Chuyện hai nhà tình báo dưới một mái nhà

Chuyện hai nhà tình báo dưới một mái nhà
Trong căn phòng 212 – B1 tập thể Trung Tự (Hà Nội), có một cặp vợ chồng già người miền Nam sinh sống. Hai cụ rất hiền lành, tốt bụng, luôn gương mẫu và hăng hái tham gia vào công việc xã hội.

Năm nay, cả hai cụ đều bước vào tuổi 76. Hàng xóm chỉ mang máng các cụ ngày xưa từng tham gia kháng chiến, rồi nghỉ hưu và về đây an hưởng tuổi già, chứ không ai ngờ được rằng đó là hai chiến sĩ tình báo: Đại tá Lê Văn Trọng - Đại úy Phạm Thị Điểm mà đời tư của họ đầy hy sinh, mất mát hiếm thấy…

Lê Phương sinh ra và lớn lên trên đất  Ninh Hòa – Khánh Hòa, Lê Phương tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ tuổi. Mới 17 tuổi năm 1946, Lê Phương đã bị địch bắt tống giam vào đại lao, bị “xơi” những trận đòn nhừ tử, nhưng Lê Phương vừa gan lỳ, vừa khôn khéo nên địch không khai thác được gì đành phải thả vì không có bằng chứng. Ra tù, Lê Phương tìm cách liên lạc với đồng đội và tiếp tục hoạt động suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Hòa bình lập lại. Năm 1954, Lê Phương lên đường tập kết ra Bắc. Mùa thu năm 1963, sau khi tốt nghiệp khóa chính trị Trung, Cao cấp, Lê Phương bỗng được lệnh gấp rút nhận “nhiệm vụ đặc biệt”. Sau một khóa huấn luyện đặc biệt, tại căn phòng nhỏ ấm cúng, đồng chí Cục trưởng và trưởng phòng điệp báo nội trang trọng giao nhiệm vụ cho Lê Phương: “Nhiệm vụ của đồng chí là xây dựng và lãnh đạo một mạng lưới điệp báo tại Vùng I chiến thuật ngụy. Thu thập tin tức tình báo chiến lược phục vụ công cuộc xây dựng bảo vệ miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Địa bàn trải dài từ Đà Nẵng – Huế đến vĩ tuyến 17 – giới tuyến quân sự tạm thời…”.

Vào một ngày cuối thu 1963, tạm biệt Thủ đô, Lê Phương vượt Trường Sơn Đông tới chiến trường Quảng Nam. Với tấm căn cước giả đóng dấu son đỏ chót của cảnh sát đô thành Sài Gòn, Lê Phương đóng vai một thương gia, ở chung nhà với viên thư ký cảnh sát đồn Hoàng Hoa Thám suốt mấy năm trời mà địch không mảy may biết chút gì. Sau khi đã tạo được vỏ bọc chắc chắn, Lê Phương đã xây dựng và củng cố được một mạng lưới điệp báo thông suốt từ Đà Nẵng ra Huế, Đông Hà - Quảng Trị, thu thập được nhiều tin tức tình báo có giá trị để chuyển ra Trung tâm.

Trong số cơ sở mà Lê Phương gây dựng, có mẹ Tăng Thị Đương và con gái là Trà Thị Thanh Tâm. Tâm là một cô gái duyên dáng nhưng rất gan dạ và thông minh. Tình yêu nảy nở giữa chiến sĩ tình báo và cô giao liên Trà Thị Thanh Tâm. Được Trung tâm chấp thuận, ngày 12/10/1967, hai người tổ chức lễ cưới và đôi vợ chồng – chiến sĩ tình báo tiếp tục hoạt động dưới vỏ bọc “Nhà dạy cắt may y phục Thanh Tâm” ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng.

Chuyện hai nhà tình báo dưới một mái nhà ảnh 1
Lê Phương năm 1972 tại Sài Gòn

Tháng 6/1968, khi Thanh Tâm đang mang thai đứa con đầu lòng được 7 tháng, thì bị bọn địch bắt vì chúng nghi ngờ Thanh Tâm tuyên truyền cộng sản cho một số học sinh theo học cắt may. Dù bị tra tấn, Thanh Tâm quyết không khai. Không tìm được bằng chứng kết tội, địch buộc phải thả Thanh Tâm. Ngày 1/8/1968, Thanh Tâm sinh một con trai kháu khỉnh đặt tên là Lê Văn Hùng.

