Chuyên gia tâm lý 'gỡ rối' cho học sinh về quấy rối tình dục

Chuyên gia tâm lý 'gỡ rối' cho học sinh về quấy rối tình dục
TPO - Hình thức quấy rối rất đa dạng từ cái liếc mắt đưa tình, huýt sáo, nói về bộ phận tình dục mà bản thân người khác không sẵn sàng lắng nghe. “Khi những hành động quấy rối đơn giản (huýt sáo, liếc mắt…) mà bỏ qua thì chúng ta sẽ không biết cách xử lý trong những tình huống nghiêm trọng hơn".

Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới năm 2021 từ ngày 15/11 - 15/12, dự án Song Yến phối hợp cùng các đơn vị tổ chức buổi talkshow “Hiểu rồi thương” nhằm chia sẻ các kiến thức liên quan đến thực trạng quấy rối tình dục và “bạo lực hẹn hò” trong lứa tuổi học đường đến các bạn trẻ.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm, ThS. Nguyễn Anh Khoa, giảng viên ngành Tâm lý học, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho rằng quấy rối tình dục là hành vi liên quan đến giới tính làm người khác khó chịu, bao gồm: lời nói hay không lời nói, bằng hành động và gây ra nhiều ảnh hưởng về sinh lý và tâm lý cho người khác. Chẳng hạn như buông ra lời nói “con bé này ngon quá”, những lời trêu đùa hay nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó của người khác… Đối với cộng đồng LGBTQ+ dễ bị kì thị, những lời lẽ đó cũng được coi là quấy rối tình dục.

Chuyên gia tâm lý 'gỡ rối' cho học sinh về quấy rối tình dục ảnh 1

Rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến chủ đề mà mình có thể gặp phải bất cứ lúc nào trong quá trình học tập, trưởng thành.

Chuyên gia tâm lý 'gỡ rối' cho học sinh về quấy rối tình dục ảnh 2

Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ trao đổi trực diện những vấn đề "khó nói" của người trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, giảng viên khoa Y, Đại học Duy Tân, hành vi này xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhiều đối tượng. Hình thức quấy rối rất đa dạng từ cái liếc mắt đưa tình, huýt sáo, nói về bộ phận tình dục mà bản thân người khác không sẵn sàng lắng nghe. “Khi những hành động quấy rối đơn giản (huýt sáo, liếc mắt…) mà bỏ qua thì chúng ta sẽ không biết cách xử lý trong những tình huống nghiêm trọng hơn”, BS. Quỳnh Anh chia sẻ. Cũng theo vị chuyên gia này, người trẻ có thể tự bảo vệ bản thân từ việc hiểu về cơ thể mình, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ gì, đồng thời tự nâng cao kiến thức về quấy rối tình dục bằng việc đọc sách, tham gia talkshow, mạnh dạn chia sẻ để được người khác hỗ trợ.

Đồng tình với BS. Quỳnh Anh, ThS. Anh Khoa khuyên các nạn nhân hãy thể hiện thái độ khó chịu, phản ứng lại hành động đó chứ không nên bỏ đi, bỏ qua. “Nếu bỏ mặc cam chịu, nạn nhân càng khiến những kẻ quấy rối tiếp tục thực hiện hành động đó nhiều hơn”, ThS. Nguyễn Anh Khoa nói và cho rằng người thân, bạn bè cần quan tâm lắng nghe, trấn an họ để người bị hại cảm thấy an toàn, che chở. Các bạn nữ có thể nhờ sự can thiệp, tư vấn của cô giáo, còn nam giới có thể tìm đến các thầy, hoặc liên hệ phòng tâm lý học đường, các tổ chức hỗ trợ (vắc xin tinh thần).

TS. Nguyễn Văn Tường, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM cho rằng trong bất cứ môi trường nào cũng có thể gặp những người quấy rối tình dục, từ nơi làm việc, nhà vệ sinh công cộng, cơ sở làm đẹp... “Chúng ta cần sự chuẩn bị về tâm lý. Khi một số người không tin mình, chúng ta có thể tìm đến các trung tâm, các dự án để được hỗ trợ. Cần phản ứng lại, phản ứng mạnh mẽ để cảnh cáo, truyền cho các đối tượng xấu thông điệp “tôi biết hành vi của anh, nhưng tôi không muốn làm lớn chuyện, tôi sẽ ngăn cản hành vi của anh”, TS. Tường đưa lời khuyên.

Chia sẻ một số cách để các bạn nữ bảo vệ bản thân trước hành động quấy rối tình dục của nam giới, các chuyên gia tâm lý cho rằng các bạn hãy thể hiện thái độ khó chịu, dùng ngôn ngữ cơ thể để phản kháng đồng thời tìm sự hỗ trợ từ xung quanh, không nên đi một mình khi qua chỗ tối, vắng vẻ. Mặt khác, nếu có điều kiện thì nên học võ, tập thể thao, sử dụng các dụng cụ như chai nước, nước rửa tay dạng xịt, chìa khóa để đối phó những kẻ xấu…

Theo bạn Nguyễn Thành Gia, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (quản lý dự án Song Yến), dự án là nơi tập hợp những bạn sinh viên có cùng đam mê tình nguyện, góp sức cho cộng đồng trong việc hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức khoa học tâm lý đến gần hơn với các bạn học sinh THPT, sinh viên.

“Hơn hết, chúng tôi muốn trao quyền cho các bạn trẻ thông qua những kiến thức khoa học về giới và bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, tầm quan trọng của việc nhận dạng hành vi quấy rối và cách phòng chống quấy rối tình dục, từ đó ngăn ngừa những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tinh thần của các bạn trẻ”, Thành Gia chia sẻ chương trình “Hiểu rồi thương”.

Một số địa chỉ cần thiết hỗ trợ khi bạn trẻ gặp phải những vấn đề quấy rối tình dục, bạo lực hẹn hò:

-Phòng y tế ở trường học

-Trung tâm Bảo vệ bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình tỉnh/ thành phố

-Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản

-Trung tâm công tác xã hội, bảo vệ trẻ em tỉnh/ thành phố

-Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em (hotline: 111)

-Phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện

-Đơn vị sản phụ khoa, đơn vị nam khoa

-Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên – CSAGA (hot line: 024.3333.55.99)

MỚI - NÓNG