"Chuyện lạ" ở khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà xuống cấp, thang máy hỏng cả năm không có tiền sửa, vỉa hè nứt toác...là thảm cảnh diễn ra nhiều năm tại chung cư tái định cư Vĩnh Hoàng thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là tình trạng xảy ra tại nhiều chung cư tái định cư, gây tâm lý bất an với người dân trong diện phải di dời giải phóng mặt bằng...

Xuống cấp, nhếch nhác

Một vòng quanh khu nhà tái định cư CT2 và CT3 Vĩnh Hoàng, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhóm PV Tiền Phong chứng kiến tình trạng xuống cấp tại đây. Vỉa hè bao quanh tòa nhà sụt lún, nứt từng mảng. Rêu và cỏ mọc lởm chởm. Khu vực nhà đựng rác hoen ố, cửa sắt gỉ nhoèn hôi hám khiến nhiều người bịt mũi không dám lại gần.

"Chuyện lạ" ở khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng ảnh 1

Nhiều hộ dân phản ánh bức xúc với phóng viên Tiền Phong chiều ngày 25/8

Anh Thân Anh Tú, trú tại phòng 607 CT2 cho biết, gia đình anh sống tại đây trong cảnh nơm nớp lo sợ. Hệ thống phòng cháy chữa cháy rất lâu không thấy bảo trì nên không biết có hoạt động an toàn được hay không. Đặc biệt bức xúc phải kể đến tình trạng hoạt động của thang máy. Cả tòa nhà cao tầng chỉ có 2 thang máy mà cả năm nay 1 chiếc hỏng không ai tu sửa dẫn đến các hộ dân chỉ đi được bằng 1 thang còn lại. Anh Nguyễn Anh Tuấn, phòng 607 CT3 phản ánh, đứng trong thang máy chỉ sợ rơi bất ngờ, thang vừa rung lắc vừa kêu cọt kẹt.

"Chuyện lạ" ở khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng ảnh 2

Thang máy dừng hoạt động

Nhiều cư dân bày tỏ bất bình về chất lượng công trình khi bàn giao cho người dân không thấy có những chứng nhận về kiểm định chất lượng thang máy. Phòng sinh hoạt cộng đồng không thấy bàn giao dẫn đến các hoạt động chung của cư dân phải họp dưới nhà để xe. “Gia đình tôi chuyển về đây từ tháng 5/2018 nhưng 3 năm sau mới được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Hệ thống đường ống nước bị hỏng thường xuyên tràn ra ngoài gây bục hết cả chân tường, vôi vữa bong tróc cả mảng”, anh Thân Anh Tú phản ánh.

Dân kêu không thấu!

Ông Nguyễn Đắc Quýnh, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 32-33 phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Nhiều năm qua nhiều người dân sinh sống tại hai tòa nhà tái định cư CT2 và CT3 liên tục kiến nghị đến cơ quan chức năng về những bất cập trong vận hành và quản lý khu căn hộ nhưng không được các cơ quan hồi âm kịp thời.

"Chuyện lạ" ở khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng ảnh 3

Hạ tầng nhếch nhác

Cụ thể, các hộ dân đã ký đơn gửi Ban quản lý các Công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị các nội dung như: Hệ thống thang máy từ năm 2018 đến nay chưa được kiểm định; từ tháng 1/2021 không có đơn vị đến bảo dưỡng. Đi thang máy rung lắc, thường xuyên xảy ra lỗi kẹt thang và bị dừng hoạt động. Hệ thống phòng cháy chữa cháy thường xuyên báo cháy giả gây bức xúc cho người dân. Đại diện hàng chục hộ dân đã ký vào đơn gửi đi nhưng lại rơi vào im lặng. Nhiều kiến nghị của bà con không được giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận liên Tổ 32-33 phản ánh đã nhiều lần kiến nghị cải tạo hạ tầng xung quanh tòa nhà, bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân lấy nơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi nhưng cũng không được các cơ quan trả lời. Cũng theo bà Nga, nhiều người dân về đây sinh sống, tức là đã chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, bàn giao nơi ở cũ của mình. Vậy mà khi đến đây lại lâm vào cảnh sống lay lắt như thế này. Chính sách về nhà tái định cư như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều hộ dân cho biết đã liên hệ với đơn vị quản lý trực tiếp và được giải thích rằng, do số lượng cư dân chuyển về ở chưa đạt 50% trên tổng lượng căn hộ nên chưa thành lập được Ban quản trị. Điều đó dẫn đến chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% cho đại diện các hộ dân là Ban quản trị để có tiền tu sửa tòa nhà, các hạng mục dùng chung. Việc tu sửa tòa nhà trong thời gian này phải dùng ngân sách và thủ tục khá phức tạp!

