Chuyện người ký lệnh bắt Văn Quyến, Quốc Vượng

Chuyện người ký lệnh bắt Văn Quyến, Quốc Vượng
TPCN - Cánh phóng viên luôn túc trực bên cổng C14, Bộ CA, song có một thông tin mà không một “thợ săn” nào “moi” được là ai đã trực tiếp hạ bút ký “Lệnh bắt khẩn cấp” đối với Văn Quyến và Quốc Vượng.
Chuyện người ký lệnh bắt Văn Quyến, Quốc Vượng ảnh 1
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc

Vâng, vào một tối cuối đông mưa giăng giăng, tại ngôi nhà trong một ngõ khuất nẻo bên công viên Thủ Lệ, tôi có dịp được ngồi nhâm nhi ly rượu thuốc với vị “Tướng đầu bạc” hay còn được mệnh  danh là “Tướng ẩn mình” – Người đã đánh dấu mốc cho cuộc chiến chống tội phạm trong nền bóng đá nước nhà.

Gọi là “Tướng đầu bạc” bởi lẽ, ngay từ thời mới “U40”, mái tóc ông đã như sương phủ. Cho tới xuân này, ông vừa tròn 40 năm phục vụ trong ngành công an.

Nhiều người còn đặt cho Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc biệt danh “Tướng ẩn mình”, bởi ông cứ lặng lẽ “phá” hết “án” này đến “án” khác và chỉ xuất hiện công khai trước công chúng và báo chí khi cấp trên yêu cầu.

Chẳng thế mà cho đến nay, rất ít người biết được ông đã từng lăn lộn trong những vụ án gây chấn động dư luận suốt hơn một thập kỷ qua lần lượt như triệt phá băng nhóm mang biệt hiệu “Tin palét” tại Nha Trang (Khánh Hòa), Cu Nên (Hải Phòng), Minh Sa-pa-xa (Vũng Tàu), Dũng “Chim xanh”, Hoàng Lựu đạn (TP. Hồ Chí Minh),  “Khánh Trắng” (Hà Nội).

Đặc biệt, ông còn làm Phó Ban chuyên án giúp việc cho Trưởng ban – Trung  tướng Nguyễn Việt Thành  trong chuyên án nổi tiếng “Năm Cam”…

Làng ông có cái tên rất đẹp: làng “Song Động” trước đây gồm 2 làng: Lôi Động – Lang Động. Đình làng Song Động đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, thờ 3 vị Thành Hoàng là tướng Yết Kiêu – Quận He Nguyễn Hữu Cầu và Tiến sĩ, quan văn Nguyễn Hữu Ngu (được khắc tên trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Làng Song Động thuộc xã Tân An (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) vốn là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” thời nào cũng có Tướng. Cách đây tròn 40 năm, khi anh trai làng Phạm Xuân Quắc bỏ tay cày mà theo nghiệp công an, người cha vốn là một nông dân chính hiệu, cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng, dòng họ Phạm của ông cũng sẽ đóng góp cho làng quê một “Tướng” nữa.

Sau chiến công xuất sắc phá vụ án “Tin palét”, lãnh đạo Bộ đã tin tưởng giao cho Cục trưởng C14 Phạm Xuân Quắc làm Trưởng ban chuyên án vụ “Khánh Trắng”.

Đây là một chuyên án vô cùng phức tạp. Bản thân đối tượng có những thủ đoạn rất tinh vi, có đầy bản lĩnh để che giấu và xóa dấu tích tội phạm.

Đối tượng chính thì chưa bị lộ diện nhiều, hơn nữa, lại được sự “bảo kê” của một số người trong cơ quan pháp luật, đồng thời đối tượng lại có mối quan hệ rất rộng kể cả với người có địa vị xã hội, lại “tích cực” đi “làm từ thiện” hết “khai trương” “trung tâm” này, lại “bảo trợ” cho đơn vị nọ, chẳng thế mà đối tượng đã từng được một tờ báo đăng bài ca ngợi hết nhời. Cũng đúng vào thời điểm đó, đối tượng đang nhăm nhe “chạy” một chân Đại biểu Hội đồng nhân dân…

Còn ông Trưởng ban chuyên án, khi đó, vẫn chưa thuộc hết đường phố, ngõ ngách Thủ đô đã nhận được những cú điện thoại gọi  tới tận căn phòng riêng của ông tại tập thể Lê Thánh Tông, với lời lẽ sặc mùi “dao búa” của dân xã hội đen.

