Chuyên gia Mỹ nghi ngờ vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc, Nga

TS Anthony Fauci
TS Anthony Fauci
TPO - TS Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, vừa nêu quan ngại về tính an toàn của vắc-xin COVID-19 đang được Trung Quốc và Nga phát triển. 

Nhiều công ty Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đua phát triển vắc-xin toàn cầu, còn Nga cho biết họ hy vọng sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vắc-xin vào sử dụng trong cộng đồng, với mục tiêu là vào tháng 9 tới. 

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 31/7, TS Fauci nhận được câu hỏi rằng liệu Mỹ có thể sử dụng vắc-xin của Trung Quốc và Nga nếu họ tung ra thị trường trước hay không. Ông Fauci nói rằng điều này khó có thể xảy ra. 

“Tôi hy vọng rằng người Trung Quốc và người Nga thực sự thử nghiệm vắc-xin trước khi họ cung cấp cho bất kỳ ai. Tuyên bố vắc-xin đã sẵn sàng để tung ta thị trường trước khi thử nghiệm, tôi nghĩ điều đó có vấn đề”, TS Fauci nói. 

“Chúng ta đang tiến rất nhanh. Tôi không tin sẽ có vắc-xin hoàn thành trước chúng ta và chúng ta phải phụ thuộc vào nước khác để nhận được vắc-xin”, ông nói. 

Tháng trước, báo chí Trung Quốc đưa tin một loại vắc-xin do hãng CanSino Biologics điều chế đang được dùng để tiêm cho quân đội nước này. Đây là vắc-xin đầu tiên được cấp phép sử dụng trên người, dù mới chỉ ở quy mô dân số hạn chế. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nêu quan ngại về đạo đức y khoa vì vắc-xin chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. 

Hai công ty Trung Quốc khác là Sinovac và Sinopharm đã triển khai giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở Brazil và UAE.

Là nước đầu tiên có dịch COVID-19 và cũng đã khống chế gần như hoàn toàn, Trung Quốc giờ phải tiến hành thử nghiệm vắc-xin ở nước khác để có đủ số người tham gia. 

Các cuộc thử nghiệm ở Brazil và UAE sẽ được theo dõi sát sao vì Trung Quốc từng có nhiều vụ bê bối liên quan đến vắc-xin và y tế. 

Năm 2018, hơn 200.000 trẻ em được tiêm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván giả, khiến một số trẻ bị liệt. 

Nga, quốc gia từng đi đầu thế giới về điều chế vắc-xin trong thời kỳ Liên Xô, đang có kế hoạch tung ra 2 loại vắc-xin COVID-19 vào tháng 9 và tháng 10 tới. 

Loại đầu tiên do Viện Gamaleya hợp tác với Bộ Quốc phòng nghiên cứu và phát triển, còn loại thứ hai do phòng thí nghiệm nhà nước Vektor điều chế. 

Nga chưa công bố số liệu khoa học nào để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của 2 loại vắc-xin này.

Tuy nhiên, ông Kirill Dmitriev, giám đốc quỹ tài sản tài trợ cho các thí nghiệm của Gamaleya, nói với CNN rằng việc ra mắt vắc-xin của viện này sẽ là “khoảnh khắc Sputnik”. Sputnik là vệ tinh đầu tiên của thế giới được Nga phóng vào năm 1957. 

Ba vắc-xin COVID-19 của phương Tây đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. 

Một loại là sản phẩm của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna và Viện Y tế quốc gia; một loại của ĐH Oxford và hãng dược Anh AstraZeneca; loại cuối cùng là của hãng dược Đức BioNTech và hãng dược Mỹ Pfizer. 

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG