Chuyện lần đầu kể về người 'Đưa em về nhận mặt quê hương'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian như ánh chớp nhoáng qua ô cửa sổ nơi ngôi nhà cũ bên sông Ngự Hà trong kinh thành Huế. Tiết trời khá lạnh của một buổi sáng giáp Tết Nhâm Dần. Tôi ngồi trò chuyện qua lớp khẩu trang chống dịch với vợ và con gái nhà thơ Lê Viết Tường.

Thời gian mù mù như sương sớm buổi sáng nay. Như khoảng trống vắng cái thời tròn 35 năm trước, khi hay tin thi sĩ Lê Viết Tường ôm trăng trên dòng Hương một buổi tối trời. Tôi học sau anh Tường 6 lớp, anh khóa 4 tôi khóa 10 ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế. Mùa hè năm 1987 ấy tôi đang năm 2 về nhà nghỉ hè nên không biết về cái chết kỳ lạ bi thương của anh. Thay vào đó là những mẩu giai thoại phủ mờ ký ức.

Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường, với tôi có thể đứng cùng với Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao, cũng từng là cựu sinh viên Văn khoa Huế. Và là một trong những bài thơ hay nhất về quê hương miền Trung Việt Nam. Về mảnh đất quê hương, con người quặn thắt nỗi đắng cay cơ cực mà vẫn nung nấu niềm hy vọng khôn nguôi. Lê Viết Tường là một trong số gương mặt thi sĩ nổi bật nhất trong giới sinh viên Huế sau năm 1975.

"...Quê hương tôi nghèo và buồn đến nhường kia/em xuống bếp và cầm con cúi/ thổi bùng lên và nhen bếp củi/em sẽ hiểu một phần buồn tủi của quê hương./Những con cúi rơm cháy hết đêm trường/cháy âm ỉ suốt ngày ngoài ruộng/cứ như thế từ mấy nghìn năm trước/cháy âm thầm cháy suốt hôm nay/... Đưa em về nhận mặt quê hương/đáng lẽ tôi sẽ chọn đưa em về trong niềm vui ngày hội/nhưng sợ lòng mình giả dối/bởi khuôn mặt mọi người sẽ làm bộ dễ thương..."

Hơn chục năm trước dư luận xôn xao về bài thơ Trăng nghẹn của tác giả Hoài Tường Phong. Bài thơ đã được chấm giải nhất cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009, nhưng sau đó bị loại khỏi giải vì "u ám, không phù hợp...". Nhà báo Đoàn Công Huynh lúc ấy đang là Tổng biên tập báo Tiền Phong đã viết bài Xấu hổ cũng là tình cảnh cách mạng trên báo nhà, trích một đoạn dài Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường, người cùng thời với ông khi còn ở Huế. Và thẳng thắn khẳng định "Bài thơ Đưa em về nhận mặt quê hương của Lê Viết Tường không biết có bị đánh giá là buồn u ám hay không, nhưng thuở ấy sinh viên chuyền nhau chép vào sổ tay. Rồi sau đó một tờ báo của T.Ư Đoàn đăng lại.... Có những sự thật không thể né tránh...Tuổi trẻ sẽ ứng xử thế nào nếu ta nói với họ quê nhà hôm nay không còn khó khăn và nghèo đói?...Điều này thật xa lạ với tuổi trẻ khi chúng ta khuyến khích nhau sống chính trực và nói lời ngay thiệt".

Giờ ngồi đây nghe chuyện để chắp nối ký ức về cuộc đời ngắn ngủi và kỳ lạ của một thi sĩ tài hoa...

Chị Lê Thị Ánh Tuyết sinh năm 1964, người làng Kim Long học xong lớp 12 không vào đại học được do vướng lý lịch nên ở nhà phụ mẹ buôn bán ở làng. "Kim Long cô gái mỹ miều", ngôi làng soi bóng xuống thượng nguồn sông Hương mướt xanh cây trái và nổi tiếng mỹ nhân thường được các vị quân vương vời vào cung. Cái mùa mưa bão năm 1985 ấy là lúc hai người gặp nhau thông qua người anh trai Tuyết là bạn thân với Tường. Lúc này anh vừa tốt nghiệp lên nhận công tác tại Sở Văn hóa thông tin tỉnh Đắk Lắk được hơn 1 năm. Năm 1986 Tường về Huế cưới Tuyết, rồi đưa người vợ trẻ lên Buôn Mê Thuột xin việc.

