Chuyện người vô Quảng Trị thăm... mộ mình: Người sót lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 10/3/1973, Vũ Ngọc Thành được trao trả ngay tại bờ sông Thạch Hãn rất gần với trận địa ác liệt đêm 10/4/1972. Vết thương cũ tái phát. Người lở loét. Thành được về an dưỡng, điều trị tiếp thương tật ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Tỷ lệ thương tật 51%, được xếp hạng 3.

…Lần ấy, về quê Vĩnh Lộc, tôi may mắn được gặp cựu binh Vũ Ngọc Thành, chủ nhân một gia đình êm ấm có người vợ và 3 con, hai gái một trai ở thôn Đồng Minh xã Vĩnh Phúc. Một lúc trong câu chuyện, tôi ngập ngừng nhưng rồi cũng ngỏ thẳng với chủ nhân rằng thời gian tù đày trong lòng địch như thế thì sau đấy có bị phiền lụy chi không?.

Người cựu binh không nói gì lặng lẽ chỉ lên tường.

Tôi ngó lên. Bên cạnh Tấm huy chương Chiến sĩ Giải phóng là Bảng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Tập thể Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc. Và tấm bằng Kỷ niệm chương Chiến sĩ Cách mạng bị bắt tù đày. Ngay ngắn dòng chữ. Đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp Giải phóng dân tộc. Phía dưới là chữ ký của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Chuyện nối chuyện. Lại biết thêm hiện ông Thành là Chủ tịch Ban liên lạc hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày của huyện Vĩnh Lộc. Hội hiện có hơn 20 hội viên.

Vâng cũng có một chút phiền đấy! Nhưng xin được nói sau!

 Chuyện người vô Quảng Trị thăm... mộ mình: Người sót lại ảnh 1

Vũ Ngọc Thành bên mộ mình ở Quảng Trị

Người cựu binh ấy khi trở về quê, vết thương luôn hành hạ những khi trái gió trở giời nhưng vẫn tích cực theo học lớp quản lý kinh tế của Trường Trung cấp kế hoạch tỉnh Thanh Hóa.

Phấn đấu, gắng gỏi liên tục là thế nhưng lộ trình đứng trong hàng ngũ Đảng vẫn thăm thẳm? Có người hé với ông, vướng là vướng cái thời bị tù đày? Chẳng biết thực hư ra sao?

Nhưng ông Thành cũng chẳng buồn lâu. Mà chẳng có thời gian để buồn nữa. Ông dành tâm sức cho đồng đội.

…Cái tin Thành ở nơi an dưỡng về phép trở lại quê nhà sau một thời gian dài bặt tin nhanh chóng loang khắp. Thế nào rồi những người thân của 5 đồng đội đồng hương huyện nhà cũng tìm đến hỏi tin tức… Thành chủ động đạp xe đến tận nhà. Có nhà biết, có nhà chưa. Nhưng dù biết hoặc chưa đều là những thời khắc gian nan với Thành khi anh phải đối diện với những người thân yêu của bạn mình. Bản thân thương tật đầy mình ốm yếu nhưng vẫn hơn tất cả 5 người bạn đã nằm lại ở đầu cầu Quảng Trị!

Một thời điểm khó khăn là ngày ấy Vũ Ngọc Thành tìm xuống xã Vĩnh Minh. Cách thôn Đồng Minh của Thành chưa đến chục cây số là nhà của anh bạn Trịnh Huy Oai mà Thành cảm thấy đường đất như thăm thẳm. Quen biết nhau từ trước. Vẫn lối ngõ rẽ vào nhà Oai quen thuộc dạo nào, Thành cứ ngỡ vô lầm ngõ? Anh như đang cố lẩm nhẩm những câu phải nói…

Không ai có nhà. Chú chó vện thấy người lạ cũng chả động tĩnh gì mà còn quẫy đuôi quấn quýt. Thành đánh tiếng. Vẫn lặng phắc.

Thành im lặng rồi bệt xuống bên thềm. Phải góc thềm kia, ngày nào mấy đứa, có Oai từng quấn túm chuyện trò… Cái dáng cao lớn nhất trung đội Mai Quốc Ca của Oai mờ sáng ấy dũng mãnh với khẩu AK cứ thoăn thoắt góc này góc khác. Đạn hết, Oai quơ nhanh hai quả lựu đạn của Thành. Lựu đạn cũng hết, Oai bật lê đánh rắc!

Mãi rồi mới thấy bà hàng xóm nhảo qua. Lạ nữa, mới ngó nét mặt của ông khách không quen, bà chỉ chào sơ sơ. Cũng chả gặng thêm gì?

