Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 3

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 3
TP - Nhiều người biết đến Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã góp phần đem lại thắng lợi vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Song, chuyện danh tướng này đã từng có thời kỳ “xuống tóc, đi tu”, có lẽ còn ít người biết.

>> Kỳ 2: Tình láng giềng giữa gia đình các vị tướng
>> Kỳ 1: “Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự

Văn Tiến Dũng là người Hà Nội gốc, sinh cùng năm với Cách mạng Tháng Mười Nga (1917). Quê ông xưa nổi tiếng với cái tên kẻ Noi, nay là xã Cổ Nhuế (Từ Liêm).

Nhà nghèo, không ruộng đất, mẹ mất sớm, cậu bé họ Văn theo cha ra Hà Nội. Cha cậu cũng thuộc dạng “tứ cố vô thân”, xoay xở mãi mới xin được chân “gác dan” (gardier: bảo vệ, gác cổng) ở nhà thương Phủ Doãn (Bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội bây giờ - PV).

Qua tuổi thơ ấu, bằng những đồng tiền chắt chiu của cha, Văn Tiến Dũng trở lại quê theo học tại Đông Ngạc, cách nhà 3 cây số. Hằng ngày, cậu phải dậy từ sáng sớm, đem theo một nắm cơm cộng chút muối vừng để ăn trưa vì phải học hai buổi.

Biết phận nhà nghèo nên Văn Tiến Dũng hết sức chịu khó học hành, bất kể mưa nắng, gió bão, bao giờ cậu cũng có mặt sớm nhất tại lớp học.

Nhưng đến năm 15 tuổi, cha đột ngột qua đời, Văn Tiến Dũng đành phải bỏ học, ở nhà trợ giúp cho anh làm nghề thợ may. Dẫu không đến lớp, nhưng Văn Tiến Dũng vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi, mua sách về tự học thêm các môn Lịch sử, Pháp văn, Văn học...

Nhằm bớt gánh nặng cho anh chị, 17 tuổi, Văn Tiến Dũng xin anh cho ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt Thanh Văn (Hàng Đào), sau chuyển sang xưởng Đức Xương Long, Cự Chung (Hàng Bông). Hàng ngày cậu phải làm việc 10 giờ bất kể Chủ nhật, có hôm bị chủ ốp làm tới 12 giờ.

Cũng chính trong những ngày tháng gian lao, cực nhọc này, Văn Tiến Dũng được giác ngộ và bước chân vào cuộc đời cách mạng, nhanh chóng trở thành một chiến sĩ xuất sắc.

Tháng 7/1939, Văn Tiến Dũng bị Pháp bắt, nhưng do không có bằng chứng nên chúng buộc phải thả ra sau 3 ngày giam giữ. Hai tháng sau, Văn Tiến Dũng lại bị bọn thực dân bắt giam, bị kết án 2 năm tù về tội tàng trữ tài liệu, sách báo, tuyên truyền các khẩu hiệu của Đệ tam Quốc tế và gây rối trị an.

Tháng 11/1939, Văn Tiến Dũng cùng một số chiến sĩ cách mạng bị Pháp đày đi nhà tù Sơn La. Vượt qua mọi gian nguy, hà khắc của nhà tù thực dân, hai năm sau, trên đường bị địch áp giải từ Sơn La về Hà Nội để đưa vào trại tập trung, Văn Tiến Dũng đã nhanh trí trốn thoát.

Ngay sau khi thoát khỏi tay giặc, Văn Tiến Dũng tìm mọi cách bắt liên lạc với Trung ương mà đại diện là “Anh to đầu” – người thợ in Nguyễn Văn Đáng, tức Trần Đăng Ninh, một trong những cán bộ kiệt xuất của Đảng. Chẳng ngờ, chỉ ít lâu sau, “Anh to đầu” bị bắt và Văn Tiến Dũng bị mất liên lạc hoàn toàn với tổ chức.

Đời cách mạng, đau khổ nhất là bị cắt đứt liên lạc với đồng chí, đồng đội. Trong cái giá lạnh của từng đợt giá rét cuối đông 1941, nỗi nhớ nhà, nhớ anh chị, làng xóm chợt trỗi dậy trong lòng người chiến sĩ trẻ sau hơn 2 năm xa cách, song Văn Tiến Dũng phải dằn lòng, nén nhịn nỗi nhớ mong bởi anh vừa trốn thoát, đang bị địch truy lùng, sơ hở một chút là bị bắt, ảnh hưởng tới người thân...

