Chuyện nhà ông Chà Chóp

Chuyện nhà ông Chà Chóp
TP - Giữa tháng 6/2007, tại Phòng tiếp công dân của Hội đồng và UBND tỉnh Bình Thuận, tôi gặp một thanh niên lai Ấn Độ “thừa kế” …  công việc khiếu nại xin lại căn nhà số 26 - 28 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Phan Thiết mà chính quyền đang quản lý, vì cha anh sau nhiều năm đeo đuổi đã từ trần.

Ông V.R.M Ramassamy, người Ấn Độ mang quốc tịch Anh có hai người vợ Việt Nam định cư ở Phan Thiết từ năm 1926. Dân địa phương gọi ông là ông Chà Chóp, Chà có lẽ vì nghĩ ông là người Chà Và (Java), còn Chóp vì ông thường đội chiếc mũ len có chóp nhọn.

Hai người vợ của ông Chà Chóp là hai chị em ruột, quê Gò Công; người chị tên Nguyễn Thị Thơm, thường gọi bà Năm và người em  Nguyễn Thị Mai, thường gọi  bà Sáu.

Gia đình một chồng, hai vợ và các con mang hai dòng máu Ấn - Việt sống bằng nghề thầu thu thuế chợ Phan Thiết, buôn bán… tại căn nhà số 26 Lê Văn Duyệt, nay là nhà số 26 - 28 Nguyễn Thị Minh Khai.

Một năm sau ngày đến Phan Thiết, bà Năm sinh ra Vélou Ramassmy, tên cúng cơm là Bi Lớn. Bi Lớn giác ngộ cách mạng rất sớm, được kết nạp đội viên Đội cảm tử thành; anh có vỏ bọc quốc tịch Anh nên không bị nghi ngờ, lại giỏi tiếng Pháp nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều sĩ quan Pháp để nắm tình hình, thu lượm những tin tức có giá trị, nhất là thời gian anh làm “bồi” cho quán rượu Chez les Manchots của một trung úy thương binh Pháp - nơi bọn sĩ quan, bọn mật thám thường lui tới nhậu nhẹt.

Ông Trần Ngọc Trác - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thuận Hải (cũ) - người dìu dắt Bi Lớn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào giữa năm 1947, nhận xét: “Anh là một thanh niên có học thức, thích văn nghệ, ham đọc sách báo, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp; một thanh niên nhiệt tình cách mạng, yêu nước nồng nàn với một nửa dòng máu Việt Nam trong trái tim mình” (trích Bản tin Phan Thiết số 213, tháng 3/1994).

Trong một trận càn vào chiến khu, quân Pháp thu lượm được một bức ảnh Bi Lớn chụp chung với một thiếu niên làm liên lạc. Khoảng 9 giờ sáng ngày 1/5/1948, mật thám Pháp bắt anh tại quán rượu. Chúng đã tra tấn anh dã man suốt buổi chiều và đêm đó nhưng anh không khai báo điều gì.

Ngay trong đêm 1/5/1948, chúng đã thủ tiêu Bi Lớn rồi phao tin anh trốn khỏi nơi giam giữ, vào chiến khu theo Việt Minh. Các tài liệu lịch sử truyền thống đấu tranh của nhân dân Phan Thiết còn lưu truyền câu nói hào hùng của người liệt sĩ tuổi hai mươi với bọn tay sai: “Các anh đừng đánh tôi, trong người tôi chỉ có nửa dòng máu Việt Nam, tôi còn yêu Tổ quốc Việt Nam, huống chi các anh là người Việt Nam. Tra tấn tôi, hãy để cho bọn Pháp làm việc đó”.

Tháng 4/1997, 49 năm sau ngày hy sinh, đội viên cảm tử thành Vélou Ramassamy, tên Việt là Nguyễn Tô Liên, bí danh Đình Khanh đã được Tổ quốc ghi công chính thức bằng một quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ mỗi Bi Lớn, mẹ và các em gái của anh cũng đã đóng góp công sức vào sự nghiệp giành lại độc lập của dân tộc. Ông Trần Ngọc Trác và ông Võ Sang, người bạn hoạt động cùng thời với Bi Lớn, xác nhận: Tại căn nhà số 4 Nguyễn Trãi,  trước ngày Bi Lớn hy sinh, hai người mẹ của anh đã đồng ý cho cán bộ Việt Minh hoạt động nội thành đào hầm bí mật trong nhà bằng cách làm đơn xin phép sửa chữa nhà; rồi người lo canh gác, người lo nấu nướng cho tự vệ đào hầm, còn hai người em gái song sinh của anh thì đội đất đi đổ ở bờ sông Cà Ty gần nhà.