Lát sau mới khẽ khàng vậy là em Oai mất rồi phải không anh?

Mang máng bố mẹ Oai mắc bận đám giỗ làng bên có lẽ chiều mới về, Thành xin phép.

Nhưng ngay chiều ấy, người nhà của Oai đã bổ lên nhà Thành để tường thêm cái hung tin rồi.

(Ngồi với người đồng hương Vĩnh Lộc, người viết bài này đang cố hình dung lại hình ảnh Trịnh Huy Oai. Anh Oai học trên tôi một lớp ở Trường cấp 3 Vĩnh Lộc. Từng bao bận nhịn đói cuốc bộ sải theo anh Oai và đám bạn 5 xã miền xuôi phải trọ học ở phố huyện cứ trưa thứ 7 tông tốc được về nhà.

Xăm xắn sải những bước dài là cái dáng cao nhỉnh của anh Oai, anh Cẩm… cùng những sải ngắn là Đường là Đính… Công nhận thể lực anh Oai hồi ấy nhỉnh hơn cả bọn. Thầy Trung giáo viên thể dục luôn biểu dương anh Oai môn xà kép. Anh Oai mà tung người trên cặp xà kép thì thôi rồi!

Anh Oai đận ấy, như nhiều đứa nhập ngũ mà lớp tôi có Lê Như Anh, Lê Văn Lý... Không phải dự thi tốt nghiệp cấp 3 mà được đặc cách vào thẳng chiến trường!).

… Phải đến giữa những năm 90, thu xếp mãi anh Thành mới đưa được mấy người nhà liệt sĩ bạn mình vô chiến trường cũ.

Đám người lặng phắc ở đầu cầu Thạch Hãn khi nghe dân kể lại khúc nhôi bi thương ngày ấy.

 Chuyện người vô Quảng Trị thăm... mộ mình: Người sót lại ảnh 2

Cùng cựu binh xứ Thanh thăm lại chiến trường Quảng Trị

Sau trận huyết chiến ngày 10/4/1972 lũ giặc phơi xác anh em mình ngay thôn Nhan Biều ở đầu cầu phía Bắc. Chúng không cho chôn cất ngầm ý đe dọa cảnh cáo! Nhưng qua ngày 12/4, hàng trăm người dân Nhan Biều, An Đông, ban đầu thì lác đác sau rần rần kéo tới. Mới đầu thì thẽ thọt nhẹ nhàng yêu cầu cho mang xác các liệt sĩ về chôn cất. Đối phương vẫn nín thinh. Suốt 5 tiếng đồng hồ, cuộc đấu tranh mỗi lúc một căng. Có lúc xảy ra như cuộc cướp xác. Cuối cùng giặc phải nhượng bộ. Bà con gom xác anh em, có người không toàn thây tổ chức chôn cất cẩn thận 20 liệt sĩ ngay mép bến Nhan Biều!

Nhưng anh em mình không nằm ở đó. Sau khi nghe câu chuyện nghĩa tình ấy, Vũ Ngọc Thành được dẫn đến Nghĩa Trang Ái Tử của huyện Triệu Phong. Sau này phần mộ anh em đã được quy tập đến Ái Tử.

Ông Thành trong cảm giác đau đớn và bàng hoàng nhận ra trong nghĩa trang là nghiêm ngắn 20 ngôi mộ nằm sát bên nhau. Trên bia đều đề chung một cái tên Mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca.

Có kinh nghiệm, học thức, nhiệt tình, trách nhiệm, ông Thành được tín nhiệm làm cán bộ kế hoạch của HTX nông nghiệp xã Vĩnh Phúc. Một việc hiếm ở vùng thôn quê là ông liên tục được bà con tin tưởng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn suốt 12 năm.

Người cựu binh ấy sau khi dâng hương đã ôm lấy từng nấm mộ mà khóc! Trong đó có cả ngôi mộ mang tên ông cùng quê quán và ngày hy sinh!

Bao nhiêu những tất tả công phu mà người cựu binh Vũ Ngọc Thành và những cựu binh Ban liên lạc Trung đoàn 9 đã bỏ ra. Một công trình kể xiết mấy mươi là Cục Người có công (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho phép khai quật hài cốt mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca ở Ái Tử lấy mẫu ADN gửi Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam để tổ chức giám định.

Kết quả có 16/19 mẫu trùng khớp. Năm 2014, phần mộ của 16 chiến sĩ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca đã được gắn tên, bổ sung thêm thông tin...

MỚI - NÓNG