Không thụ động ngồi chờ, Văn Tiến Dũng quyết định rủ Nguyễn Tiến Lãng – Cũng là một chiến sĩ hoạt động tích cực trong thời kỳ 1936 - 1939, chưa bị lộ tung tích – về Hà Đông để vừa gây dựng phong trào và chờ dịp nối liên lạc với Trung ương.

Vì Lãng rất giỏi nghề thợ mộc nên hai người sắm vai hai anh thợ mộc đi về các làng xóm sửa chữa vặt các đồ gỗ, đồng thời khéo léo tuyên truyền cách mạng. Hai người lang thang hết làng này xóm khác. Nhiều lúc đói quá chẳng lần ra được gì cho vào miệng, Lãng lại ngâm nga: “Tứ hải mong mang vô hữu dung thân chi địa” (Bốn bể bao la mà sao ta không có đất dung thân)...

Mãi rồi Văn Tiến Dũng cũng tìm được công việc làm mướn cho một bà cụ chuyên bán hàng ở chợ Nứa (mỗi tháng 6 phiên, làng Đoan Nữ, Mỹ Đức, Hà Tây). Trẻ tuổi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát lại rất trung thực nên Văn Tiến Dũng được bà chủ rất tin yêu.

Lúc rảnh rỗi, Văn Tiến Dũng rủ con trai bà chủ la cà vào trong xóm kết bạn với đám trai làng cho đến khi thân thì lựa lời giác ngộ họ. Chẳng bao lâu sau, chi bộ Đảng vùng này được thành lập và lan sang cả làng bên (Vĩnh Lạc).

Không những thế, Văn Tiến Dũng còn “thu phục” được một “thầy” Lý trưởng của làng Vĩnh Lạc tên là Nguyễn Viết Bảng thường gọi là Lý Bảng. Qua tìm hiểu, Văn Tiến Dũng được biết Lý Bảng vốn xuất thân từ trung nông lớp dưới, cũng có chút vốn văn hóa, tính tình phóng khoáng, bướng bỉnh nên đã từng bị quan trên quở trách về tội không chịu thi hành lệnh triệt để.

Nhiều khi, Lý Bảng còn tỏ ra là người có tâm huyết, thích thơ văn yêu nước và ghét thực dân Pháp... Văn Tiến Dũng đã nhiều lần đàm đạo với Lý Bảng về tình hình đất nước và những chủ trương, chính sách cứu nước, cứu dân của Việt Minh.

Cuối cùng, cả gia đình Lý Bảng đã trở thành một cơ sở vững cho cách mạng và cũng chính Lý Bảng làm nòng cốt cho sự ra đời của Ủy ban Việt Minh ở làng Vĩnh Lạc.

Sau một thời gian làm mướn cho bà cụ chủ hàng, Văn Tiến Dũng cảm thấy chỗ này không được ổn vì đã có một hôm lính tuần của huyện ghé vào quán, may mà Văn Tiến Dũng nhanh nhẹn lách theo cửa ngách thoát phía sau giáp sông Đáy.

Anh nghĩ, phải tìm một vị trí nào đó yên tĩnh, kín đáo hơn để che mắt tụi mật thám. Văn Tiến Dũng liền cùng với Lý Bảng bàn bạc suy tính mấy hôm liền. Cuối cùng hai người nhất trí không có nơi nào tốt hơn nhà chùa.

Lý Bảng sốt sắng bắt tay vào việc “đạo diễn” cho Văn Tiến Dũng trở thành “nhà sư”. Mấy hôm sau, Lý Bảng hớn hở tới đưa Văn Tiến Dũng ra ngoài đồng, quan sát ngôi chùa có tên là Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Tây).

Chùa cách chỗ ở cũ không xa lắm, vị trí rất thuận tiện chỉ có một mặt dựa vào làng, ba mặt kia trông ra đồng trống, lại đúng lúc trong chùa không có sư trụ trì.

Văn Tiến Dũng đã bí mật về chùa Quán Sứ (Hà Nội) mua một số kinh- chuyện, trong đó có cuốn Khóa tụng hàng ngày (song ngữ Hán và quốc ngữ). Do thông minh, chịu khó, nên “ông sư” trẻ Văn Tiến Dũng nhanh chóng trang bị được vốn kiến thức đủ để tụng kinh, gõ mõ qua mặt được tất thẩy con mắt dòm ngó...

