Chuyện lạ ở V-League: Một CLB có... 15 ông bầu
> Hà Nội đăng cai ASIAD 18 năm 2019
Trong khi các đội bóng khác đang lao đao vì tiền thì Thanh Hóa vẫn sống khỏe. Theo tiết lộ của bầu Đệ thì đội bóng của ông không phải quá lo về vấn đề kinh tế là nhờ có tổng cộng tới 15 nhà tài trợ.
Ông nghĩ sao khi ngày càng có nhiều ông bầu tính bỏ bóng đá?
Đó là chuyện dễ hiểu bởi thời buổi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên các ông bầu không thể cứ ném tiền vào bóng đá như trước. Thêm vào đó nhiều ông bầu làm bóng đá không phải vì tình yêu mà để kiếm dự án, kiếm bất động sản, nay những món này không còn thì họ bỏ.
Vậy bầu Đệ làm bóng đá vì cái gì?
Tôi làm giàu ở xứ Thanh nên muốn cống hiến lại chút gì đó cho tỉnh nhà. Bóng đá là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thanh Hóa. Tôi làm bóng đá để cuối tuần người dân quê tôi được tới sân cháy hết mình cùng đội bóng quê hương?
Vậy là bầu Đệ không làm bóng đá vì mục đích cá nhân?
Anh nhìn thì thấy thôi. Nếu làm để PR cho doanh nghiệp của mình thì tôi đã gắn chữ Hợp Lực vào tên đội bóng như bao ông bầu khác. Ngoài việc không gắn tên doanh nghiệp của mình vào tên đội bóng, tôi còn không để bất cứ biển quảng cáo nào của Hợp Lực trên SVĐ Thanh Hóa.
Hiện tại các CLB tại V-League đang lao đao về vấn đề tài chính, tình hình của Thanh Hóa ra sao?
Không rủng rỉnh nhưng Thanh Hóa không phải quá lo về chuyện kinh tế. Chúng tôi có đủ ngân sách để sống khỏe ở mùa giải 2013.
Bí quyết nào giúp Thanh Hóa có được nền tảng tài chính ổn định như vậy?
Thanh Hóa sống khỏe là nhờ có nhiều nhà tài trợ, có thể nói tính ra giờ đội bóng có tới 15 ông bầu vì có tới 15 doanh nghiệp đầu tư tiền. Tôi luôn tâm niệm đội bóng không phải là tài sản riêng của cá nhân mà là tài sản chung của xứ Thanh, chính vì vậy tôi đã kêu gọi UBND tỉnh cũng như các doanh nghiệp trong tỉnh cùng đứng ra hỗ trợ tiền nuôi đội bóng. Mỗi doanh nghiệp góp không nhiều nhưng với số tiền mà 15 doanh nghiệp cùng góp lại thì CLB cũng đủ kinh phí để hoạt động tốt.
Ông làm thế nào để có thể thuyết phục các doanh nghiệp cùng đứng ra góp tiền nuôi đội bóng?
Trước tiên mình phải cho họ thấy đội bóng không phải là công cụ phục vụ mục đích cá nhân của riêng mình, đồng thời bản thân phải có uy tín. Đặc biệt, việc chi tiêu phải luôn minh bạch, rõ ràng, không tư lợi. Đến thời điểm này tôi có thể khẳng định mình không bỏ túi một xu nào của đội bóng. Ở CLB Thanh Hóa tôi không có phòng làm việc riêng, mỗi khi ký hợp đồng với cầu thủ tôi luôn dắt thẳng họ tới phòng kế toán làm việc, không tơ hào gì. Thực sự để các doanh nghiệp tin tưởng, bỏ tiền cùng mình nuôi đội bóng là điều không hề đơn giản.
Không phải quá lo về vấn đề tiền bạc, Thanh Hóa có tuyển quân rầm rộ?
Chúng tôi không mua bừa bãi, ném tiền qua cửa sổ, thấy thực sự cần thì mới mua. Mới đây Thanh Hóa đã chiêu mộ Đặng Văn Robert, hiện đang thử việc vài ngoại binh, nếu thấy thực sự được và giá cả hợp lý thì sẽ ký hợp đồng.
Không mua sắm rầm rộ, xem ra ông không nuôi tham vọng vô địch V-League?
Làm bóng đá thì ai chẳng muốn vô địch, tuy nhiên, phải luôn biết thực lực của mình tới đâu. Mục tiêu của Thanh Hóa ở mùa giải 2013 vẫn chỉ là trụ hạng mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quỳnh Cao
Infonet