Tôi hình dung từ những lời kể trầm lắng sau lớp ngày tháng mờ nhòe dằng dặc của người đàn bà mà xuân sắc còn lưu dấu. Mấy tháng sau ngày cưới, Tuyết bị ốm một trận kinh hoàng. Nửa tháng nằm viện, mấy đồng tiền cưới thi sĩ Tường dốc hết cứu vợ, cuối cùng là tháo bán chiếc nhẫn cưới. Thuốc cầm máu ngày ấy đắt lắm. Thuốc tây rồi cũng bó tay, chỉ còn chờ chết thì may đâu gặp được thang thuốc cây rừng của đồng bào. Đến khi ấy mới hay rằng Tuyết đã mang bầu và bị động thai...

Chuyện lần đầu kể về người 'Đưa em về nhận mặt quê hương' ảnh 1

Bên vợ con và người thân Lê Viết Tường trước ngôi nhà xưa - ảnh Nam Cường

Lê Viết Tường tức tốc đưa vợ về Huế. Suốt hơn ngày trời trên chiếc xe đò cà khổ chạy bằng than, Tuyết bị say xe nôn thốc tháo. Một ông khách khó tính ngồi gần bị "dính mảnh" đã phản ứng gay gắt, khiến anh chồng trẻ hoảng sợ, quýnh quáng xé vội cuốn sổ tay thơ lấy giấy lau chùi cho ông ta. Rồi khi đưa vợ xuống xe, anh bỏ quên luôn cuốn sổ thơ dầy cộp lưu toàn bộ sáng tác của mình...

Ngày vợ sinh con, Tường lại bắt xe về. Bé gái Lê Kim Phượng chào đời ngày 13/5/1987. Nhưng rồi vết thương của Tuyết có vấn đề phải khâu lại mấy lần. Chị Tuyết nhớ lại, lúc đã rơi vào trạng thái lơ mơ vì mất nhiều máu, chị vẫn nhớ cảnh anh Tường rút máu của mình đổi cho người khác để có máu thích hợp truyền cho vợ...

Ngày đầy tháng con gái, Tường lại nghỉ phép bắt xe về. Đặt tên cho con, vui vẻ với bạn bè, dự định 3 ngày sau sẽ lên lại Đắk Lắk... Nhưng rồi cái đêm định mệnh 12/6/1987 nhằm 17/5 âm lịch thi sĩ bước xuống sông Hương tràn trề ánh trăng để không bao giờ trở lại... Và thật kỳ lạ, hôm đó cũng chính là sinh nhật tuổi 27 của anh ngày 12/6/1960.

Nhưng ít ai biết đầy đủ câu chuyện phía sau. Chị Tuyết kể, liên hoan với bạn bè xong, chiều ấy anh Tường tranh thủ đạp xe lên Kim Long giúp bên nhà vợ dọn vườn đốn tre. Như bao lần anh vẫn thường lên vườn cặm cụi dọn dẹp, trồng cây trồng hoa, cái nết chăm chỉ chịu khó ấy được gia đình bên vợ rất thương. Khu vườn Kim Long cũng là nơi anh và bạn bè thi ca thân thiết thường ngồi, những Phương Xích lô, Phạm Tấn Hầu, Lê Công Doanh, Trần Bá Đại Dương,...

Lúc đạp xe về ngang qua Bến Me đã chừng 7 giờ tối, thấy nhiều người đang tắm, trăng lại sáng đẹp. Anh dừng lại cởi áo xuống sông... Những người tắm cùng thấy lâu anh không lên bèn hô hoán nhau đi tìm, mãi sau mới phát hiện anh dạt vào nằm ở một bụi cây gần bờ. Có lẽ do người đang mệt, mồ hôi ra nhiều nên bị cảm lạnh đột ngột hay vọp bẻ. Gia đình trong đêm đi tìm khắp, sáng hôm sau mới có người biết chạy đến báo tin...

Sau khi anh Tường ra đi, chị Tuyết ở nhà phụ bán cà phê cho chị gái. Mấy năm sau, có người mách Trường Cao đẳng nghệ thuật Huế đang tuyển sinh. "Không biết mình có năng khiếu mỹ thuật không mà lại thi đậu". Ra trường về dạy môn mỹ thuật ở trường Tiểu học Phú Xuân I vùng đầm phá Phú Vang cách nhà hơn 20 cây số. Vậy mà cũng được hơn 20 năm, cho đến khi nghỉ hưu. Con gái Kim Phượng lớn lên tốt nghiệp Khoa CNTT Đại học Khoa học Huế, rồi về dạy ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Điền cách nhà 15 cây số. Phượng hiện sống ở nhà chồng cũng là một thầy giáo quen từ thời sinh viên, với hai đứa con xinh xắn một trai một gái...