Trong hồi ức của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại: Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, ngày “nương cửa Phật” đã đến. Từ nhà anh Bảng đi ra, qua một cánh đồng, tôi chui vào một lùm cây rậm rạp, trút nhanh bộ quần áo thường, mặc bộ nâu sồng nhà chùa, bịt khăn che tóc.

Tới chùa, tôi đủng đỉnh đi vào cổng, miệng “Nam mô A di đà Phật”. Bữa ấy nhằm ngày rằm. Anh Bảng đã “đạo diễn” trước, mời được một số hào lý trong làng và các vãi tới thắp hương lễ Phật.

Trước đông đảo mọi người, tôi trang nghiêm đứng lên tự giới thiệu là người của Hội Phật giáo đã đi qua đây một vài lần, trông thấy cảnh hương lạnh khói tàn mà tâm không an, nay muốn xin dân làng ngôi chùa này tu sửa lại làm nơi thờ phụng và truyền bá đạo Phật.

Dân làng nghe nói vui lòng làm giấy cúng chùa ngay. Khi các hào lý và các vãi ra về hết, cổng nhà chùa đã đóng, Lý Bảng mới bò ra cười. Anh lột khăn, lấy dao cạo trọc đầu cho tôi.

Từ sau bữa đó, ngày ngày tôi cũng giảng kinh niệm Phật, cũng gõ mõ, gióng chuông..., chiều chiều cũng ra làm vườn, cuốc đất, cần cù và thầm lặng như tất cả những nhà tu hành khổ hạnh khác (Lúc đó Văn Tiến Dũng vừa tròn 25 tuổi- PV).

Các cụ, các ông bà trong làng, mỗi khi đi làm đồng qua đều chào vọng vào một cách kính cẩn. Nhân dân Bột Xuyên rất có thiện cảm với nhà sư. Các vị hào lý trong làng thường ra thăm trò chuyện. Chỉ duy những cô gái là tinh nghịch hơn hết. Các cô nhòm nhòm, ngó ngó, rồi làm ra vẻ buồn bã, chép miệng: “Sư ông tân thời, răng trắng quá! Tuổi còn trẻ thế kia, không biết giận đời nỗi gì mà đi tu cho nó phí”.

Mấy hôm sau, tôi phải nói với anh Bảng: “Kiếm giúp cho mình cái gì để bôi răng cho nó nhuôm nhuôm đi, kẻo chỉ vì răng mà có khi hỏng việc...”.

Cũng đúng vào lúc đó, các báo chí ở Hà Nội đưa tin: Liên Xô đang bắt đầu phản công lớn trên mặt trận Xta-lin-grát. Phấn khởi biết bao! Từ đó, “ông sư tân thời” đã dễ dàng đi lại giữa các làng xã để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động, gây cơ sở trong quần chúng...

Thấm thoắt, một cái Tết âm lịch nữa lại đến gần. Đêm 30 Tết (1942), sau khi bàn bạc, nhận định tình hình, các cán bộ khác ra về, còn lại một mình trong cảnh chùa cô tịch, ngước nhìn lên tượng Phật uy nghi, đức độ, nhà cách mạng trẻ lòng tràn đầy xúc cảm trước đêm giao thừa, đã viết bài thơ Xuân dưới bóng từ bi, trong đó có những đoạn:

“Nơi cửa Bồ đề ta đón Xuân

Hỏi Xuân, Xuân có biết cho chăng

Non sông đang phủ màu tang tóc

Cùm xích vui gì hỡi Chúa Xuân?

Đầu trọc, răng đen, thụ sắc không

Cuộc đời chiến đấu mượn nâu sồng

Hồi chuông cứu nước vang sông núi

Tiếng mõ lay hồn họa diệt   vong...”

(Còn nữa)

Trong đêm giao thừa, giữa khói hương nghi ngút, “nhà sư” trẻ “đầu trọc, răng đen” ấy đâu có ngờ rằng chỉ một thời gian sau, cuộc đời mình lại gắn bó với một “thiếu nữ Hà thành” cũng “nương nhờ” nơi cửa Phật!

Kỳ 4: “Bắc cô nương” và “lá thư tỏ tình” thời chiến

Ghi chép của Mạnh Việt

MỚI - NÓNG