó được điều động ra công tác tại đảo Cô Lin vào cuối năm 2019. Gặp chị Hạnh trong đoàn công tác ra thăm đảo, Quý vui lắm vì chị là người cùng quê. Hai cô cháu cứ tíu tít trò chuyện không dứt. Lúc chia tay, thấy Quý cứ ngập ngừng như muốn nói điều gì, chị Hạnh động viên thì Quý mới cho biết muốn gửi một món quà về cho gia đình nhưng ngại đường xa sợ chị không nhận lời. Khi chị Hạnh hứa sẽ mang món quà đến tận tay người thân thì Quý rạng rỡ hẳn lên. Cậu vội mở ba lô lấy chiếc áo thun và một bông hoa làm bằng vỏ ốc được gói ghém rất cẩn thận...

Trên chuyến xuồng rời đảo về tàu, giữ chặt gói quà trong tay, chị Hạnh kể: Chiếc áo thun là quà của đoàn công tác trước đó ra thăm đảo tặng Quý dịp Tết, Quý muốn sớm gửi về tặng bố nhưng chưa có tàu ra. Còn bông hoa bằng vỏ ốc biển là lời hứa của Quý với cô em gái trước khi ra đảo công tác. Chia sẻ của chị Hạnh khiến mọi người xúc động, nhiều thành viên trong đoàn là phụ nữ không kìm được cảm xúc và rơm rớm nước mắt.

Tiếng sáo nơi đảo xa

Tại đảo Đá Đông B, tới thăm cán bộ, chiến sĩ chốt gác ở đây, cả đoàn công tác thêm một lần xúc động khi giữa mênh mông sóng nước Trường Sa vang lên tiếng sáo trúc khỏe khoắn theo giai điệu bài hát “Đất nước trọn niềm vui”.

Đại úy Đỗ Duy Trinh, Chính trị viên đảo Đá Đông B cười tươi cho biết, người thổi sáo là chiến sĩ Phan Tiến Hậu mới ra đảo thực hiện nhiệm vụ cách đây khoảng 6 tháng. Từ khi ra đảo, hằng ngày sau giờ huấn luyện, canh trực, Hậu thường mang sáo ra thổi. Tiếng sáo của Hậu mang giai điệu vui tươi, háo hức chứ không trầm buồn, da diết, khiến cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn thấy vơi bớt mệt nhọc sau những giờ huấn luyện, canh trực căng thẳng.

Đúng như lời giới thiệu của đại úy Trinh, tiếng sáo của Phạn Tiến Hậu với âm điệu vui tươi, dồn dập vào buổi chiều lộng gió dường như cũng giúp đoàn công tác vơi bớt cảm giác mệt mỏi trong chuyến hải trình dài ngày.

Tôi bắt chuyện và được biết, Hậu đến từ thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cậu đam mê và biết thổi sáo từ nhỏ. Những năm học ở phổ thông, vào các dịp nhà trường tổ chức văn nghệ, Hậu thường biểu diễn thổi sáo. Trước khi lên đường nhập ngũ, cô bạn ngồi cùng bàn học thời cấp 3 tặng Hậu hai chiếc sáo trúc khắc dòng chữ “Quy Nhơn luôn nhớ”. 

Chuyện nhặt từ hành trình Trường Sa ảnh 1

Phan Tiến Hậu thổi sáo cho đồng đội nghe sau giờ huấn luyện Ảnh: Ð.C

Từ ngày khoác áo lính, hai cây sáo đối với Hậu là vật bất ly thân. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, biết tin Hậu ra quần đảo Trường Sa công tác, cô bạn ngồi chung một bàn cấp 3 biên thư động viên Hậu rất nhiều, và còn dặn dò mỗi khi “nhớ về Quy Nhơn” thì lấy sáo ra thổi nhưng đừng thổi bài hát trữ tình, trầm buồn mà thổi những bài giai điệu hào hùng, vui tươi.

“Cô bạn em đang học Đại học Quy Nhơn và thường xuyên biên thư động viên em và đồng đội. Cô ấy luôn nhắc em tập thêm nhiều bài vui tươi để khi hoàn thành nghĩa vụ trở về thổi cho cô ấy nghe. Những bài hát em mới tập thổi phần lớn là về biển, đảo vì đó các bài hát gần gũi với cánh lính đảo chúng em, giúp em và đồng đội vơi bớt căng thẳng cùng nỗi nhớ nhà sau mỗi ngày huấn luyện, canh trực”, Hậu chia sẻ.

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...”. Chúng tôi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B trở về tàu tiếp tục chuyến hải trình trong tiếng sáo của Phan Tiến Hậu, giai điệu bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”. Tiếng sáo của Hậu hòa lẫn vào tiếng sóng biển cứ ám ảnh mãi trong tôi và thành viên đoàn công tác. Và tôi tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc!

“Những bài hát em mới tập thổi sáo phần lớn là về biển, đảo vì đó là những bài hát gần gũi với cánh lính đảo chúng em, giúp em và đồng đội vơi bớt căng thẳng cùng nỗi nhớ nhà sau mỗi ngày huấn luyện, canh trực”,  Phan Tiến Hậu, chiến sĩ đảo Ðá Ðông B
MỚI - NÓNG