Chuyện nhạc sỹ Pháp gửi tâm thư cho Chúa đảo

Chân dung nhạc sỹ Charles Camille Saint Seans
Chân dung nhạc sỹ Charles Camille Saint Seans
TP - “Ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác bị đẩy lùi”... Đó là nội dung viết trong bức thư của nhạc sỹ Charles Camille Saint Seans gửi Chúa đảo sau khi ghé thăm Côn Đảo từ thập niên 90 thế kỷ 19. 

Cầu Cảng 914 ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo nhìn ra vịnh Côn Sơn quanh năm gió mát. Di tích, nhà Công quán ngay Cầu Cảng là ngôi nhà cổ nằm dưới tán cây bàng cổ thụ, được Pháp xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 19 dành cho quan khách nghỉ chân khi ghé Côn Đảo. Nơi cổng nhà Công quán có chiếc bảng đồng ghi rõ: “Đây là nơi dừng chân của nhạc sỹ  Charles Camille Saint Seans”. Nhà Công quán hiện lưu giữ nhiều tư liệu quý về nhạc sĩ này.

Charles Camille Saint Seans (1835- 1921) là nhạc sỹ dòng nhạc lãng mạn hàng đầu Pháp thế kỷ 19. Năm 1895, theo lời mời của Toàn quyền Đông Dương, Charles sang Đông Dương rồi ghé thăm Côn Đảo. Trong thời gian ở đây (Từ 20/3/1895 đến 19/4/1895), Charles hoàn tất 3 chương cuối vở nhạc kịch Hoàng hậu Fredegonde. Những chương nhạc viết tại Côn Đảo khá đặc biệt của vở nhạc kịch khi Charles đưa vào những âm thanh, giai điệu của mảnh đất địa ngục trần gian mà người nhạc sỹ đã cảm nhận.

Nơi ấy có những giai điệu buồn đau, u uất, dấu ấn đầy bi thương nhưng oai hùng. Nó biểu hiện trong từng đợt sóng biển thét gào vang dội, hay những tiếng kêu thảm thiết của tù nhân bị tra tấn ghê rợn... Hay tiếng xiềng xích khua rền vang trong đêm tối của lớp lớp tù nhân yêu nước, muốn đập tan mọi xiềng xích để đòi quyền tự do. Chỉ chưa đầy 1 tháng đặt chân tới đây, nhạc sĩ đã cảm nhận được nỗi đau của con người nơi mảnh đất địa ngục trần gian. Ông dùng âm nhạc để diễn đạt chân lý về cuộc đấu tranh giành tự do của những người nô lệ ở Đông Dương. 

Sau khi rời Côn Đảo, Charles viết tâm thư cho Chúa đảo với lời lẽ đầy tâm huyết lược trích: “Phong cảnh Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua, tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế dù ở Tây Ban Nha, Canarica, Ai Cập, hay Angiêri. Tôi hài lòng, vì ở đây tôi đã hoàn tất vở opera Hoàng hậu Fredegonde. Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là nền âm nhạc xứ này. Nhưng những gì tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào! 

Anh xem đó! Con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá. Hay đã làm đảo lộn hết rồi chăng. Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế ở trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không? Làm chúa ngục là ngược với tính cách, tâm hồn của anh. Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể ta phải chọn. Tôi tin con người nghệ sĩ trong anh. Là một người yêu âm nhạc tôi tin chắc chắn rằng: Ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến Luật pháp”.

Vở nhạc kịch Hoàng hậu Fredegonde từng được công diễn tại Paris năm 1895 với tám suất diễn nhưng không hiểu vì lý do gì vở diễn bị ngưng diễn đột ngột và quên lãng từ đó. Tuy nhiên những tội ác ở vùng đất tươi đẹp này đã được nhiều người biết tới thông qua vở diễn.  

Người có công phục dựng vở diễn tại Việt Nam là nhạc sỹ - NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM. Theo Vương Thạch kể, ông biết tới vở nhạc kịch Hoàng hậu Fredegonde từ khi là sinh viên, vào những năm 1982- 1983.  Vương Thạch đã lục lọi khắp các bảo tàng tại Pháp để tìm kiếm tư liệu vở nhạc kịch. Nhờ sự giúp đỡ một số nghệ sỹ tại Paris vào tháng 10/2017, vở diễn Hoàng hậu Fredegonde đã được trình diễn tại TPHCM.  Vở diễn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người yêu nhạc giao hưởng. 

MỚI - NÓNG