Từ căn hầm này, Thị ủy Phan Thiết đã từng chỉ đạo phong trào đấu tranh ngay trước mũi kẻ thù. Hiện nay, căn nhà số 4 Nguyễn Trãi được gắn biển  “Địa chỉ đỏ”, với dòng chữ: “Nơi đây, năm 1947 – 1948, Thị ủy Phan Thiết đầu tiên đã xây dựng một căn hầm bí mật để trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến”.

Tháng Bảy, mùa đền ơn đáp nghĩa...

Chuyện nhà ông Chà Chóp ảnh 1
Căn nhà 26 Nguyễn Thị Minh Khai ở góc đường (Có bảng Cửa hàng nước mắm, đang đóng cửa)

Sau cái chết của Bi Lớn, gia đình ông Chà Chóp đến Sài Gòn sinh sống, một người con trai là Bi Nhỏ được cha mẹ đưa lên ở Đà Lạt vì sợ sự trả thù của mật thám Pháp. Cha và hai người mẹ của liệt sĩ lần lượt qua đời. Tháng 10/1978, UBND tỉnh Thuận Hải (cũ) quản lý cả 4 căn nhà của cha mẹ liệt sĩ vì thuộc diện nhà cho thuê kinh doanh.

Từ một lá đơn của ông Bi Nhỏ gửi báo Tiền phong đề nghị can thiệp, tôi đã đến gặp ông tại nơi ông cùng vợ và hai con trai trú ngụ. Đó là một căn phòng nhỏ trong ngôi chùa Ấn Độ giáo (số 96C Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM).

Tôi đã gửi gắm tâm sự của người em liệt sĩ không nhà đến lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trên một số báo Tiền phong năm 2001: “Tôi phải xin vào làm từ trong chùa Ấn Độ giáo để có nơi trú thân.

Nhà chùa cho tôi ở trong một căn phòng nhỏ, tôi thờ cha mẹ và anh Vélou tại đây. Tôi chỉ sợ mai này già yếu, không còn làm từ được nữa thì không biết về đâu, rồi mang bàn thờ đi đâu!”.

Lời khẩn cầu của ông Bi Nhỏ vang vọng qua nhiều cuộc họp chưa được đáp ứng thì ông đã qua đời vào tháng 3/2007; mà mãi đến khi gặp Ramassayana, người kế thừa công việc chưa trọn vẹn của cha mình, tôi mới biết. Ramassayana cũng cho biết là anh và mẹ thay công việc của người từ giữ chùa đã khuất, lo quét dọn bàn thờ và hương khói để có chỗ trú thân.

Mỗi năm hai lần anh phải đi đăng ký tạm trú như cha anh đã làm trong hơn ba mươi năm qua, vì không có nhà riêng nên không có sổ hộ khẩu, không được làm công dân thường trú của TPHCM.

Trong 4 căn nhà nói trên (số 1 Phan Huy Chú; số 80 Trần Hưng Đạo; số 26 và 28 Nguyễn Thị Minh Khai ) chỉ còn căn số 26 Nguyễn Thị Minh Khai chưa có chủ. Đó là căn nhà thuộc loại cấp 3C, tường gạch, gác ván, mái ngói âm dương có diện tích xây dựng vỏn vẹn 42,5 m2.

Đầu tháng 12/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Huỳnh Tấn Thành có công văn đề nghị Bộ Xây dựng thụ lý vụ việc xin lại nhà của thân nhân liệt sĩ Vélou Ramassamy.

Ngày 1/3/2007, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Tống Văn Nga có công văn phúc đáp, nêu rõ: “Có thể tặng lại căn nhà, nếu không thì bố trí cho ông Ramassamy một chỗ ở để ông chấm dứt khiếu nại”.

Tôi rời không gian huyên náo của những người khiếu kiện tại Phòng Tiếp công dân, nhớ tới dự tính mở quán bán cà ri dê của người đàn ông Ấn - Việt tại căn nhà tuổi thơ của ông mà ông không có cơ hội thực hiện.

Tháng 7, tháng đền ơn đáp nghĩa đã về. Những thân nhân của người liệt sĩ mang hai dòng máu Ấn - Việt đang mong đợi quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Bình Thuận. 

MỚI - NÓNG