Cứ mỗi khi Quốc hội họp giá xăng lại giảm, liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là biện pháp linh hoạt của hai Bộ trưởng trước thềm phiên chất vấn? Rồi ông Đương chất vấn, “Quốc hội họp thì giá xăng dầu giảm nhưng sau đó lại tăng vùn vụt”? Và tất nhiên cả hai vị Bộ trưởng thời đó là Vũ Huy Hoàng và Vương Đình Huệ đều thẳng thắn rằng “không có chuyện linh hoạt ở đây” và khẳng định giá xăng dầu phải được điều hành theo NĐ 84. “Đúng là cứ Quốc hội họp, giá xăng lại giảm. Anh em trong tổ điều hành giá cũng nói vui là giá Quốc hội họp suốt thì khỏe”, người đứng đầu ngành tài chính khi đó thừa nhận.
Kể lại câu chuyện trên để thấy, sáng Quốc hội họp, chiều xăng tăng giá như vừa qua hẳn là chuyện “lạ”? Lạ so với thông lệ nhưng thực ra đó là chuyện bình thường, bởi trong nền kinh tế thị trường giá cả nói chung và giá xăng nói riêng luôn có quy luật riêng độc lập của nó, ắt không liên quan gì tới chuyện Quốc hội họp hay không họp, càng không thể là ý chí chủ quan của ai đó.
Nhưng chuyện giá xăng đột ngột tăng tổng cộng trên ba ngàn đồng chỉ trong vòng nửa tháng qua, các ĐBQH lẫn hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước lại thấy lạ ở mấy điểm sau: Giá xăng tăng cùng thời điểm Petrolimex công bố lợi nhuận quý I/2015 lên đến 461 tỷ đồng; ngày 20 - 21/5 giá xăng dầu thế giới đã giảm, nhưng Việt Nam lại tăng; thế giới điều chỉnh từng ngày, còn Việt Nam lại kéo dài tới 15 ngày; vẫn kém công khai minh bạch, vẫn tăng nhanh - giảm chậm…
Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp, nhiều ĐBQH cho rằng đã đến lúc Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng, các ngành hàng do nhà nước quản lý thì cố gắng không nên để lợi nhuận tăng bằng cơ chế giá. “Việc điều chỉnh giá xăng dầu được cơ quan liên bộ đưa ra trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khi thẩm định đúng mới cho phép điều chỉnh giá. Mặt khác, việc tăng giá cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được đưa vào kiểm toán nhà nước hàng năm” - ông Thụ nói.
Đúng vậy, với loại hàng thiết yếu phải chịu sự quản lý giá chặt như xăng dầu, lãi khủng tới ngót 500 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 quý thì lý gì phải dồn dập tăng giá gây sốc đến vậy ? Người tiêu dùng đâu có thể gửi kiến nghị giảm giá luôn xoành xoạch tới liên bộ (cả nhanh và dễ ?) như các tập đoàn nhập khẩu xăng dầu kiến nghị tăng giá ? Chính vì vậy, không ai khác chính các bộ ngành này phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bởi họ chính là “công bộc” của dân, họ sinh sinh ra là để phục vụ dân.