Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn
TPO - Con đò chở 84 người dần chìm xuống nước, trong giấy phút ấy, bà Nguyễn Thị Hệ (trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã nhanh chóng đến cứu sống 34 người thoát khỏi tay “tử thần”. 

 24 năm về trước, bà Nguyễn Thị Hệ (SN 1952 trú tại thôn Thượng Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nổi tiếng khắp vùng sau hành động xả thân cứu sống 34 người trong vụ chìm đò tại thượng nguồn sông Rác. Hành động cứu sống người trong vụ đắm đò của bà đã được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, rồi liên tiếp trong năm Bính Tý (năm 1996) bà nhận được huy chương của Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh…

“Tâm nổi” trong chuyến đò chìm

Tìm về thôn Thượng Phong vào một buổi chiều âm u, căn nhà nhỏ rộng chưa đầy 30m2 cũ kỹ, sơn ve bong tróc, mái ngói lồi lõm chắp vá bằng những tấm lá cọ là nơi an dưỡng tuổi già của vợ chồng bà Hệ. Mùa Xuân này bà đã ngót ngét tuổi 70, tóc đã bạc, khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt sầu bi, lưng oằn xuống là những minh chứng cho năm tháng sống trong nghèo khó, chật vật bằng nghề lái đò.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 1 Bà Hệ, người từng cứu 34 người trong vụ đắm đò vào năm 1996.

Hỏi đến ký ức vụ đắm đò vào mùa Xuân năm 1996, bà Hệ lặng người, ánh mắt đỏ hoen, ngấn lệ, đôi bàn tay đan xiết vào nhau như để kìm nén một nỗi đau thầm kín. “Tôi cứu được 34 người, 20 người khác được một số ngư dân đánh cá gần đó cứu sống, còn 30 sinh mạng mãi nằm dưới hồ sông Rác. Đến nay, nhắc lại vẫn thấy rùng mình và có chút hối tiếc khi ngày đó mà nhanh thêm chút nữa đã cứu được thêm người”, bà Hệ tâm sự.

Bà Hệ, vốn sinh ra và lớn lên ở một làng nghèo tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Nhà làm ruộng, quanh năm suốt tháng chỉ trông chờ vào con tôm, con tép hay củ khoai ngoài đồng nên cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám. 18 tuổi, bà tham gia dân quân du kích chống Mỹ cứu nước.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 2 Những bức ảnh trong vụ chìm tàu được bà Hệ cất giữ lại.

Trong quãng thời gian này, bà quen biết, kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Trung (SN 1945) rồi trở về thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong sinh sống. Cuộc sống chật vật, khó khăn khi vài ba sào ruộng, nuôi thêm con gà con vịt cũng chẳng đủ nuôi 6 đứa con nheo nhóc ngày một lớn lên. Nên năm 1993, bà bàn chồng đóng một con thuyền chở người qua hồ sông Rác để vào rừng.

Năm ấy, bến đò này duy chỉ có bà Hệ cùng ông Võ Di (trú tại Kỳ Tiến) là hai người hoạt động chở người qua hồ sông Rác. Bến đò được thay phiên nhau, hôm nay bà Hệ đi trước, ngày sau sẽ là ông Di. Thế rồi một buổi sáng định mệnh đã cướp đi 30 sinh mạng.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 3 Ngôi nhà vợ chồng bà Hệ đang sinh sống.

Cứu sống 34 người trong phút chốc

Bà kể, rạng sáng 4/1/1996, khi ấy trời âm u chuyển mưa phùn, từng làn gió bấc thổi rít đến lạnh thấu xương thịt. Phía mặt hồ sông Rác tĩnh mịch, làn hơi nước bốc lên cùng màn sương mù trắng xóa dày đặc che phủ 4 bề núi rừng. Đồng hồ điểm báo 6h sáng, sau tiếng máy nổ cùng giọng hô sang sảng của ông Di vang lên, 84 người dân vội vã lên chuyến đò để bắt đầu vượt hồ để vào rừng. Vừa di chuyển được khoảng 200m, bỗng dưng nước tràn vào guồng máy. Máy bất ngờ chết, con đò chao đảo giữa hồ nước sâu. Thuyền từ từ đắm chìm trong tiếng la hét thất thanh của hàng chục người dân.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 4 Bà Hệ được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng thưởng Huân chương Lao
động hạng 3.

