Nước Mỹ ký sự

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ
TP- PV Tiền Phong vừa có dịp đi dọc nước Mỹ từ Bắc tới Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong chương trình “Khách mời quốc tế”. Trong suốt hành trình ấy, chúng tôi  được chứng kiến cuộc bầu cử đi vào lịch sử nước Mỹ: Lần đầu tiên một người da màu trúng cử Tổng thống.

Chỉ vài tháng trước đó, nhiều người còn nghi hoặc về ứng cử viên Barack Obama chỉ vì ông là người gốc Phi. Nhưng có đặt chân tới đây mới thấy ở đất nước rộng lớn của dân nhập cư này, không có gì là không thể xảy ra...

Ông già và túp lều ngay trước cổng Nhà Trắng

Tôi đặt chân thủ đô Washington, D.C của nước Mỹ vào một sớm cuối thu se lạnh giữa một thời khắc đặc biệt của nền chính trị và kinh tế của cường quốc số 1 thế giới : Bầu cử Tổng thống và cơn khủng hoảng kinh tế tầm cỡ thế kỷ.

Điều lạ là, nhìn bề ngoài  nước Mỹ chả có dấu hiệu gì của khủng hoảng tài chính, không khí của một cuộc bầu cử Tổng thống sôi động cũng hầu như không hiện diện nơi đây. Sau gần 1 tháng đi dọc nước Mỹ, dần dần tôi mới tự lý giải được điều này…

Thủ đô của một quốc gia có tới 4 múi giờ và rộng lớn thứ tư thế giới này – sau Nga, Canada và Trung Quốc -  hóa ra lại nhỏ đến bất ngờ, đúng ra diện tích chỉ tương đương cấp quận (D.C nghĩa là District of Columbia – Quận Columbia). Đó là một thẻo đất ở giữa rừng và nằm kẹp giữa 2 bang Maryland và Virginia.

Thủ đô của Hoa Kỳ có tới 65% dân số là người da đen, ông thị trưởng thành phố này cũng là một người da đen. Sóc và đôi khi là cả hươu nai là những thứ mà du khách dễ dàng bắt gặp trong thành phố này, nhiều tuyến phố ở đây có treo biển cảnh báo giao thông đề phòng thú rừng băng qua đường.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có 50 bang ứng với 50 chính quyền và quốc hội riêng, luật pháp riêng, nhưng không được mâu thuẫn với hiến pháp liên bang – một văn bản lâu đời được thông qua từ năm 1787.

Chính vì thế mà anh bạn ở thủ đô Washington, D.C thường rủ tôi đi ăn tối ở bang Maryland kế bên, bởi luật pháp ở bang này quy định “tất cả những gì bỏ vào mồm ăn đều không bị đánh thuế”, nên giá cả mềm hơn nhiều so với Washington, D.C.

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 1
Tháp Washington. Ảnh : Việt Hùng

Quốc hội Mỹ ngự trên cao nhất - đồi Capitol, rồi đến Nhà Trắng, nhà tưởng niệm hai vị Tổng thống Thomas Jefferson (1801-1809) và Abraham Lincon (1861-1865), tháp Washington – biểu tượng của nền dân chủ Hoa Kỳ, công viên quốc gia nơi có bức tường đá tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đại lộ Pensylvania… là những nơi được du khách ghé thăm nhiều nhất.

Dường như bức tường đá đen kịt dài hun hút ghi tên những người lính Mỹ tử trận tại Việt Nam nằm giữa công viên quốc gia rộng mênh mông và thanh bình này ở Washington, D.C vẫn đang ẩn hiện một nỗi đau lớn trong lòng nước Mỹ.

Những bó hoa tươi, những tấm ảnh người thân tử trận, những đoàn người dài tít tắp lặng lẽ đi dọc bức tường đã nói lên tất cả. Tôi bắt gặp những ông bà già người Mỹ  run rẩy sờ tay lên những hàng chữ vô hồn, chắc họ đang cố tìm tên đứa con thân yêu của mình, và cả những cặp vợ chồng trẻ dắt con nhỏ tới đây, họ đang say sưa giảng giải điều gì đó cho cậu con trai bé bỏng.

