Chuyển mục đích rừng tự nhiên phải trồng thay thế gấp 2 – 3 lần

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
TPO - Ngoài vấn đề diện tích trồng rừng thay thế, các ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn đề nghị lưu tâm đến chất lượng và loại cây trồng rừng thay thế tại phiên thảo luận về Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) vào sáng 14/8.

Sáng 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Thảo luận về nội dung này, đa số các ý kiến đồng tình với việc đổi tên gọi thành Luật Lâm nghiệp, song cũng cần làm rõ tác động của các luật khác, khi đã dẫn chiếu với tên gọi cũ của luật này.

Điều 28 dự thảo luật quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác quy định: Tổ chức, cá nhân, chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác bằng diện tích bị chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng trồng, bằng 2 đến 3 lần đối với rừng tự nhiên.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân, chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh tương đương với giá trị diện tích rừng phải trồng thay thế. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

Trong trường hợp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi tổ chức, cá nhân, chủ dự án nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế ở địa phương khác.

Băn khoăn về điều này, đại biểu Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, cần nêu rõ tính khả thi với quy định trồng rừng thay thế bằng 2 – 3 lần đối với rừng tự nhiên. Ngoài vấn đề diện tích, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh còn đề nghị phải quan tâm đến chất lượng và cây trồng thay thế ra sao.

Qúa nhiều loại quỹ, gây phân tán

Liên quan đến vấn đề quỹ, dự thảo quy định, quỹ bảo vệ và phát triển rừng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập. Qũy này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư.

Ở cấp Trung ương, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, còn cấp tỉnh sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị lưu tâm đến việc này, vì hiện nay đã có nhiều loại quỹ, rất phân tán. Thống kê cho thấy, trước đây đã có tới 80 loại quỹ rồi, giờ lại có thêm hàng loạt quỹ khác nữa, không biết hiện đã có tổng cộng bao nhiêu loại quỹ? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa các loại quỹ, có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, và vốn điều lệ chỉ là “vốn mồi”.

Một chủ trương rất lớn được các đại biểu nhấn mạnh là phải chú ý đến dịch vụ phát triển rừng, làm sao để người dân sống được dưới đất rừng, đảm bảo an sinh xã hội khi sửa đổi luật này. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nếu thực hiện tốt các yêu cầu mục tiêu đề ra, sẽ đảm bảo sinh kế, đảm bảo môi trường và chính sách an sinh xã hội cho vùng rừng đó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.