Chuyện người Phát Diệm

Ông Ngô Xuân Tựa (trái) và nhà báo Phạm Thanh. Ảnh: xuân ba
Ông Ngô Xuân Tựa (trái) và nhà báo Phạm Thanh. Ảnh: xuân ba
TP - Thị trấn Phát Diệm rìa phía nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng cách Hà Nội 120 dặm về phía đông nam

Lại ghé Kim Sơn Phát Diệm

Đường thiên lý Bắc Nam mới đâm gần thị trấn Phát Diệm của Kim Sơn Ninh Bình. Như nhớ thêm cuốn tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene, khi bàng bạc khi hằn đậm khung cảnh ở Sài Gòn và miền Bắc Việt Nam đầu những năm 50. Và đây là cảnh thị trấn Phát Diệm rìa phía nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng cách Hà Nội 120 dặm về phía đông nam. Graham Greene viết thế này.

… Tôi đã biết rõ về Phát Diệm trong những ngày trước cuộc tấn công – con đường hẹp dài có những quán hàng bằng gỗ, cứ khoảng 100 thước lại có một kênh đào, một nhà thờ và một cây cầu. Ban đêm thị trấn chỉ được thắp sáng bằng nến hay những ngọn đèn dầu nhỏ… và dù ngày hay đêm thì đường phố cũng luôn đông đúc và ồn ã. Trong cách thức trung cổ kì lạ của nó, dưới cái bóng và sự bảo vệ của Giám mục vương quyền (chỉ giám mục Lê Hữu Từ vừa cai quản về mặt chính quyền, vừa là giám mục cai quản giáo xứ - XB), nó từng là thị trấn giàu sức sống nhất nước và giờ đây là nơi chết chóc nhất. Gạch vụn, thủy tinh vỡ, mùi vữa và sơn cháy và con đường dài trống rỗng dài ngút tầm mắt”.

Những đoạn kênh đào mà Greene miêu tả thuở ấy nay vẫn còn. Căn nhà mà tôi ghé ngay sát đoạn kênh đào Greene miêu tả thuở ấy. Chủ nhân là ông Ngô Xuân Tựa. Ghé mừng ông ở tuổi 93 còn khỏe mạnh mau mắn lại vừa được tặng thưởng danh hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Hơi mát bóng Thánh đường nhà thờ Phát Diệm chừng như lan tỏa đâu đây dù cách nhà ông Tựa non cây số. Xôm tụ quanh Nhà thờ chính tòa là những căn nhà dân khang trang. Thời gian mà nhà văn Greene bất đắc dĩ thoắt thành người chép sử Phát Diệm “gạch vụn, thủy tinh vỡ, mùi vữa và sơn cháy và con đường dài trống rỗng dài ngút tầm mắt” là thời điểm mà anh chiến sĩ quân báo Ngô Xuân Tựa đang mật phục tại một nhà dân cơ sở ở Phát Diệm để làm nhiệm vụ trinh sát các vị trí địch để phục vụ cho các chiến dịch tấn công quy mô lớn của Việt Minh ở khu vực sông Đáy và nhằm vào các thị trấn Nam Định, Ninh Bình, Phát Diệm và Phủ Lý.

Một đêm tháng 9 năm 1951, trong chuyến đi trinh sát, chiến sĩ quân báo Ngô Xuân Tựa bị sa vào ổ phục kích. Địch đưa về giam ngay tại một hầm ngầm trong nhà thờ Phát Diệm. Thôi thì đủ mọi trò các ngón tra tấn tàn bạo. Rùng rợn là các bó cật nứa khi mạnh lúc nhẹ thía nát mặt mũi tay chân và chỗ kín. Cũng lạ chúng không hề nhận ra trên cái thân hình xác tướp bầm dập ấy những nét quen quen của người chiến sĩ tự vệ Cứu quốc Ngô Xuân Tựa trong Đội vệ sĩ Việt Minh từng bảo vệ cho Giám mục Lê Hữu Từ?

(Một chút mở ngoặc. Với cái đích đoàn kết và tranh thủ mọi đối tượng, lực lượng để phục vụ cho công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ, thời điểm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cha Lê Hữu Từ, Tu viện trưởng Châu Sơn Ninh Bình là một người theo chủ nghĩa dân tộc và phản đối ách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Ông đã từng hợp tác với các cán bộ của Việt Minh và thi thoảng che giấu họ trong tu viện ở Châu Sơn để tránh bị người Pháp và người Nhật lùng bắt. Ngay sau khi người Nhật đầu hàng, ông Từ đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Việt Minh, đã gửi một bức thư công khai cho Giáo hoàng, thỉnh cầu Vatican và mọi cộng đồng Công giáo ủng hộ sự độc lập của Việt Nam và nước VNDCCH  mới thành lập. Và tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, và các lãnh đạo khác của chính phủ Việt Minh đã về Ninh Bình dự lễ thụ phong cha Từ làm Giám mục ở Phát Diệm, và ông Từ được chỉ định là “cố vấn tối cao” cho chủ tịch nước).