Ở cuối lối ra có đặt một cuốn sổ để du khách tiện tra tên tuổi trên những phiến đá có đánh số thứ tự trên bức tường, không biết đã có bao nhiêu người Mỹ đã lần giở cuốn sổ này, chỉ biết nó đã cũ mòn đến quăn cả mép…

Có một “bí mật” mà ít người biết về kiến trúc của khu vực này, cô Lisa Damico thuộc tập đoàn truyền thông Capital, người hướng dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng Washington, D.C tiết lộ : “Mắt của bức tượng Tổng thống Lincon trong nhà tưởng niệm nhìn thẳng vào cơ quan lập pháp - tòa nhà quốc hội Mỹ, còn mắt của Tổng thống Jefferson thì nhìn thẳng về cơ quan hành pháp - Nhà Trắng.

Nơi giao nhau của hai ánh mắt chính là tòa tháp Washington bằng đá cẩm thạch cao vút – biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh cửu như hai ông hằng mong muốn”.  Nghe nói, có quy định không một tòa nhà nào được phép xây dựng cao hơn tòa nhà quốc hội Mỹ ngự trên đồi Capitol.

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 2
Ông già ngồi biểu tình trước cổng Nhà Trắng. Ảnh : Việt Hùng

Giữa giá lạnh đầu đông của Washington, D.C, ngay trước cổng Nhà Trắng có một ông già ngồi biểu tình chống chiến tranh trong một túp lều. Anh bạn sống ở Washington, D.C cho hay, ông đã kiên gan ngồi ở đây ròng rã  nhiều năm trời mặc cho du khách thập phương thoải mái chụp hình.

Ở nước Mỹ, chuyện này là hợp pháp và nhiều người dân nơi đây còn gọi “ông già và túp lều” ngay trước cửa Nhà Trắng cũng là một thứ “biểu tượng” sống của nền dân chủ Mỹ. Hôm chúng tôi tới thăm trường ĐH George Washington, cũng bắt gặp cảnh hàng chục người da đen đang hò reo biểu tình sôi động cả một góc phố đối diện.

Chuyện về kiểm tra an ninh và luật pháp Mỹ

Thoạt tiên, du khách dễ có một cảm giác quá đỗi yên ả và thanh bình ở thủ đô cổ kính (thành lập từ năm 1790) và tuyệt đẹp này, nơi trung tâm đầu não chính trị của nước Mỹ.

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 3
An ninh luôn  thắt chặt tại Mỹ  Ảnh: Việt Hùng

Nhưng nếu bạn có ý định bước chân vào các trụ sở công quyền như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, thậm chí là cả tòa soạn báo như Washington Post, hẳn bạn sẽ cảm thấy choáng bởi việc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt hệt như khi đi máy bay ở Mỹ vậy, áp dụng cho tất cả mọi người bất kể bạn là ai, ngoại trừ nhân viên sở tại có đeo thẻ từ.

Chính vì vậy mà trong lịch làm việc của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có ghi rõ “dành 15 phút cho công tác kiểm tra an ninh”, song trên thực tế còn lâu hơn thế. Nhìn những nhân viên an ninh Mỹ, đa phần là người da đen to cao lừng lững, mặt lạnh tanh với súng ống và cả chục thiết bị khác đeo kín quanh người khiến chúng tôi có phần ái ngại…

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 4
Trụ sở Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Ảnh : Việt Hùng

Trụ sở Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tọa lạc trên đại lộ New York nom uy nghiêm và rộng mênh mông, nơi có cơ quan điều tra liên bang FBI khét tiếng. Địa điểm chúng tôi ghé thăm là Cục Dân quyền (Civil Rights Division), bộ phận này được thành lập năm 1957 với trách nhiệm thực thi các luật liên bang cấm phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như: Giáo dục, việc làm, nhà ở, cho vay, tiện nghi công cộng, thực thi luật pháp/sai phạm của cảnh sát và bầu cử. 