Ông Phạm Hữu Tiến, Giám đốc Ban quản lý Các công trình nhà ở và Công sở, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay chưa nắm được thông tin về tình trạng xuống cấp tại khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng! “Tôi sẽ kiểm tra lại bộ phận hành chính, công văn”, ông Tiến nói. Cũng theo ông Tiến, Ban đang quản lý 20 tòa nhà tái định cư thuộc diện chưa thành lập được Ban quản trị. Với những chung cư chưa thành lập được Ban quản trị khi cần sửa chữa, thay thế trang thiết bị thì phải dùng ngân sách, lập dự toán trình lên đến tận thành phố phê duyệt và thường “có độ trễ”. Hiện nay thành phố chưa ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt các khoản chi này. Quản lý đang thực hiện theo Quyết định 18 của UBND thành phố và Thông tư 124 của Bộ Tài chính. Việc thành lập Ban quản trị, quy định với nhà thương mại và tái định cư giống nhau, phải đủ 50% đại diện chủ sở hữu đến ở mới đủ điều kiện tổ chức Hội nghị để thành lập Ban quản trị. “Chúng tôi cũng muốn làm nhanh, nhưng lại đang phải chấp hành các quy định của pháp luật”, ông Tiến nói.

Đại diện Ban quản lý Các công trình nhà ở và Công sở cho hay, trách nhiệm cải tạo, sửa chữa các hạng mục bên ngoài căn hộ như cầu thang, thang máy, hành lang... thuộc về chủ sở hữu căn nhà và áp dụng cả với nhà thương mại và nhà tái định cư như nhau.

Khu nhà tái định cư Vĩnh Hoàng được xây dựng từ năm 2008 và đã có 10 năm phục vụ công tác tạm cư. Từ 2017-2018, bắt đầu tiếp nhận các hộ dân tái định cư khi nhà nước lấy đất mở rộng đường vành đai 2 như Đại La, Minh Khai...Tòa CT2 hiện có 57/102 căn hộ đang được sử dụng gồm 44 căn tái định cư và 13 căn tạm cư với khoảng hơn 230 nhân khẩu. Nhà CT3 có 45 hộ dân tái định cư đang sinh sống và cũng gặp nhiều vướng mắc như tại tòa CT2.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, thực tế quy định tòa nhà tái định cư khi nào đạt đủ 50% đại diện chủ sở hữu là người dân mới tổ chức Hội nghị thành lập Ban quản trị bộc lộ nhiều bất hợp lý. Tòa nhà chung cư tái định cư có bao nhiêu người về ở, có bao nhiêu đại diện chủ sở hữu là vấn đề thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, về cơ quan giải phóng mặt bằng. “Cho dù chỉ có 1 hộ dân tái định cư chuyển về ở thì việc đảm bảo quyền lợi cho họ như thang máy, điện nước, vệ sinh...đều phải được triển khai. Khi có sự cố, hỏng hóc thì thủ tục trình ký phê duyệt cần được cải thiện theo hướng rút gọn để kịp thời xử lý những yêu cầu hàng ngày của người dân. Thang máy bị hỏng đóng cửa cả năm là không chấp nhận được và cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này!”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội kiến nghị.

Hàng trăm người dân tại khu tái định cư Vĩnh Hoàng nhiều năm không an cư ở ngay chính căn nhà tái định cư! Và điều này cũng đã và đang xảy ra tại nhiều khu tái định cư khác của thành phố Hà Nội. Hy vọng những kiến nghị của người dân tái định cư Vĩnh Hoàng sẽ sớm được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm!

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…