Chuyện người Việt đầu tiên giành giải Grammy

TP - Cường Vũ là người (gốc) Việt duy nhất cho tới nay giành giải Grammy 2 lần cùng ban nhạc Pat Metheney vào 2003 và 2006. Tôi có cơ hội gặp gỡ khi anh về tham gia trình diễn cùng ban nhạc của Nguyên Lê tại Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô. Grammy không phải là mục tiêu của Cường, nhưng bằng cách nào đó, nó lại tìm đến với anh… 

Cường Vũ đến với kèn trumpet khá tình cờ. Hồi nhỏ, Cường muốn chơi trống, guitar, saxophone… đều là những nhạc cụ cậu từng thấy bố chơi. Nhưng vào thời khắc quyết định, bố lại đang ở Việt Nam. Cường chỉ vào ảnh bố đang thổi saxophone để mẹ đi mua, nhưng mẹ đem về một cây trumpet. Lúc đó Cường tầm 10 tuổi, hẳn là vì đằng nào cũng mua kèn rồi nên bố khuyên Cường chơi trumpet. “Bố nói ở Việt Nam, người chơi trumpet kiếm được nhiều tiền hơn chơi mấy nhạc cụ kia”, anh cười nhớ lại. “Bên Mỹ khác, nhưng Cường đâu có biết”. Tóm lại sau khi tập 2-3 năm, Cường cũng ngại không muốn quay lại từ đầu với saxophone.

Khi bố mang về những đĩa nhạc của các huyền thoại Louis Armtrong, Harry James, Cường bắt đầu biết đến jazz. Ở trường trung học, Cường chơi đàn phím và hát trong ban nhạc pop nhưng lên đại học, anh chọn jazz. Trong ban của Pat Metheney, Cường cũng đảm nhiệm cả hát và trumpet (như L.Armstrong), nhưng anh không cho hát là thế mạnh của mình. Theo anh, thành công của Pat Metheney (người ghi danh với 20 giải Grammy) cũng khó lý giải, đơn giản ông làm đúng thứ nhạc mà mọi người thích. “Ông mang lại những thanh âm mới, khiến mọi người phát cuồng. Họ yêu ban đấy. Và đó là lý do họ nhận giải Grammy. Grammy tưởng thưởng những người bán được nhiều đĩa nhất”.

“Mấy người Việt tốt lắm, họ rất tự hào là Cường có Grammy, cho dù có thể họ không nghe nhạc của Cường,” anh nói bằng tiếng Việt. Cường sang Mỹ khi lên 6. Anh vẫn nói tiếng Việt trôi chảy cho đến khi lên ĐH. Ở trường toàn dùng tiếng Anh, một tuần Cường chỉ được một lần nói chuyện với mẹ, nên tiếng Việt rơi rụng dần. Anh lập gia đình với nghệ sĩ nhạc cổ điển gốc Cuba. Lúc con gái của họ ra đời, tiếng Việt của Cường bỗng quay lại khi anh nói chuyện với con. Nhưng khi cô bé lên 6, nó không chịu nói tiếng Việt nữa, bố nó cũng mất đồng minh. “Tôi là con một, trong khi vợ tôi có 6 chị em suốt ngày tám chuyện, nên cô ấy vẫn nói tốt tiếng Tây Ban Nha,” anh phân trần. Một điều kỳ lạ nữa là Cường có thể nói tiếng Việt khá thoải mái với người miền Nam, còn tiếng Bắc, anh chịu không nghe được.

Cường không cho rằng mình nổi tiếng hơn sau khi có Grammy: “Giải thưởng có thể giúp họ ngay lúc đó, nhưng vài năm sau, mọi người bắt đầu quên, nếu bạn làm việc không hiệu quả. Giải thưởng thể hiện độ phổ biến hơn là chất lượng âm nhạc. Hai cái đó không phải lúc nào cũng đồng hành. Đôi khi thứ nhạc hay nhất lại không được ai để ý”.

Được công nhận là giáo sư xuất sắc chỉ sau 3 năm giảng dạy, là Chủ tịch Hội nghiên cứu jazz ĐH Washington, nguồn thu nhập chính của Cường Vũ là giảng dạy. Tức là anh nằm trong số ít những jazzman không phải lo mưu sinh. “Tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với jazz”, Cường cho hay. “Các nhạc sĩ rất khó tìm những chỗ chơi ngay như ở khách sạn vì bây giờ người ta có đàn điện tử với đủ loại âm thanh, họ không cần cả một ban nhạc nữa. Họ thậm chí không cần thuê người thật chơi nhạc vì đã có những dàn âm thanh chất lượng cao”.