Ông đốp lại ngay: Đừng chơi trò phim ảnh, có gan tới nhà riêng gặp tôi ở Lê Thánh Tông. Tôi chờ!

Và hắn đã đến nhà riêng ông Cục trưởng thật! Đó là một đàn em của Khánh Trắng, vốn nổi tiếng về dao búa trong giới giang hồ Hà thành. Song, người bất ngờ không phải là ông Cục trưởng, mà chính lại là tay dao búa chuyên nghiệp.

Thoạt đầu hắn bị choáng bởi thái độ bình thản đến lạ thường của ông Cục trưởng. Dưới mái đầu bạc như cước là đôi mắt tinh anh như nhìn thấu tâm can tên tội phạm (sau này hắn “tâm sự” vậy), cộng với thân hình vạm vỡ, những bắp thịt săn chắc của người chuyên luyện võ công đã khiến cho tên đàn em của Khánh Trắng phải kiêng nể.

Sau khi được uống nước, hút thuốc và nghe những lời phân tích chí tình, chí lý, tên đàn em chuyên dao búa đã “tâm phục, khẩu phục” “vui vẻ” xin ra đầu thú.

Nhưng tên này chỉ chuyên về “chân tay”, không nắm được gì về tội trạng mà Khánh Trắng đã xóa bấy lâu nay. Khi nghiên cứu kỹ càng tất cả những  tài liệu có liên quan tới Khánh Trắng qua tài liệu của nhóm trinh sát tin cậy, vị Trưởng Ban đã lọc ra được một “mắt xích”  tối quan trọng (nếu như không muốn nói là duy nhất), ấy chính là D – người đã đi tù thay cho những kẻ giết người nhưng lại được ai đó đưa vào  tội “phòng vệ” quá mức cần thiết.

Sau  khi phát hiện ra nhân vật D, một mặt, ông chỉ đạo các trinh sát vừa thu thập thêm tài liệu, lời khai, vừa bám sát đối tượng D, còn ông nghiền ngẫm cách thức sao cho D khai hết ra sự thật của “vụ đi tù thay”.

Cuối cùng, ông quyết định một mình ông sẽ gặp và chuyện trò trực tiếp với D. Nhằm  tránh cho đàn em của Khánh Trắng phát hiện, ông bí mật giao cho một trinh sát gạo cội trong chuyên án, buổi tối, mời D tới 40 Hàng Bài.

Tại đây, “hai chú cháu” ngồi chuyện trò với nhau như hai người bạn, không có máy ghi âm, không có bản cung gì cả.

Suốt mấy tối liền, mặc dù đã được nghe những lời chỉ bảo rất ân cần, và bản thân D cũng tỏ ra rất muốn nói ra sự thật, nhưng hình như D vẫn còn cấn cá, sợ uy danh của “Đại ca” và băng nhóm, sợ bị trả thù...

Những đêm ấy, khi đi bộ từ Hàng Bài về Lê Thánh Tông, ông luôn nhớ tới lời của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ khi giao cho ông nhiệm vụ phá băng tội phạm Khánh Trắng, rằng: “Làm thì làm tới nơi tới chốn, đừng đầu voi, đuôi chuột nhắt!”.

Ngay trong đêm tối, ông chỉ đạo trinh sát  tìm hiểu kỹ thêm gia cảnh của D, đồng  thời lệnh cho anh em 24/24h đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh mạng cho D cùng gia đình, vợ con…

Biết được sự quan tâm đặc biệt của Cục trưởng dành cho gia đình mình, cuối cùng, D đã khai ra toàn bộ đầu đuôi hành vi phạm tội của anh em Khánh Trắng.

Khi D khai nhận, ông cũng không yêu cầu viết hoặc ghi bản cung gì cả, ông cười rất tươi và thân mật bảo D về ngủ ngon, mai đi Đồng Mô “chơi với tớ”. Tại Đồng Mô, ông “chiêu đãi” D một chầu cho thư giãn thần kinh sau mấy đêm căng thẳng, rồi ông mời các vị đại diện VKSNDTC, Cục CSĐT… tới nghe D khai báo, trình bày ngọn ngành mọi chi tiết.

