Chuyện nhặt thời đại dịch, Kỳ cuối: Chuyện ăn

Bữa ăn xuyên Việt mùa dịch
Bữa ăn xuyên Việt mùa dịch
TP - Suốt dọc Tuy Hòa ra Bình Định ngó mỏi mắt tịnh không thấy cái quán nào mở để ghé ăn sáng. Dừng hỏi mấy nơi được chỉ là ở tọa độ… thì có. Có thật. Đó là một quán xập xệ nằm khuất trong hẻm bán bún cơm dĩa cơm phần. 

Nằm ở vị trí khuất lấp nên mới dám mở. Nhưng cửa chỉ he hé. Bún không nhưng may có cơm dĩa. Bà chủ quán cho hay nếu bị bắt phải chịu mức phạt 5 triệu. Bà hối chúng tôi 2 xe 6 người cả lái xe ngồi lui tít vào trong nhưng phải phân tán ra chỉ được ngồi 2 người một bàn. Các bàn cách nhau 2 mét. May mà quán khá rộng. Phải ăn nhanh. May rồi cũng qua. Lên xe phới tiếp.

Xét hoàn cảnh "luận" bữa trưa có lẽ gay đây. Thử điện mấy chỗ quen. Tín hiệu để máy hoạt động là ập ngay vào tai thông tin khuyến cáo của Bộ Y Tế rằng, không có việc gì khẩn cấp thì ở trong nhà… Tiếp theo là toàn tin kém vui. Quảng Ngãi, Đông Hà, Quảng Trị cho đến Vinh, Thanh Hóa…  tất thảy không có nhà nghỉ khách sạn nào hoạt động. Các quán ăn cũng đóng. Ngần ngừ ngắc ngứ những phản hồi khi cố gạn có chỗ nào ăn được không? Lờ mờ nhưng đoán ngay ra. Những ông bạn nhậu vài vùng miền chừng như ngại cho bạn mình nhất là dân Hà Nội đang là trung tâm vùng dịch ghé nhà mình tá túc. Bạn thì có lẽ không sao. Nhưng còn vợ con người thân… Có lẽ chẳng tiện và không được!

Chuyện nhặt thời đại dịch, Kỳ cuối: Chuyện ăn ảnh 1 Hầu hết các quán dọc đường thiên lý đều căng biển cơm nước mang đi
Nhưng đành cứ phải đi rồi tính tiếp vậy. Trên đường lưu thông hai chiều những tưởng không có xe khách xe taxi (đã cấm chạy) thì thông thoáng. Nhưng cánh xe Công (container) hình như được phép, cứ lừng lững lênh khênh nối nhau chạy ào ào làm đường đâm hẹp. Cả bọn căng mắt quét tầm nhìn ra hai bên đường xem có quán ăn nào mở hoặc he hé… Từ Sa Huỳnh đi Quảng Ngãi, cơ man nào là quán ăn. Tinh những cái tên hấp dẫn Cơm cá cơm sườn Hải sản đặc sản… Nhưng tất tật im ỉm cửa đóng then cài.

Tôi để ý thấy vài chỗ cánh xe Công ghé đầu đít nhau đang ăn cơm dưới gầm xe. Tưởng họ mang theo bếp nấu nướng. Xuống hỏi thì không phải. Họ đang dùng cơm hộp. Cánh xe công nhiệt tình hướng dẫn cho chúng tôi chạy ngược chiều lại khoảng 5 cây số rồi rẽ trái một khúc, chỗ có bán cơm hộp.

Vị trí bán cơm hộp là cái quán cơm chắc mấy bữa trước thuộc loại bề thế khang trang. Quán giờ đóng, chỉ được phép bán cơm hộp cho khách mang đi. Từ xa đã nổi bật tấm băng rôn chữ đỏ nền vàng Cơm Nước Mang Đi! Bên cạnh là bản nội quy dành cho khách mua cơm. Trong mùa dịch quý khách vui lòng:  Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi mua cơm. 2. Quán không phục vụ mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân. 3. Quán  không phục vụ ăn uống tại chỗ. 4 Quý khách vui lòng không đậu xe quá 10 phút. Mong quý khách hết sức thông cảm!

Một chiếc bàn nhôm to tướng dùng làm khoảng cách giữa khách và người phục vụ. Giá cũng không chát lắm. Năm mươi ngàn một suất. Thức ăn sườn hoặc gà kho. Canh rau nấu tép đựng trong túi ni lông. Kèm cái túi nhựa con đựng xì dầu hoặc nước mắm. Khách ưng thứ gì thì nói. Nhà hàng để hộp cơm bằng thứ nhựa  xốp bọc ni lông trong đó có đựng canh kèm theo chai nước trên một tấm bìa rồi đẩy về phía khách. Khách để tiền lên cái hộp có lót miếng bìa đẩy về phía phục vụ. Nói dại mồm chả may khách hoặc chủ có bề gì thì kiểu bán hàng này cũng khó lây chéo cho nhau lắm?