Giữa Tết Kỷ Dậu 1969, Lê Phương nhận được lệnh từ Trung tâm: “Nhanh chóng bàn giao cơ sở cho B54. Về ngay Trung tâm chỉ đạo”. Do tính chất của công việc, Lê Phương đành giấu mẹ, vợ và đứa con mới 7-8 tháng tuổi, lên đường trở ra Bắc. Đó là một đêm lạnh giá, đợi cho vợ con đã ngủ say, Lê Phương tần ngần ngắm nhìn người vợ trẻ đang ôm đứa con bé bỏng trong lòng rồi gạt nước mắt ra đi. Anh không thể nào ngờ được rằng, đó là lần cuối cùng trong đời, anh được nhìn gương mặt những người thân yêu ấy.

Cục trưởng chỉ thị: “Mục tiêu của đồng chí đảm nhiệm lần này là “tấn công” Bộ Quốc phòng ngụy. Công việc này không chỉ đòi hỏi lòng dũng cảm mà phải hết sức khôn khéo thận trọng. Đồng chí phải mau chóng thu xếp lên đường, hành quân bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Phải hết sức đề phòng vì bọn Hải quân Mỹ kiểm soát rất ngặt nghèo. Địa điểm đổ bộ là Nha Trang”.

Lê Phương xuống Hải Phòng, trong vai ngư dân, xuống thuyền máy xuất phát. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên biển cả, Trịnh Hà (tên mới của Lê Phương), đã đổ bộ an toàn lên Nha Trang và ngay sau đó, trong bộ quần áo sang trọng, xách cặp da, Trịnh Hà nhanh chóng thâm nhập Sài Gòn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Trịnh Hà đã tạo dựng được vỏ bọc khá vững trong vai một nhà giáo, thuê nhà trên đường Minh Mạng quận Phú Nhuận rồi bắt tay ngay vào xây dựng các đầu mối, cơ sở ngay trong Bộ Quốc phòng ngụy.

Mùa đông 1971, trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra Nha Trang để bắt liên lạc với giao thông viên từ Hà Nội vào, Trịnh Hà bị địch bắt tại một trạm kiểm soát.

Ở ngoài Hà Nội, Trung tâm cực kỳ sốt ruột vì bỗng dưng Trịnh Hà mất tích. Trung tâm quyết định cử nữ tình báo giao thông Sáu Dung vượt Trường Sơn để đi tìm Trịnh Hà. Sáu Dung là một nữ chiến sĩ cực kỳ gan dạ và tháo vát, đã vượt Trường Sơn, vượt biển Đông ra Bắc vào nam như một con thoi để chuyển giao những tin tức, tài liệu tình báo quan trọng.

Chị vốn quê Bình Sơn – Quảng Ngãi – một trong cái nôi của cách mạng miền Nam, tham gia cách mạng từ rất sớm, làm cán bộ phụ nữ huyện. Chồng Sáu Dung là Lê Long Châu, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Vợ chồng đã có 2 con nhưng đều gửi ông bà nuôi giùm để tham gia hoạt động. Cuối năm 1954, khi Sáu Dung bắt đầu mang thai đứa con thứ 3, theo sự sắp xếp, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Sáu Dung một mình lên đường tập kết ra Bắc, con gửi lại cho bố mẹ nuôi.

Tháng 7/1955, Sáu Dung sinh con trai thứ 3 trên đất Bắc. Sau khi đã trải qua nhiều công tác dân sự, năm 1965, Sáu Dung được tuyển chọn làm tình báo giao thông Bắc – Nam. Ngày 10/10/1968, trong khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Sáu Dung đã bị địch bắt và bị giam tại nhà tù Nhơn Trạch – Biên Hòa. Sau hơn 1 tháng bị giam giữ, tra tấn tàn khốc, Sáu Dung vẫn không hé răng nửa lời. Không kết tội được, ngày 21/11/1968, bọn địch buộc phải thả Sáu Dung và liền sau đó, Sáu Dung tìm đường ra Hà Nội để báo cáo và nhận nhiệm vụ mới.

Lần này Sáu Dung đã đột nhập Nha Trang tới điểm hẹn rồi vào tận Sài Gòn để tìm kiếm Trịnh Hà nhưng vẫn không nắm bắt được bất kỳ tin tức gì dù là nhỏ nhoi.

Trong lúc đó, tại nhà giam chi cảnh sát quận Thủ Đức, bọn địch đang dùng mọi  cực hình tra tấn hòng bắt Trịnh Hà khai nhận. Hơn chục ngày liền, nhưng người chiến sĩ tình báo kiên trung vẫn chỉ một mực “nhận tội” là sử dụng chứng minh giả để trốn quân địch. Một bữa, có tên cảnh sát lân la gần Trịnh Hà và đưa cho anh một giấy của Tổng nha Cảnh sát ghi: “Phòng Yểm trợ Tổng Nha cảnh sát phúc đáp công văn số… căn cước của Trịnh Hà về phẩm chất cũng như lý lịch hoàn toàn giả mạo. Tuy nhiên, đây là căn cước giả loại mới. Chúng tôi giữ lại để nghiên cứu và gửi đến Quý Tòa khi Quý Tòa yêu cầu…”.