Có thể nói rằng, những lời khai của D là chìa khóa mở ra mọi bí mật tội lỗi mà băng Khánh Trắng che giấu suốt một thời gian dài, qua mắt được bao nhiêu cơ quan, tổ chức…

Trời đã về khuya, câu chuyện giữa chúng tôi chuyển sang đề tài mà hơn một tháng qua, hàng triệu, triệu người dân đang dõi theo từng bước đi của C14 mà ông là thủ lĩnh.

Tôi ướm hỏi: - Khi được biết C14 “đụng” đến chuyện trọng tài môi giới hối lộ và “ăn” hối lộ, rất nhiều người dân bán tín, bán nghi, bởi chuyện đưa và nhận hối lộ xưa đến nay khó mà “bắt tận tay day tận trán”?

Ông cười, đáp rằng: - Ngay từ khi thực thi chuyên án Năm Cam, đã thấy xuất hiện một số dấu hiệu hé lộ về chuyện cá độ tỉ số trong bóng đá. Tuy nhiên,  thời điểm đó, chúng tôi tập trung làm nhanh, gọn, sạch nhóm tội phạm do Năm Cam điều hành, mà chưa có thời gian cho việc  khác.

Ngay sau khi kết thúc chuyên án Năm Cam, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo bằng mọi cách phải đưa ra ánh sáng những kẻ đang làm vấy bẩn nền bóng đá nước nhà để đáp lại lòng tin và trông đợi của công chúng.

Xin mọi người cứ an tâm, chúng tôi đã chọn hai “mắt xích” là Lương  Trung Việt ở phía Nam và Trương Thế Toàn ở phía Bắc.

Không có  một tội phạm nào lại không để lại dấu vết gì. Từ hai “mắt xích” này, đã lần ra được tất cả những trọng tài đã ít nhiều “nhúng chàm”. Đau xót lắm, đã có tới quá nửa số trọng tài có liên quan đến việc nhận hối lộ.

Tuy vậy, cơ quan điều tra chỉ khởi tố những đối tượng tương xứng với tội lỗi vi phạm, còn một số người do hoàn cảnh, số tiền nhận ít ỏi, có thái độ thành khẩn trong khai báo, sẽ bị xử lý về hành chính.

Qua đây, có lẽ, UBTDTT và VFF phải cải tổ thực sự về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ sử dụng trọng tài, bởi, một trọng tài bóng đá tối thiểu phải đạt được 3 tiêu chí: nắm vững Luật – có Sức  - có Đức, mà hiện trạng, cả 3 tiêu chí này soi vào đội ngũ trọng tài Việt Nam, ai cũng thấy rõ, khỏi cần phải nói…

- Thế còn chuyện bán độ ở đội tuyển U23, thưa ông?

- Khi đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam lên đường sang Philippines, tôi đã trực tiếp dặn dò Trung tá Doãn Công Huân rất kỹ, không được bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào. Qua các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi thấy khả năng xuất hiện một “mắt xích” nào đó là có thể xảy ra.

Ngay trận đầu với Myanmar chúng tôi đã có trong tay những dữ liệu nhất định. Cho tới buổi trưa  ngày thi đấu bán kết với Malaysia tôi rất sốt ruột, điện thoại trực tiếp cho Doãn Công Huân yêu cầu tiến hành những công tác nghiệp vụ, nhưng tránh không gây ra tình trạng hoang mang, căng thẳng ảnh hưởng đến hiệu quả thi đấu của đội tuyển nước ta.

- Tâm trạng của ông khi ký “Lệnh bắt khẩn cấp” đối với Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng?

- Thực tình mà nói, khi cầm bút ký cái “Lệnh” ấy, tâm trạng của tôi thật khó tả. Về mặt tuổi tác, cả Quyến và Vượng đều như con út của tôi. Với tư cách là người xem, cùng hàng triệu người hâm mộ, tôi cũng đã từng vô cùng sung sướng, xúc động khi Quyến và Vượng ghi bàn thắng… Thế nhưng, với tư cách là một người được Đảng và dân giao phó công việc chống tội phạm, tôi không thể làm khác được…

Chia tay với “vị tướng đầu bạc”, tôi chợt hình dung ra cảnh Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu… xuân này sẽ “đón Tết” sau song sắt… Chỉ mới đây thôi, trong mắt nhiều người hâm mộ, họ là những Người Hùng. Chao ôi! Cái ranh giới Người Hùng – Tội phạm, thật là mong manh!

MỚI - NÓNG