Bắt đầu từ tháng 7, dịch bệnh COVID-19 ở Bình Dương trở nên phức tạp, địa phương này đã được Trung ương phân bổ nhân lực chi viện, trong đó có GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ. Ông Sỹ được giao nhiệm vụ cố vấn chuyên môn, chủ trì hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại khoa Hồi sức tích cực, trực tiếp chỉ định điều trị cho bệnh nhân, đào tạo cho các bác sĩ và điều dưỡng làm việc tại khoa Hồi sức tích cực COVID-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Qua thời gian thực tế chăm sóc, điều trị và chủ trì hội chẩn chuyên môn, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ chỉ ra 5 phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đạt hiệu quả.
Cụ thể, yếu tố thứ nhất đó là dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch cần thiết phải có một nhân viên y tế chuyên ngành về dinh dưỡng để hỗ trợ cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc thực hiện chế độ dinh dưỡng chung cho từng nhóm bệnh nhân theo tình trạng bệnh và theo bệnh nền sẵn có (suy tim, tiểu đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, bệnh phổi mãn tính).
Đối với bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, thở máy, lọc máu, chạy thận cần phải có bác sĩ dinh dưỡng hỗ trợ cho các bác sĩ điều trị về việc chỉ định dinh dưỡng toàn thân theo nhu cầu năng lượng tối thiểu phù hợp với tình trạng bệnh đi kèm (nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, hôn mê do tiểu đường mất bù).
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ (giữa) đang làm nhiệm vụ tại Bình Dương |
Yếu tố thứ hai là tâm lý bệnh nhân. Theo GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, tại các nơi điều trị cần có nhân viên y tế chuyên ngành về tâm lý trị liệu để hỗ trợ người bệnh trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm giúp người bệnh giảm lo âu, giảm stress và có niềm tin vào việc điều trị khỏi bệnh; đây cũng là cơ hội để người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể nắm bắt thông tin về quá trình điều trị, diễn tiến bệnh và gửi gắm niềm tin vào đội ngũ cán bộ y tế thông qua vai trò của các nhân viên tâm lý liệu pháp.
Yếu tố tiếp theo mà GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ cho rằng rất quan trọng, đó là giấc ngủ bệnh nhân. Theo đó, cần có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế trong việc quan tâm đến vai trò giấc ngủ trong điều trị F0 nặng, nguy kịch thông qua vai trò của tâm lý liệu pháp, hướng dẫn chăm sóc hỗ trợ giấc ngủ thông qua các biện pháp giảm stress, trấn an tâm lý, tránh những yếu tố làm nặng thêm tình trạng rối loạn giấc ngủ của người bệnh; hỗ trợ điều hòa giấc ngủ bằng các liệu pháp y học cổ truyền dân tộc, thư giãn liệu pháp và tập thở.
Vấn đề thứ tư là quan tâm đến hệ vận động bệnh nhân. Tại nơi điều trị cần có một cán bộ y tế chuyên ngành về vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để tập phục hồi cho những bệnh nhân chuẩn bị cai máy thở, bệnh nhân đã được cai máy thở, bệnh nhân nằm điều trị lâu ngày nhằm tránh nguy cơ yếu cơ, cứng khớp và thuyên tắc mạch máu do nằm lâu và thiếu vận động.
Theo chuyên gia y tế Dương Quý Sỹ, yếu tố thứ 5 trong liệu pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch là chăm sóc vệ sinh thân thể và cá nhân. Hiện nay, trong quy trình chăm sóc người bệnh thiếu một thành tố quan trọng đó là đội ngũ nhân viên y tế làm công tác hộ lý – y công.
Ông Sỹ cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc phòng chống lây nhiễm khiến người bệnh không nhận được sự hỗ trợ từ người chăm sóc là những người thân trong gia đình như bệnh thông thường. Do đó, việc bổ sung lực lượng nhân viên làm công tác hộ lý – y công là rất cần thiết. Lực lượng này cũng là người kết nối thông tin giữa bệnh nhân với gia đình và thông tin giữa người bệnh, gia đình với y bác sĩ và điều dưỡng.