Mỹ là đất nước của những người nhập cư, chính vì vậy Luật Liên bang Hoa Kỳ “nghiêm cấm mọi sự phân biệt về nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, màu da, tôn giáo, tật nguyền, giới tính và tình trạng gia đình của con người”.  

Để mọi công dân Mỹ có thể hiểu dễ dàng và tự bảo vệ mình, Bộ này đã cho in ấn và phát hành một cuốn sách hướng dẫn ngắn gọn bằng nhiều thứ tiếng (trong đó có cả tiếng Việt) nhan đề “Các bảo vệ của liên bang trước sự phân biệt vì nguồn gốc dân tộc”. Người ta đưa ra các tình huống mà ai phạm phải đều bị coi là đã phạm luật, còn người bị xâm phạm có quyền khởi kiện.

Chẳng hạn: “Một tổ chức chăm sóc sức khỏe bệnh nhân có bảo hiểm y tế nói với một phụ nữ Mỹ gốc Mexico bị bệnh bại não ngày khác hãy đến khám, trong khi lại tiếp bệnh nhân khác ngay lập tức” (quyền của người tật nguyền). “Một đứa trẻ nói tiếng Anh khó khăn nhưng trường em không có những biện pháp cần thiết để giúp em học tiếng Anh và những môn khác” (quyền Giáo dục ).

 “Cảnh sát liên tục chặn xe do người gốc Mỹ la tinh lái khi vi phạm một vài loại luật lệ giao thông, nhưng hiếm khi yêu cầu người lái xe da trắng dừng xe vì những vi phạm tương tự” (mục vi phạm của cảnh sát). “Trong một tiệm ăn, một nhóm người Mỹ gốc Á đợi hơn một giờ mới được phục vụ trong khi khách hàng da trắng và gốc Mỹ Lating được phục vụ nhanh chóng” (mục tiện nghi công cộng)…

Bên dưới mỗi ví dụ trên đều ghi rõ “Trường hợp này có thể vi phạm luật Liên bang cấm phân biệt trong…. Nếu quí vị nghĩ mình bị phân biệt có thể liên hệ Vụ…, số điện thoại… hoặc viết thư về địa chỉ…”. Thậm chí trong mục về quyền của người tật nguyền còn ghi thêm cả số điện thoại dành cho người điếc. Cuối cuốn sách hướng dẫn này còn ghi chú rõ, đại ý: xin đừng gác máy nếu quí vị không dùng được tiếng Anh, hãy cho biết quí vị đang dùng ngôn ngữ gì để Tổng đài viên đi tìm người phiên dịch.

Một người Việt sống lâu năm bên Mỹ nói với tôi, ở bên này cứ đúng luật mà làm thì chả sợ gì, dân Mỹ ai cũng sợ bị kiện nên luật pháp được tự giác thực hiện.

Anh bạn đồng nghiệp Việt Nam đi cùng tôi có lần ăn trưa trong một quán nhỏ ở thành phố Jacksonville bang Florida đã bị nhân viên phục vụ hỏi ID (chứng minh thư/hộ chiếu) khi gọi một chai bia. Chả là luật của bang này cấm uống rượu bia đối với người dưới 21 tuổi, còn anh thì lại nom nhỏ nhắn và trẻ hơn tuổi ngoài 30 khá nhiều.

Hút thuốc lá ở nơi công cộng (công sở, nhà hàng…) cũng bị cấm tại tất cả các bang, thậm chí các sân bay của Mỹ cũng không hề có phòng hút thuốc như các sân bay khác ở châu Âu hay châu Á. Hầu hết các khách sạn cũng không cho phép hút thuốc trong phòng, nhiều khách sạn đề rõ mức phạt lên tới 250USD vi phạm, họ gọi đó là phí làm sạch môi trường (Clean fee).

