Chương trình lễ khá hấp dẫn, nhưng giữa chúng tôi vẫn đột xuất phát sinh kiểu chuyện trò theo lối tùy bút! Vẫn vương vất câu hỏi hồi nãy mà nhà thơ Lê Quang Sinh đương hỏi dở nhà phê bình Ngô Thảo nhưng ông mắc việc bận chưa rốt ráo hết được. Câu hỏi ấy thế này:
- Em hỏi khí không phải. Là năm nay giải tiểu thuyết lắm giả cổ trang thế nhỉ ? Trong khi bao nhiêu bề bộn của cuộc đời cần được lên thể loại hạng nặng của văn chương. Hay là các nhà văn ta có chút né tránh chăng ?
Câu hỏi của Lê Quang Sinh cứ như một sự tổng kết? Cứ chiểu theo kết quả vừa được công bố trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam, số lượng tác phẩm được giải ràn rạt như một cuộc diễu hành (chữ của PGS.TS Phạm Ngọc Thạch) biểu dương lực lượng văn chương với 30 cuốn. Ở hai giải cao hạng nhất, nhì có đến 3 cuốn thuộc loại dã sử của Trần Thùy Mai, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Khắc Nghiêm đó là chưa kể ở hạng cuối dã sử vẫn thêm đồng cân với cuốn “Ngô Vương” của Phùng Văn Khai.
Nhà văn Nguyễn Hiếu gật gù thêm rằng, nếu coi tình trạng trên là một hiện tượng thì đây là sự lặp lại của tình trạng ưa dã sử, bỏ qua đời sống hiện đại trong văn nghệ xứ ta.
Nguyễn Hiếu dẫn thêm một sự kiện văn chương Hà Nội được phô diễn từ 26/9 đến 3/10 vừa qua là Liên hoan sân khấu Hà Nội được tổ chức trọng thể để kỉ niệm 1010 năm Thăng Long và ngày Giải phóng Thủ đô. Trong 11 kịch mục của Liên hoan có đến 80 % là kịch dã sử và đều là kịch bản cũ, có kịch bản đã được dùng trong chính Liên hoan sân khấu này từ 10 năm trước và tuyệt nhiên không có một kịch bản nào mang đề tài phản ảnh cuộc sống đương đại.
Hai ông viết ngồi sau vống lên chỗ Nguyễn Hiếu
- Bác là dân viết kịch, bác thử cắt nghĩa vì sao kịch cọt gần đây kém hấp dẫn đến độ máu văn nghệ như em cũng phát chán và quay lưng lại? Giá như còn Vũ, có Vũ (ý nhắc đến nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?)
- Chú dân Tổng hợp văn đúng không ?
- Em khóa 20 mà bác.
Cựu sinh viên khoa Văn Nguyễn Hiếu huơ tay lên.
- Thế thì các chú nhớ lại giáo trình của thầy Khỏa, Nguyễn Văn Khỏa đi. Thầy Khỏa dạy anh em mình. Sân khấu là nghệ thuật thánh đường. Đã là thánh đường thì nghệ thuật đó phải luôn luôn phản ảnh vấn đề trung tâm của cuộc sống, của xã hội, nói hộ người xem những vấn đề đang được quan tâm. Sân khấu của Vũ hấp dẫn người xem chính vì đáp ứng được điều đó. Lò lửa chống tham nhũng, chống quyền lợi nhóm đang cháy đùng đùng kịch lại đi nói về tình yêu tay ba, về đồng tính, về ông vua, bà chúa từ đời tám hoánh nào thì ai xem .
Nguyễn Hiếu lầm bầm tiếp.
- Nó là thế đấy. Phải chăng các nhà tiểu thuyết bây giờ thích bới bụi thời gian, làm một nhà sưu tầm lịch sử. Không hẳn. Bởi nhà văn đa phần là những phong vũ biểu cực tốt trong sự thay đổi thời tiết xã hội. Họ nắm bắt dư âm cuộc sống nhanh lắm. Như cụ Kim Lân đấy, ba cái chuyện hay nhất của cụ toàn nói chuyện cá nhân, gia đình thế mà đọc vào cứ thấy ngồn ngộn hiện thực đất nước ta từ vụ đói năm 45 đến chiến dịch Thu Đông 50. Có điều liệu viết trực diện hiện thực gai góc bây giờ có được in không, cũng như bên sân khấu ấy người ta sẵn sàng vứt bỏ kịch bản viết về vụ án Vinashin. Sự thao túng của không ít ông thượng thư hiện đại trong cổ phần hóa, chưa hưu đã tính việc sắp đặt ghế cho con để dựng kịch bản nhàn nhạt nhưng an toàn cho nhà hát, đoàn kịch của mình đã.
