Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, lý do không thể điều chuyển bến xe Lương Yên về bến xe Cổ Bi vì bến xe này chưa được xây dựng. Vậy nên, sau khi họp với các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội Vận tải, Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn phương án 2 là điều chuyển toàn bộ các lượt xe về ba bến hiện có. Theo đó, những ngày tới, Sở GTVT sẽ thực hiện điều chuyển toàn bộ các lượt xe – tương đương 346 “nốt” đang hoạt động tại bến Lương Yên về ba bến xe, gồm: Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa.
Theo phương án điều chuyển trên, đến trước 26/7, bến xe Gia Lâm sẽ tiếp nhận 127 nốt xe, với 3.733 lượt xe/tháng của 17 tuyến đang chạy đến các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang. Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 168 nốt, với 4.610 lượt xe/tháng của 40 tuyến đang chạy đến các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Hải Dương, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Trị, TPHCM… Bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 47 nốt xe, với 1.400 chuyến/tháng của 9 tuyến đang chạy đến các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn.
Hạn chế trùng giờ, chồng lấn tuyến
Cùng với đưa ra phương án trên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng vừa ký văn bản số 756 báo cáo UBND thành phố Hà Nội về thời gian và việc thực hiện điều chuyển. Theo đó, trước khi đưa ra phương án trên, trong các ngày từ 10 đến 22/6, Sở GTVT đã tổ chức các cuộc họp với đại diện các DN vận tải đang hoạt động tại bến Lương Yên; Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và các sở ngành có liên quan trên địa bàn Hà Nội. Các buổi họp đều thống nhất với chủ trương di dời các tuyến vận tải từ bến xe Lương Yên về các bến xe khách trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, lãnh đạo Sở GTVT cũng thông tin: “Hiệp hội Vận tải Hà Nội đại diện cho các đơn vị vận tải có kiến nghị, việc di dời các tuyến vận tải ra khỏi bến xe Lương Yên cần được thực hiện càng sớm, càng tốt và trước ngày 27/6 nhằm giúp DN ổn định kinh doanh, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Cho ý kiến về việc điều chuyển trên, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT lưu ý thêm, trước khi điều chuyển Sở GTVT cần rà soát thời gian biểu chạy xe để hạn chế thấp nhất việc trùng, chồng chéo giờ xe xuất bến với các tuyến đang hoạt động ổn định tại các bến tiếp nhận lượt xe chuyển đến. “Cần nghiên cứu thêm việc sắp xếp, điều chuyển đối với các tuyến Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng đảm bảo phù hợp với hướng tuyến để giảm ùn tắc giao thông trên đường”, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT đề nghị.
Bến xe Lương Yên được thành lập năm 2004 theo hình thức xã hội hoá. Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay bến có 38 tuyến xe khách với 356 nốt của 52 DN vận tải chạy đi 20 tỉnh, thành phố. Đến nay, do nhu cầu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ quản bến xe là Cty TNHH MTV lương thực Lương Yên (Tổng Cty Lương thực miền Bắc) đã có đề xuất với UBND Hà Nội được dừng hoạt động của bến xe kể từ ngày 26/7.