*

Thi sĩ Lê Vĩnh Tài ở Đắk Lắk trong tùy bút mang tên Rồi mọi thứ vụt qua như gió... viết đã rất lâu, hồi tưởng: "Mỗi mùa mỗi hoa. Mỗi thời một loài thi sĩ... Nhà thơ Lê Viết Tường tìm được những vinh danh gì ở những chân trời trong bài trường ca in nửa trang báo Nhân Dân, trong những câu thơ tài hoa những ngày mưa lũ cao nguyên mờ mịt?... Những câu thơ của những ngày gian khó, làm thơ như một nghĩa cử của cuộc đời. Những tài hoa một thời của một vùng đất đỏ đã thành mây gió...".

Nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai, học trước Lê Viết Tường 4 khóa ở Huế kể, "Lê Viết Tường là đàn em nhưng là niềm tự hào của Đại học Tổng hợp Huế thời ấy, có mình. Mình nhớ ra trường đi làm mấy năm mới gặp Tường, hồi mình sang Buôn Mê Thuột công tác. Vợ chồng trẻ ở một căn nhà là cái...xà lim của nhà giam cũ, sau là di tích lịch sử. Hôm sau có một cuộc đi chơi, cái thác gì đấy mình rủ vợ chồng Tường đi. Và đấy là hình ảnh một cặp chim cu thứ thiệt. Có đoạn Tường cõng vợ khi qua những hòn đá hoặc nước. Cho tới lúc ấy mình chưa thấy ai chiều vợ như Tường, và cũng khổ như Tường... Vài năm sau nghe tin cái chết bi thảm những cũng ngạo nghễ của Tường. Hồi ấy liên lạc không như bây giờ, nên nghe tin tức là cũng phải nửa năm rồi thì phải...".

Nhà thơ Phùng Tấn Đông trong bài viết trên Sông Hương, ngậm ngùi: "Mấy năm sau ngày Lê Viết Tường mất, tôi về Đắk Lắk, ghé Sở Văn hóa, nơi Tường công tác, anh em chỉ về phía một góc cơ quan, còn lại mấy cái xoong nhôm sứt mẻ của vợ chồng Tường, một đống báo cũ nghe nói của vợ chồng thi sĩ dùng để dán bao bì đem bỏ chợ cho các bà nội trợ gói hàng... Xốn xang trong tôi một khúc hát về đường chân trời của tin yêu và khát vọng..."

Gần như mọi sáng tác của Lê Viết Tường hiện đã mất, nên khi nhóm chúng tôi xúc tiến in một tập thơ riêng đầu tiên đầu tay của anh kỷ niệm 35 năm ngày mất, thì dường như tay trắng. Mày mò tìm kiếm trên mấy tuyển tập, sách, báo, gom góp thơ Tường chép tay gửi tặng bạn bè tản mát từ mấy mươi năm trước và cả từ trí nhớ để có thể "phục hồi" chân dung thơ của một thi sĩ tài hoa yểu mệnh. Từ những bạn thơ đồng môn đồng lứa, thân thiết với Tường, những Trần Thùy Mai, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Phạm Đương, Lê Vĩnh Tài, Văn Công Hùng, Đặng Bá Tiến, Trần Thị Huyền Trang, Phùng Tấn Đông, Trần Bá Đại Dương, Phạm Tấn Hầu, Hồ Đăng Thanh Ngọc và nhiều bạn học cũ. Để rồi sau mấy tháng mới có thể "phục hồi" lại được gần ba chục bài, với những Khúc hát đường chân trời, Những người đi tìm nước, Bên mộ Nguyễn Du, Là than, Chùm quả trong vườn, Câu chuyện bông hồng vàng, Về những con đường trong lòng bàn tay tôi,... từng khiến nhiều người thuộc nhớ.

Dòng Hương buồn mấy trăm năm/Nên khi vui nước cũng thăm thẳm màu (thơ Lê Viết Tường). Thời gian thấm thoắt những vạn ngày dài, cuộc chia ly đành đoạn. Quân nhược bất ẩm tửu/Tích nhân an tại tai. Hỏi người không uống rượu, hồn ở đâu bây giờ?

3/2022

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.