Sau thời điểm đó, chấp hành nghiêm lệnh trên, chính quyền Phát Diệm và Ninh Bình đã chỉ thị cho tổ chức Tự vệ cứu quốc cử những thành viên dũng cảm gan dạ nhất vào đội cận vệ để bảo vệ an ninh cho Giám mục Lê Hữu Từ mỗi khi ông Cố vấn tối cao của Chính phủ đi hiểu dụ tuyên truyền giải thích chính sách của Việt Minh ở những vùng có đạo. Khi ấy giám mục Lê Hữu Từ không chỉ là lãnh đạo tinh thần mà còn là người cai trị thế tục gần như tuyệt đối. Mà Giáo phận Phát Diệm gồm phần lớn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Người Công giáo chiếm khoảng 25% toàn bộ dân số, nhưng nhiều làng và huyện lại có tới gần 100% người Công giáo.

…Nằm trong hầm giam tối thui, chiến sĩ quân báo Ngô Xuân Tựa dần tỉnh lại. Khắp người đau nhức nhưng sau một lúc cọ quậy anh chợt nhận ra may mà xương chưa bị gẫy chỗ nào. Dần dần Tựa nhận ra bên mình còn có một người. Sau hỏi mới biết đó là một chiến sĩ trinh sát của một đơn vị khác cũng bị địch bắt.

Ký ức chuyến hộ vệ đức GM về xứ đạo Yên Mô năm 1947 nơi có nhà thờ Yên Thổ còn tươi rói trong tâm trí của vệ sĩ Ngô Xuân Tựa. Xa chút nữa là đợt đi bảo vệ cuộc đón chủ tịch Hồ Chí Minh của đức GM Lê Hữu Từ ngay tại nhà thờ Phát Diệm tháng Giêng năm 1946. Sau những chuyến công vụ xuất sắc, năm 1948 anh tự vệ cứu quốc Ngô Xuân Tựa được kết nạp Đảng và chuyển sang Vệ quốc đoàn. Những trận đánh nức tiếng nhổ bốt Tiên Nông, Bình Hải, Đức Hậu… đánh lui các đại đội Phi Hùng, Phi Hổ của địch mà đơn vị quân báo của Tựa tham gia vang danh trong lòng địch hậu Ninh Bình… Và đó cũng là bắt đầu thời điểm đức GM bội ước với chính phủ Việt Minh rẽ lối khác bằng việc tổ chức quân đội riêng thiết lập trại lính  trong phần đất của thánh đường Phát Diệm với gần 1.700 lính và khoảng 6.000 dân quân. Ngay cạnh chỗ hầm giam chiến sĩ quân báo Ngô Xuân Tựa là một xưởng như nhà máy nhỏ chuyên chế tạo lựu đạn, đạn súng cối và súng phóng lựu.

Xứ đạo cùng nhà thờ Phát Diệm nay đã khác đã bặt đi khung cảnh thanh bình. Nhưng chiến sĩ quân báo Ngô Xuân Tựa vẫn vững tin ở địa bàn mà anh từng vào sống ra chết nhiều lần. Tinh thần yêu nước, một lòng với cách mạng, nhiều gia đình cơ sở cơ ở vùng giáo Kim Sơn đã dám chấp nhận tù đày, tra tấn, đào hầm bí mật nuôi cán bộ. Cán bộ về vùng địch có chỗ đứng chân, từng bước gây dựng lại phong trào. Bà con giáo dân vùng cài răng lược (nửa tề nửa tự do) còn cho con em tham gia tòng quân, gia nhập du kích; đóng góp công lương, tiền. Giáo dân vận động chồng con, không đi vệ sĩ chết thay cho giặc. Ông Tựa bồi hồi nhớ lại khung cảnh Giáng Sinh năm 1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Công giáo cả nước. Nhiều giáo dân ở các xứ, họ đạo Ninh Bình tổ chức rước và đọc thư của Người. Ở tu viện Châu Sơn (Nho Quan) có tới 4.000 người dự lễ rước thư.

