Đây không phải lần đầu HLV Anoush Dastgir tới Việt Nam. Cách đây 5 năm, tháng 11/2017, ông đã có mặt ở Mỹ Đình trong trận đấu giữa Afghanistan và Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2019. Đó cũng là trận ra mắt của HLV Park Hang-seo, và Văn Toàn là người mở tỷ số phút 67 trước khi Hasan Amin gỡ hòa khiến trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1.
Hôm ấy Dastgir ngồi trên băng ghế huấn luyện với tư cách trợ lý cho HLV Otto Pfister, người sẽ chia tay ĐT Afghanistan vào năm 2018 và giới thiệu ông vào chiếc ghế HLV. Dĩ nhiên LĐBĐ Afghanistan đồng ý, bởi hầu hết đều biết không ai phù hợp hơn Dastgir.
Sinh ra ở thủ đô Kabul năm 1989 nhưng không lâu sau, Dastgir được bố mẹ đưa sang Pakistan, Ấn Độ rồi định cư tại Hà Lan để trốn khỏi cuộc nội chiến dai dẳng. Bố của Dastgir trở lại tái thiết quê hương năm 2001 còn ông tiếp tục ở lại Hà Lan nhằm phát triển sự nghiệp bóng đá. Thật không may, chấn thương đầu gối đã khép lại đời cầu thủ của Dastgir. Với phẩm chất lãnh đạo sẵn có, tất cả đều khuyên ông chuyển sang nghiệp huấn luyện.
Anoush Dastgir là một trong những HLV trẻ nhất thế giới khi dẫn dắt Afghanistan từ năm 28 tuổi. (Ảnh: AFC) |
Lần đầu tiên Dastgir đóng vai HLV ĐTQG Afghanistan là năm 2016. HLV trưởng không đến vì còn tranh chấp hợp đồng. Vì vậy các đồng đội đều nhìn về Dastgir, muốn ông trở thành HLV của họ. Afghanistan thua nhưng cả đội đã có màn trình diễn tốt dưới sự chỉ đạo của Dastgir. Khi Otto Pfister tới, ông được chọn làm trợ lý. Và khi HLV người Đức rời đi như đã nói, Dastgir trở thành một trong những HLV trẻ nhất thế giới khi mới 28 tuổi.
Bây giờ ở tuổi 32, Dastgir vẫn rất trẻ, thậm chí ít tuổi hơn 3 học trò trong đội. Tuy nhiên những năm dẫn dắt ĐT Afghanistan khiến ông già trước tuổi. Hồi tháng 11 năm ngoái khi phóng viên của New York Times gặp gỡ Dastgir, ông bị cảm lạnh nặng vì làm việc quá tải. Vài tháng trước Taliban tái chiếm Kabul khiến Afghanistan rơi vào hỗn loạn. Dastgir phải lục tung cả thế giới để tìm học trò. Có những người đang mắc kẹt ở Afghanistan, có người ở trại tị nạn Qatar hoặc Hà Lan, Thụy Điển.
Gom được quân, Dastgir phải đau đầu tìm đối thủ. Ông gọi điện nhiều nơi và cuối cùng thuyết phục được Indonesia tham gia vào trận giao hữu. Do cuộc khủng hoảng ở quê nhà, tài khoản ngân hàng của Liên đoàn đã bị đóng băng. Dastgir lại thuyết phục FIFA hỗ trợ tài chính cho chuyến đi tới Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi diễn ra trận đấu, sau đó hỗ trợ xin visa, tìm nguồn xét nghiệm COVID-19.
Dù thiếu thốn trăm bề, ĐT Afghanistan vẫn tập luyện với đầy ắp tiếng cười. (Ảnh: NY Times) |
Riêng Dastgir phải tự vận chuyển đống đồ tập nặng hơn 2 tạ, đồng thời thuyết phục anh rể phụ giúp đánh rửa dụng cụ, giặt giũ trang phục. Không có đội ngũ truyền thông, ông tự quảng bá trận đấu trên trang mạng xã hội cá nhân và thương lượng quyền phát sóng để người dân Afghanistan có thể xem trận đấu. Ông cũng kiêm luôn cả quay phim, chụp hình bằng điện thoại của mình rồi đưa lên Instagram, bởi nhân viên chụp ảnh của đội đã trốn sang Bồ Đào Nha.
Tất nhiên Dastgir vẫn phải dành phần lớn thời gian để huấn luyện và giao tiếp với các cầu thủ. Đó là tập hợp những người Afghanistan lưu vong ở khắp nơi trên thế giới. Không chỉ dạy họ chơi bóng, Dastgir phải cố gắng truyền tải ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Ông muốn dùng bóng đá để mang lại những tích cực cho đất nước.
Các cầu thủ Afghanistan tri ân người hâm mộ sau chiến thắng 1-0 trước Indonesia. (Ảnh: NY Times) |
“Bóng đá phải tiếp tục và đội tuyển cần được duy trì, bởi nó là biểu tượng của sự thống nhất. Vấn đề của Afghanistan là sự xung đột và chia rẽ. Với đội tuyển, chúng tôi muốn thể hiện rằng những người Afghanistan hoàn toàn có thể đoàn kết lại”, Dastgir nói.
Trận đấu với Indonesia ở Antalya, có 600 người Afghanistan có mặt để cổ vũ thầy trò Dastgir. Hồi đội tuyển chơi ở Iran, những người Afghanistan đang tị nạn ở đây đã bán cả điện thoại để có tiền đi xe bus và mua vé vào sân. Tình yêu với bóng đá không bao giờ nguội lạnh dù đất nước của họ đã tan vỡ.
Đây chính là một phần trong giấc mơ lớn của Dastgir. “Ước mơ của tôi là làm cho người dân Afghanistan cảm thấy tự hào. Với đội tuyển, họ có một cái gì đó để nói, để chia sẻ với thế giới”, ông cho biết.