Nghe tiếng kêu cứu vọng ra từ giữa hồ, linh tính có chuyện không lành. Bà Hệ giục cậu con trai Thực ra để lên thuyền. Càng lại gần, lộ rõ hình ảnh con đò ông Di nước ngập chỉ còn mũi, hàng chục người rơi xuống nước la hét, tay bíu lấy thuyền chới với giữa dòng nước sâu.

Lúc này người đàn bà nhanh chóng dùng chiếc gậy chống đò đưa về hướng người dân đang chới với, rồi từ từ kéo họ lên mạn thuyền. Còn nhiệm vụ của cậu con trai là phải chống và giữ thuyền thật vững để đứng yên không bị nghiêng hay di chuyển.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 5

Một số giấy khen, bằng khen được trao cho bà Hệ.

Từ từ từng người được cứu lên. Trong vòng 20 phút bà Hệ cứu sống được 34 người. Ngoài bà Hệ, thời điểm xảy ra sự việc, một số người dân đánh cá gần khu vực đó cũng đến cứu vớt được thêm 20 người nâng lên tổng số 54 người được cứu sống.

“Khoảnh khắc đó không bao giờ quên được, đến cả giấc mơ giờ vẫn còn bị ám ảnh. Lúc đó không biết sao mình lại can đảm để mà làm được như vậy. Nếu như ngày đó dân bình tĩnh hơn đã không đến mức đó”, bà Hệ ngậm ngùi kể.

Đến nay, sau hơn 20 năm trôi qua, cuộc sống của gia đình bà Hệ quá đỗi khó khăn, những trận ốm liên tiếp của người thân trong gia đình khiến mọi tài sản kiếm được đều tiêu tan. Căn nhà nhỏ với chiếc tivi cũ cùng những tấm bằng khen, huân chương, huy chương là tài sản đáng giá nhất đối với vợ chồng bà Hệ.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 6 Người chồng của bà Hệ ốm đau liên miên, cuộc sống vô cùng khó khăn.

“Tôi làm chèo thuyền đến năm 2005 thì nghỉ, sau đó con cái, chồng ốm liên tục khiến cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó. Mấy năm trước ngân hàng siết nợ nhà, nhưng may mắn được một nhà hảo tâm giúp đỡ trả số nợ ngân hàng. Hiện nay chỉ mong muốn có ít tiền trang trải cuộc sống về già”, bà Hệ tâm sự.

Chuyện người phụ nữ liều mình cứu 34 người bị đắm đò nơi thượng nguồn ảnh 7 Anh Bùi Ngọc Anh là một trong số 34 người được bà Hệ cứu sống. 

Là nạn nhân may mắn được bà Hệ cứu sống thời điểm đắm đò, anh Bùi Ngọc Anh (SN 1970, trú tại thôn Thượng Phong) chia sẻ, con đò mới nổ máy đi được khoảng 3 phút, thuyền bất ngờ rung lắc mạnh, nước ập vào buồng máy. Lúc này những người trên thuyền bắt đầu hoảng loạn. Một số nhảy xuống hồ, số khác bám vào mạn thuyền.

 “Khi đó hơn 80 người bì bõm chới với giữa sông, thì bà Hệ điều khiển thuyền đến cứu. Lúc ấy thật sự hoang mang, sợ hãi vì cái chết cận kề, nhưng may mắn thay tôi vẫn được bà Hệ cứu sống”, anh Anh nói.

MỚI - NÓNG