Một tấm gương lẫm liệt ở vùng công giáo Kim Sơn là người nữ giao thông Bùi Thị Nhạn mà Tựa và anh em trong đơn vị quân báo đều biết và cảm phục. Làm giao thông liên lạc cho cách mạng, chị Nhạn đã nhiều lần bị giặc bắt, nhưng trước sau vẫn một ý chí sắt đá, thà chịu cực hình chứ kiên quyết không cung khai. Mỗi lần thoát khỏi trại giam trở về, chị lại tiếp tục hoạt động. Lần cuối cùng chị bị địch bắt vào giữa năm 1950.  Biết không thể khuất phục nổi chị, ngày 18 tháng 10 năm 1950, giặc Pháp đưa chị ra xử bắn giữa phiên chợ Hồi Thuần (Kim Sơn) hòng uy hiếp tinh thần đồng bào ta. Trước phút bị hành hình, không chút run sợ, chị bình tĩnh cho con bú lần cuối, âu yếm dặn con: “Lớn lên con nhớ trả thù cho mẹ”, rồi nhờ người làng bế hộ con về cho ông bà.

Những hồi ức bi thương. Những tấm gương dũng cảm dường như tiếp sức thêm cho Ngô Xuân Tựa. Tra mãi, đánh chán địch không moi được gì.

Căn hầm giam tối thui chật chội không đứng thẳng được trổ một cửa sổ bé tẹo có ba thanh chấn song. Tựa nghĩ phải tìm cách thoát. Anh thầm thì bàn với đồng đội trinh sát. Hai người thay nhau mang chút sức tàn lay, nạy mấy thanh chấn song. May mà nó đã rệu nên sau ba ngày lay, lắc đã bật ra. Mừng quá hai anh lại xếp hờ vào vị trí cũ. Đợi đến đêm thứ 4, tức là đêm thứ 17 trong hầm giam, Tựa và anh bạn tù hì hụi chui ra. Mỗi người thoát ra một hướng đề phòng bị bắt lại. Mãi sau này Tựa mới biết đêm ấy chỉ có mình anh thoát được còn người chiến sĩ nọ đã bị địch bắt và mất tích!

… Áp Tết Kỷ Hợi vừa rồi trong chuyến xuôi Nam, nhà báo lão thành Phạm Thanh rủ tôi và mấy anh em nữa ghé nhà ông Tựa ở Phát Diệm. Chúng tôi háo hức theo ông ghé nhà thờ đá nổi tiếng trong đó có mục ông Tựa sẽ chỉ cho vị trí hầm giam ngày trước. Trước lúc đi, bà vợ ông còn ới lại khoác thêm cho ông cái áo ấm. Ngó động thái bà lão tám mươi khoác áo cho ông lão chín mươi thấy chiều đông lạnh Phát Diệm như có nắng ấm…

Ông Tựa vắn tắt thêm câu chuyện hồi nãy đương dở rằng mãi năm 1956 ông mới xây dựng gia đình với cô phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp Kim Chính của Kim Sơn vốn trước đây là cơ sở của đơn vị quân báo. Khi đó ông đương là giám đốc nhà máy cơ khí Tân Mai trên Hà Nội sau khi chuyển ngành từ quân đội sang. Hưu ông về hẳn quê vợ Kim Sơn. Tuổi già của ông bà êm đềm bên bốn người con nay đã phương trưởng.

Những sải chân tuổi cửu tuần mà lạ, mới chỉ vương chút nằng nặng tuổi tác của ông Tựa ven con kênh đào dẫn vào nhà thờ đá Phát Diệm, con kênh chạy con đường dài trống rỗng dài ngút tầm mắt ngày nào nhà văn Greene chứng kiến nay sầm uất những quần cư theo lối hiện đại. Và cái mùi sơn cháy khét lẹt thuở ấy nay là mùi hương trầm ấm áp của cữ áp tết ta. Những sải chân anh cố nông Tựa rời làng Quảng Từ xứ Yên Mô rồi tiềm nhập vùng địch hậu Phát Diệm của chiến sĩ quân báo ngày nào và nay của người đảng viên lão thành Ngô Xuân Tựa.  Nhoáng cái đã là câu chuyện dài hơn bảy mươi năm…

Căn hầm giam tối thui chật chội không đứng thẳng được trổ một cửa sổ bé tẹo có ba thanh chấn song. Tựa nghĩ phải tìm cách thoát. Anh thầm thì bàn với đồng đội trinh sát. Hai người thay nhau mang chút sức tàn lay, nạy mấy thanh chấn song. May mà nó đã rệu nên sau ba ngày lay, lắc đã bật ra. Mừng quá hai anh lại xếp hờ vào vị trí cũ. Đợi đến đêm thứ 4, tức là đêm thứ 17 trong hầm giam, Tựa và anh bạn tù hì hụi chui ra. Mỗi người thoát ra một hướng đề phòng bị bắt lại.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.