“Nhưng nghệ thuật luôn sống sót. Chẳng hạn một số nghệ sĩ vĩ đại khi còn sống không ai biết đến, nhưng khi họ mất, nhiều người lại phát hiện và yêu thích âm nhạc của họ. Nghệ thuật đích thực luôn gặp được thời của nó”, anh nói.

Nếu jazz ở Mỹ mà còn gặp khó như vậy, anh có nghĩ chính phủ nên làm gì đó để hỗ trợ, tôi thắc mắc. Cường cười: “Có rất nhiều thứ trên thế giới đang cần phải sửa chữa, nhưng không ai làm để giúp con người sống tốt hơn… Tôi nghĩ nghệ thuật nói chung nên được hỗ trợ, không chỉ jazz, chẳng hạn nhạc truyền thống Việt Nam - một trong những loại hình nghệ thuật có vẻ đẹp đến kinh ngạc, nhưng chưa được mọi người chú trọng”.

Ba năm kể từ khi trở về Việt Nam lần đầu tiên, Cường nhận thấy ngày càng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi jazz với trình độ cao hơn: “Tôi nghĩ nhờ internet cho mọi người tiếp cận thông tin, kiến thức âm nhạc trên khắp thế giới. Điều này cũng tác động đến các nghệ sĩ chơi nhạc truyền thống. Nhiều người rất giỏi, nhất là ở Hà Nội. Mặc dù được gọi là nhạc công dân tộc nhưng họ thoải mái hòa nhập với mọi thể loại âm nhạc khác”. Lời khen này trước tiên dành cho 4 nghệ sĩ đàn dân tộc chơi cùng anh tại Hò Dô. “Nếu nhìn lại lịch sử để khám phá và nắm vững nền tảng âm nhạc truyền thống, sẽ rất thuận lợi để các bạn biến nó thành một thứ rất mới, nếu các bạn đủ may mắn”, Cường nhận định.

“Nghệ thuật và âm nhạc phản ánh sự phát triển cực nhanh của Việt Nam hôm nay”, anh nói. Cường cũng rất ấn tượng với tranh của các họa sĩ đương đại sau khi đến thăm một số gallery ở TPHCM. “Trước đây do ảnh hưởng từ gia đình, tôi cũng tưởng người Việt Nam chả làm được gì, toàn bắt chước. Những nghệ sĩ đích thực đang sáng tạo những thứ tuyệt vời, và ngày càng được biết đến nhiều hơn. Nhìn chung, xã hội bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, cố gắng làm những thứ có văn hóa. Điều đó thực sự tốt cho người dân”.

Từng tham gia vô số các lễ hội âm nhạc, Cường nhận thấy: “Hò Dô mang đến cho thành phố một thứ gì đó khác. Nhà tổ chức tập trung vào những thứ công chúng dễ tiếp nhận, sau đó thúc đẩy họ xa hơn tới những thứ họ chưa từng nghe để có những khám phá thú vị. Đó chính là sứ mệnh của lễ hội âm nhạc. Đó cũng là ý nghĩa của nghệ thuật, vì qua nghệ thuật, bạn sẽ mở rộng tư duy về thế giới, về những dân tộc khác. Bước ra khỏi những lề thói thường ngày, đó là điều bạn nên làm trong đời,” anh kết luận.

Trong số 50 nghệ sĩ jazz hàng đầu thế giới, có album (Come play with me) lọt top 100 album jazz xuất sắc nhất mọi thời đại, Cường Vũ dẫn dắt và tham gia nhiều nhóm nhạc khác nhau. Tuy nhiên anh không tham vọng giành thêm một giải Grammy: “Tôi không cố gắng để đạt được nó. Nghệ thuật không đi đôi với sự nổi tiếng. Tôi nghĩ nếu bạn là nghệ sĩ thực thụ, bạn chỉ quan tâm đến nghệ thuật, đến chất lượng, đến những gì mình thực lòng muốn nói. Và bạn không cố gắng để mọi người thích nhạc của bạn”.

Năm 1994, ở tuổi 25, Cường Vũ đến New York bắt đầu xây dựng sự nghiệp. “Tôi cần được giới nhà nghề biết đến, để có thể được gọi chơi thử và nếu đạt họ sẽ mời tôi đi tour và sau đó là thu âm. Nhưng đầu tiên, tôi phải có tiền để sống…”. Ban đêm, Cường tìm cơ hội chơi nhạc. Ban ngày, anh làm đủ việc như gác cửa khách sạn, sơn nhà, vào dữ liệu máy tính cho một công ty luật, làm cho một công ty máy tính vừa khởi nghiệp vào thời điểm mới có email… Việc làm thêm chỉ kéo dài một năm trước khi Cường dành toàn bộ thời gian cho jazz.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.