Chuyện làng văn nghệ: Mỗi thầy một cách

Chuyện làng văn nghệ: Mỗi thầy một cách
TP - Cùng là hướng dẫn, góp ý, nhưng các nhà văn, nhà thơ có phong cách khác hẳn nhau: Vũ Quần Phương khéo léo, ít khi trực diện; Đỗ Chu bộc trực, huỵch toẹt; Nguyễn Khắc Trường tưởng như lan man nhưng đầy chủ ý...
Chuyện làng văn nghệ: Mỗi thầy một cách ảnh 1
Nhà văn Đỗ Chu

Những người thầy viết văn ấy mỗi người có cách riêng của mình nhưng đều đạt được kết quả.

Tôi được nhiều lần gặp và nghe nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về thơ. Ông có cách nói vòng vo rất khéo, ít làm mất lòng người được góp ý, nhất là những khi gặp phải góp ý… chê!

Ví dụ có lần hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum mời ông về phụ đạo một khoá nâng cao chất lượng sáng tác cho anh chị em hội viên thuộc mảng Văn học. Cuối khóa, anh em nộp một số tác phẩm để ông đọc, góp ý.

Khi phân tích đến tác phẩm của tác giả thơ X. H, Vũ Quần Phương nói: “Tôi có cảm nghĩ anh em ở Kon Tum làm thơ thì hay mà tính toán kinh tế thì e hơi bị… dở!”.

Cả lớp chưa hiểu mô tê gì, cứ ngẩn người dỏng tai chờ đợi. Đoạn ông tiếp: “Anh em dư biết tiền nhuận bút của hai bài thơ thì chắc chắn nhiều hơn nhuận bút một bài. Thế mà anh H. lại lồng hai bài thơ vào thành một, phí quá! Ví như bài… ba khổ đầu tự thân nó đã là một bài thơ hoàn chỉnh.

Ba khổ còn lại gia cố thêm một tí cho ra cái mở đầu thì sẽ được một bài khác nữa. Anh đọc lại, ngẫm nghĩ kỹ thử xem”. Quả vậy thật, H. không cãi vào đâu được.

Thi thoảng lắm mới nghe Vũ Quần Phương nói thẳng một cách trực diện. Ở một trại sáng tác, ban tổ chức mời ông về phụ đạo tổ thơ. Cuối trại, trong lần tổng kết ở tổ, khi nhận xét, góp ý chất lượng từng người, đến anh bạn K. ông nói: “Còn anh K. mặc dù đã in hai tập rồi nhưng thú thật tôi đọc mà… chưa gặp một bài thơ nào!”.

Sau này gặp bạn bè, K. tâm sự: “Thật tình khi ấy mình tự ái ghê gớm. Nhưng về đọc lại, ngẫm kỹ, thấy rằng nếu còn muốn làm thơ nữa thì phải viết khác đi mới được”!

Khác với Vũ Quần Phương, nhà văn Đỗ Chu lại có cách nói thẳng tuột ruột ngựa! Ở một trại sáng tác, ban tổ chức mời ông về phụ đạo tổ truyện ngắn. Một hôm anh em trại viên đang túm tụm tán gẫu thì nhà văn Đỗ Chu đến. Chưa ai kịp chào, ông hỏi độp ngay: “Ai là N. B. T?”. Anh bạn tên T. vội đáp: “Dạ thưa, tôi đây ạ!”. Đỗ Chu nói ngay: “Anh vào đây tôi bảo!”.

Khác với Vũ Quần Phương, nhà văn Đỗ Chu lại có cách nói thẳng tuột! Ở một trại sáng tác, ban tổ chức mời ông về phụ đạo tổ truyện ngắn. Một hôm anh em trại viên đang túm tụm tán gẫu thì nhà văn Đỗ Chu đến. Chưa ai kịp chào, ông hỏi độp ngay: “Ai là N. B. T?”. Anh bạn tên T. vội đáp: “Dạ thưa, tôi đây ạ!”. Đỗ Chu nói ngay: “Anh vào đây tôi bảo!”.

Nhà văn bước sải vào phòng, móc trong bụng áo (vì hôm ấy trời mưa, phải để thế cho khỏi ướt) xấp bản thảo hai truyện ngắn của T. vứt đánh uỵch lên bàn và xổ liền một tràng (đại ý): “Tại sao truyện này anh để cho A nó chết? A chết thì còn cóc gì để phải nói, phải viết nữa! Còn truyện này tại sao anh không cho B lấy C? Chúng nó mà không lấy nhau thì còn đếch gì cho ra chuyện nữa?... Viết thế này một đêm tôi viết mười cái!”.

Tội nghiệp cho T. cứ mà há hốc mồm nghe thầy nói. Sau một thôi một hồi “lên lớp”, bất ngờ ông dõng dạc tuyên bố: “Thôi, bây giờ tao mời tất cả về nhà tao cơm trưa. Tao đã bảo nhà chuẩn bị cả rồi!”.

Một nhà văn nữa, cũng có cách “bày vẽ” cho anh em vào nghề khá đặc biệt. Ấy là nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Cũng ở một trại viết, ban tổ chức mời ông về phụ trách tổ viết tiểu thuyết. Mỗi lần ông đến, tập hợp một số trại viên là bắt đầu chuyện ngẫu hứng. Vừa nói vừa cười vang vang sảng khoái. Thôi thì đủ thứ, chuyện từ thời sự bắt qua thế sự, từ chuyện chung sang đến chuyện riêng…

Nhưng không phải tầm phào đâu nhé! Chen vào giữa những câu chuyện “dài dòng văn tự” ấy Nguyễn Khắc Trường khéo léo lồng vào những ý tưởng, quan điểm, kinh nghiệm sáng tác của mình.

Ông khiến cho người nghe biết lọc lẩy ra đâu là cách tìm được đề tài trong mớ hổ lốn của xô bồ cuộc sống quanh ta, đâu là cách chọn xây dựng điển hình nhân vật… Rồi thì là cấu trúc một tiểu thuyết, là chủ đề tư tưởng của tác phẩm v.v…

Đặc biệt tiếng cười sảng khoái, phóng túng vang động cả khu sáng tác của ông nhà văn dữ tướng này làm cho anh em vui lây, cảm thấy chân tình gần gũi nên tiếp thu rất thoải mái nhẹ nhàng.

Những người có chuyên môn sâu, kiến văn rộng, ứng xử chân tình với người khác (nhất là với đồng nghiệp trẻ) bao giờ cũng có cách nói năng rất tự tin, chủ động và sắc sảo khiến người nghe dễ dàng tiếp thu, tâm phục khẩu phục. Các nhà văn nhà thơ Vũ Quần Phương, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường… là những ví dụ xác thực.

T.V.S
Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).