Việc mua xong. Còn khoản ăn? Lại phải kiếm chỗ nào man mát… Nhưng cái chỗ man mát ấy ngược mãi mà chả tìm ra? Chú chàng lái xe mặt ỉu xìu khi ghé qua 4 trạm xăng và hai quán cà phê nói rách cả mép vẫn không nhờ chỗ ngồi ăn được. Đến một vùng có lùm cây trứng cá dưới có cái quán nước bỏ không đành dừng lại. Trước mặt cánh đồng lúa bát ngát. Xóm làng kề bên xanh đậm những dáng cau. Quá đã! Nhưng cả bọn không ngờ đến là cái gió. Trên xe chả cảm thấy nhưng dưới mái quán trống hoác là ào ạt là phần phật thứ gió đồng Quảng Ngãi. Loay hoay hồi lâu loanh quanh tìm được mấy viên gạch để ghìm tờ báo rồi bày biện thức ăn lên.

Đang ăn một lão nông ghé qua niềm nở. Thì ra ông đương dở buổi bó rạ. Bất đồ ông thoăn thoắt móc từ mái quán ra cái võng rồi đánh loáng đã giăng giữa cột quán và gốc trứng cá. Ông nói chỗ ni nghỉ trưa rất tuyệt ông vẫn thường cất võng. Chả ngờ từ ông lão khá mặn chuyện đang nằm đung đưa võng này chúng tôi tình cờ biết được cái làng xanh đậm bóng cau cách chỗ ngồi chỉ hơn trăm mét kia là xã Đức Tân của huyện Đức Phổ quê hương của cụ Phạm Văn Đồng.
Bữa chiều cũng là cơm hộp nhưng may được mang lên một nhà nghỉ trong thành phố.

Có lẽ bữa trưa ngày hôm sau là khá tất tả. Mua được cơm hộp chỗ quá Đông Hà rồi, mừng làm sao ông chủ quán vui tính bảo cả bọn cứ ngồi ăn thoải mái. Bày biện các thứ xong thì chủ quán bà xuất hiện nói chi đó ríu rít kiêm lảnh lót với chủ quán ông. Hóa ra bà không thuận. Thế là đành gói ghém lại. Theo gợi ý của ông bạn nhông nhông cố chạy đến cái quán nước ở đầu cầu Hiền Lương ngồi là hữu tình nhất. Hăm hở ghé quán cà phê bờ Nam, chủ quán không đồng ý. Nhích lên quán cà phê bờ Bắc đã mừng mừng vì cô chủ quán nhiệt tình pha cà phê rất nhanh, chuyện rất rôm. Nhưng khi giở thứ cơm hộp ra cô nàng giọng vẫn dịu nhưng kiên quyết không đồng ý. Đói đành dằn bụng tạm bằng cà phê vậy.

Rồi cũng qua được bữa trưa tầm 2 rưỡi chiều ở ngôi nhà hoang sau nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh.
Ghé Đồng Hới mua mấy ổ bánh mỳ, chúng tôi hướng lên đường Hồ Chí Minh rồi dông tuốt một mạch về quê nhà ở một huyện miền núi xứ Thanh lúc 3 giờ sáng!

Duỗi cặp chân và cái thân già ê ẩm sau chuyến đi, lẩn mẩn nghĩ thêm, ta thường quen với cụm từ cả hệ thống chính trị vào cuộc mỗi khi nước nhà lâm sự quan trọng. Và nói như Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp trọng chiều 6/4 rằng, Chỉ thị số 15, 16 làm cuộc sống của người dân thay đổi. Nhưng ở giai đoạn này sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Và thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.

Lẩn thẩn nghĩ thêm, trên cái nền tiềm năng người dân đã đồng thuận vào cuộc và tuân thủ lệnh cách ly toàn xã hội, nhà nước nên có cách chi đó kịp thời và hợp lý đứng ra lo hoặc tạo điều kiện cho người dân lo cái khâu hậu cần cho một bộ phận người dân được phép di chuyển, vận chuyển lưu thông hàng hóa trên cung chặng Nam Bắc?

Việc mua xong. Còn khoản ăn? Lại phải kiếm chỗ nào man mát… Nhưng cái chỗ man mát ấy ngược mãi mà chả tìm ra? Chú chàng lái xe mặt ỉu xìu khi ghé qua 4 trạm xăng và hai quán cà phê nói rách cả mép vẫn không nhờ chỗ ngồi ăn được.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.