Trước khi qua Mỹ, vị giám đốc một ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng đã từng kể với tôi, anh đã hút phải một điếu thuốc đắt nhất trong đời tại một phòng khách sạn ở New York, “giá” của nó là 200 USD ! Những ai nghĩ nước Mỹ là chốn ăn chơi, thì nên biết điều này : Mại dâm là nghề bị cấm tiệt trong luật pháp ở hầu hết các bang.

Tôi đã bay dọc nước Mỹ từ Bắc (Washington, D.C) tới Nam (Sandiego, California) qua cả chục sân bay nội địa ở đất nước này, thú thực mỗi lần kiểm tra an ninh (check in) là một lần “toát mồ hôi hột” vì lo ngộ nhỡ sót cái gì đại loại như vật kim loại sắc nhọn hay một con dao nhỏ gọt hoa quả… trong hành lý xách tay, bởi luật an ninh nội địa của Mỹ ghi rõ “phạt 5 năm tù và 250.000 USD nếu mang súng hoặc dao lên máy bay” bất kể vô tình hay cố ý.

Ngoài việc bắt buộc phải cởi giầy, thắt lưng da cùng mọi thứ liên quan, có lần anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi còn phải chui vô một buồng kính và chịu một luồng không khí thổi phù phù từ đầu tới chân, vì bị các nhân viên an ninh hàng không Mỹ nghi ngờ điều gì đó.

Chắc hẳn với mong muốn hành khách thông cảm với cảnh khám xét phiền hà này, mà trước sảnh check in ở nhiều sân bay đều thấy treo tấm pa nô to tướng với dòng chữ: “Hãy nhớ ngày 11/9, chúng tôi làm tất cả vì sự an toàn của các bạn !”. Để đặt chân vào nước Mỹ, bạn sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay cả 10 ngón tới 2 lần: Lúc xin visa và ngay tại cửa khẩu.

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 5
Khu Ground Zero, nơi tòa nhà WTC bị san phẳng, giờ đây vẫn còn ngổn ngang công trường. Ảnh : Việt Hùng

Có đến khu Ground Zero ở New York, nơi tòa tháp đôi WTC bị san phẳng trong vụ khủng bố 11/9/2001 mới cảm nhận được hết sự kinh hoàng của người dân Mỹ tới mức nào. Đó là một khu vực san sát nhà chọc trời cách phố Wall tấp nập chỉ dăm mười phút đi bộ và cách quảng trường Thời đại lộng lẫy ánh đèn cũng chỉ chừng ấy phút đi tàu điện ngầm.

Giờ đây, khu vực này vẫn là một công trường ngổn ngang được quây lại bằng lưới sắt. Ngay cạnh đó, có một bức tường khắc phù điêu cảnh những người lính cứu hỏa dũng cảm của New York đã ngã xuống. Dòng người tới thăm khu Ground Zero những ngày này vẫn đông nghịt, nhiều người mang hoa tươi tới đặt dưới chân bức tường tưởng niệm.

Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ ảnh 6
Người phụ nữ này đứng lặng trước bức tường tưởng niệm những người lính cứu hỏa New York đã hy sinh trong vụ 11/9. Ảnh : Việt Hùng

Đặt chân đến thành phố lớn nhất nước Mỹ với ngót chục triệu dân, luôn sôi động và không bao giờ ngủ này (các dịch vụ ăn chơi ở khu down town mở cửa suốt đêm), đến trung tâm tài chính và mua sắm lớn nhất thế giới, đứng lọt thỏm trước ngút ngàn nhà chọc trời trên nền của tòa tháp đôi bị san phẳng kia, tôi mới thấu hiểu vì sao việc kiểm soát an ninh ở đất nước này lại phải thắt chặt tới mức “ngộp thở” như vậy.

Kỳ sau: Người Việt và "giấc mơ Mỹ"

MỚI - NÓNG