Chuyên gia y tế giải thích lý do vì sao không uống rượu bia sau tiêm vắc xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.

Trong Quyết định 3588 về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành ngày 26/7, Bộ Y tế lưu ý người được tiêm vắc xin sau khi tiêm cần thiết luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.

Ngoài ra, không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vắc xin COVID-19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.

Tuy nhiên, CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.

Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.

Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm. Bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

Người đi tiêm cũng cần bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ bởi sau tiêm cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống nước từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.

Nên ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.

Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.

Những việc nên làm trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

  • Giữ cho cơ thể đủ nước

Nước giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe con người. Thường xuyên uống nhiều nước giúp máu lưu thông tốt, cung cấp đầy đủ oxy đến các tế bào giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn. Nước không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho các tế bào, mà còn giúp các tế bào loại bỏ độc tố và các nguyên nhân gây bệnh một cách tự nhiên.

Theo Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine), phụ nữ cần uống đủ 2,7 lít nước mỗi ngày, nam giới cần 3,7 lít. Khoảng 20% nước đến từ thức ăn, lượng nước còn lại cần được bổ sung đều trong ngày và phân bố đều trong 4 thời điểm: sau khi thức dậy đến giữa buổi sáng, giữa sáng đến trưa, giờ ăn trưa đến giữa buổi chiều, giữa chiều đến giờ ăn tối.

  • Ăn thực phẩm nguyên hạt

Nhiều cuộc khảo sát về chế độ dinh dưỡng của người dân trong mùa dịch cho thấy, lượng tiêu thụ các thực phẩm chế biến giàu đường, chất béo tăng cao trong mùa dịch. Các nhà dinh dưỡng cho rằng, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến chứa chất phụ gia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Cụ thể, người ăn nhiều thực phẩm chế biến có nguy cơ cao gây béo phì, viêm miễn dịch và kháng insulin, dẫn đến xơ gan, suy gan, rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch.

Thói quen ăn uống lành mạnh giữ vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa COVID-19. Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, bắp,… bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày.

  • Chuẩn bị sẵn sàng thức ăn sau khi tiêm vắc xin

Một số người sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể xảy ra phản ứng buồn nôn. Để đề phòng tình huống này, cần chuẩn bị sẵn một số thực phẩm dễ tiêu hóa như: sốt táo, súp rau, gạo lứt, dưa, khoai tây… Tránh mang những thức ăn khó tiêu như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên, thức ăn có đường như kẹo hay bánh nướng. Lưu ý uống đủ nước, đến khi cơn buồn nôn giảm bớt hãy tiếp tục ăn thực phẩm tươi, nguyên chất.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.