Trịnh Hà nghĩ thầm, may quá, bọn chúng vẫn không phát hiện được đây là căn cước do tình báo ta làm giả. Biết tên cảnh sát nọ có ý định moi tiền, Trịnh Hà liền nháy mắt, tên cảnh sát liền nhanh nhẹn gật đầu. Sau đó ít lâu, Trịnh Hà bị truy tố ra Tòa án Gia Định. Ngày 5/8/1972, Tòa sơ thẩm Gia Định đã mở phiên tòa xét xử Trịnh Hà về tội sử dụng căn cước và công chứng thư giả, phạt “45 ngày tù ở” và chịu án phí 50 đồng, chưa kể tốn phí bản án. Cái giá của bản án đó là 5 chỉ vàng và 80 ngàn đồng bạc cho mấy tên cảnh sát và thẩm vấn viên, chưa kể tiền thuê luật sư và đút lót một số tên khác.

Khi Trịnh Hà được phóng thích, thì cũng là lúc Sáu Dung vượt biển Đông lần thứ 3 vào Sài Gòn để tìm đồng đội. Trên Đại lộ Trần Hưng Đạo, Sáu Dung đang chậm chạp đi về nơi hộp thư cố định. Sau một câu mật khẩu nhẹ nhàng, họ lướt qua nhau như không hề quen biết. Đường dây liên lạc giữa Trung tâm và Trịnh Hà chính thức được nối lại. Sáu Dung ra Bắc báo cáo toàn bộ tình hình cho Trung tâm.

* * *

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trong đoàn cán bộ tình báo theo chiến dịch có Sáu Dung. Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Hòa chung niềm vui của toàn dân tộc, Sáu Dung và Lê Phương gặp nhau giữa Sài Gòn mừng mừng tủi tủi. Họ nắm tay nhau mà không cầm được nước mắt. Giây phút bồi hồi xúc động dần lắng xuống, họ ngồi tâm sự bên nhau.

Lúc đó, Sáu Dung mới kể về gia cảnh mình: hai con của chị độ này vẫn chưa biết sống chết ra sao vì kể từ 1954, Sáu Dung không hề được thăm lại các con. Còn chồng chị, anh Lê Long Châu đã bị địch bắt và tra tấn tới chết ở trong tù. Còn Lê Phương, tình cờ năm 1973, anh đọc được một bài báo của một ký giả phương Tây viết về sự hy sinh anh dũng của vợ Trà Thị Thanh Tâm.

Lần đó, vào ngày 21/6/1973, Trà Thị Thanh Tâm nhận một nhiệm vụ tại Sài Gòn. Khi ra đi, Thanh Tâm bế cả con trai lúc đó mới 5 tuổi theo cùng. Do đã bị theo dõi từ Đà Nẵng, Thanh Tâm bị địch bắt tại Sài Gòn. Bọn địch nhốt cả hai mẹ con vào nhà tù và chúng đánh đập Thanh Tâm cực kỳ dã man cho đến chết. Sau đấy, cụ Tăng Thị Đương phải vô Sài Gòn đón đứa bé mồ côi về nuôi. Đây là vành khăn tang thứ 3 mà mẹ Đương đeo trên đầu. Trước đó, con trai mẹ là Trà Thanh Tá và con gái là Trà Thị Thanh Minh cũng đã anh dũng hy sinh.

Cảnh ngộ đã đưa hai chiến sĩ tình báo ngày càng gần nhau. Biết chuyện của hai người, anh em, đồng đội trong Trung tâm rất thương cảm và tìm cách vun đắp nhân duyên cho hai chiến sĩ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho cuộc kháng chiến vĩ đại. Và hai thương binh, hai cựu binh bị địch bắt tù đày, hai chiến sĩ tình báo ấy đã dùng phần đời còn lại để sưởi ấm cho nhau. Lễ cưới của họ được tổ chức giản dị nhưng hết sức đầm ấm và có cả những giọt nước mắt cho những liệt sĩ đã khuất.

Giờ đây, Đại tá tình báo Lê Văn Trọng – Lê Phương – Trịnh Hà - Lê Hiền và nữ Đại úy tình báo Sáu Dung – Phạm Thị Điểm vẫn sớm hôm bên nhau, sẻ chia từng bát cơm, chén nước…

MỚI - NÓNG