Giờ giải lao, chất giọng Nguyễn Hiếu tròn vành rõ chữ hơn.
- Đã nói thì nói cho hết. Cái Giải văn chương quốc gia vừa rồi thiếu đứt đi một chữ hài. Nhưng không chỉ nhiệm kì vừa qua mà đến hai ba nhiệm kì kia, sự thiếu văn chương hài đã phát sinh và dường như những người quản lý văn chương không để ý. Gọi là nền văn chương phải đủ món như người phải đủ chân tay, đầu mình chứ!
Hơn hai chục năm qua việc bỏ tiền túi ra tự in tác phẩm của mình, nhất là thơ, tạo điều kiện cho sự phát triển hùng hậu các nhà thơ nhiều cấp, thì vô tình làm cho nền thơ Việt Nam bị nghiệp dư hóa, còn nền văn chương cũng trở nên thừa thơ và thiếu hài.
Rồi sau cái lễ kỷ niệm, tôi bất ngờ được Nguyễn Hiếu cho coi cái thư của nhà văn gạo cội Nguyễn Công Hoan. Thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cho nhà văn Nguyễn Hiếu đề ngày 12/8 /1973 từ 37 năm trước. Thứ mực cụ giáo Hoan dùng là thứ màu xanh lá mạ. Hẵng còn rất nét.
Số là để đáp lại việc Nguyễn Hiếu khi ấy gửi nhà văn Nguyễn Công Hoan ba truyện ngắn hài, nhà văn đã trả lời thế này.
… hiện giờ, các báo đương bắt đầu đăng những bài thơ đả kích những thói hư tật xấu nội bộ, làm hại chế độ - Các báo rất mong muốn có những loại bài viết bằng văn xuôi.
Loại truyện anh viết có thể đáp ứng được mong muốn này. Các báo lại đương khuyến khích viết những truyện ngắn, thật ngắn. Vậy việc anh viết những truyện châm biếm ngắn là hợp thời. Nó phục hồi lối châm biếm bằng những truyện ngắn, rất ngắn. Lối viết này sẽ lôi kéo một số người cùng viết. Nhưng trước hết, về anh, là người phục hồi đầu tiên, phải có những truyện mang đề tài có tầm vóc cao lớn hơn, và về hình thức diễn tả, thì cách hành văn phải già dặn hơn”.
Thực hiện lời chỉ dẫn của nhà văn lớn, năm 1984 Nguyễn Hiếu đã in tập truyện ngắn hài “Chuyện cái vòi nước”. Năm 1990, Nguyễn Hiếu lại kí hợp đồng với nhà XB Thanh niên qua nhà văn Đắc Trung định in một sê ri tập truyện ngắn hài.
Nhưng sau cuốn đầu “Cười dành cho tất cả” thì Nhà XB quyết định ngừng.
Theo Nguyễn Hiếu thì mảng văn chương hài sau đó vì không được cổ vũ nên mất dần. Các mục thơ châm biếm các báo cũng không tồn tại. Phía Nam có Lê Văn Nghĩa cố duy trì hài hước một thời gian cũng ngừng. Nhà văn Bích Ngân rất thích viết hài nhưng cũng năm thì mười họa mới cho ra một truyện .
Nguyễn Hiếu lại bất ngờ thượt thêm, ý chừng như để kết vấn đề rằng sự thịnh của văn chương dã sử, sự suy của văn chương hài nó như hai mặt của một hiện tượng vậy!
Nghe vậy thì biết vậy. Chắc chất lượng Giải văn chương quốc gia 2019 sẽ được mang ra mà rốt ráo?
X.B
Nguyễn Hiếu từ đại hội IX của Hội Nhà văn Việt Nam đến Đại hội của Hội Nhà văn Hà Nội gần đây nhất cũng mạnh dạn lẫn lớn tiếng nêu tình trạng thiếu hài trong nền văn chương nước nhà. Song như ông thở dài là tất cả đều rơi vào thinh không!