Chuyên gia Mỹ: Bầu Kiên - niềm tin 'đánh sập' thị trường?

Chuyên gia Mỹ: Bầu Kiên - niềm tin 'đánh sập' thị trường?
Chuyên gia người Mỹ Edmund Malesky cho biết, cú sốc thị trường vào ngày 20-8 đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư về tình hình kinh tế khó khăn của Việt Nam, khiến chỉ trong vòng 20 ngày, niềm tin nhà đầu tư đã giảm một nửa.
VN-Index lao dốc thảm hại sau ngày 20-8
VN-Index lao dốc thảm hại sau ngày 20-8.

Sau gần một năm hoạt động chật vật, khó có nhà đầu tư nào quên được cơn rung chấn trên thị trường tại thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật vốn được coi là "bí ẩn" trong giới tài chính ngân hàng, bị bắt vào chiều ngày 20-8-2012.

Sự kiện này đã gây rúng động lớn không chỉ đối với chứng khoán Việt Nam mà với cả cộng đồng tài chính quốc tế, khi đánh sập chỉ số trên cả hai sàn HoSE và HNX xuống một cách thảm hại. Hàng loạt mã giảm sàn, mà ảnh hưởng nặng nề nhất là những cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng.

Trong nhìn nhận của chuyên gia kinh tế người Mỹ, TS. Edmund Malesky, đây thực sự là "một cú sốc đối với nhà đầu tư" và điều này đã được thể hiện qua nhiệt kế niềm tin doanh nghiệp.

Với một cuộc khảo sát điều tra thực hiện trên 8.177 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.540 doanh nghiệp nước ngoài (với 87% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài), TS. Edmund Malesky đã chỉ ra, có những biến động lớn trong niềm tin nhà đầu tư ngay trước và sau thời điểm gây sốc đó.

"Đây là một ngày tồi tệ và gây sốc cho lòng tin của doanh nghiệp ở trên thị trường. Trước thời điểm đó, số doanh nghiệp trả lời có kế hoạch tích cực hoặc dự định mở rộng kinh doanh trong thời gian tới vẫn cao. Song sau ngày này, quan điểm thể hiện của doanh nghiệp đã giảm hẳn." - vị chuyên gia người Mỹ đánh giá.

Theo đó, sự kiện đã góp phần đẩy mức điểm về sự lạc quan của doanh nghiệp trong năm 2012 về mức thấp nhất kể từ khi chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bắt đầu ra mắt, xuống còn 33%. Trong khi đó, kể cả vào năm 2011, là một năm hoạt động kém thì mức điểm lạc quan vẫn trên 47%.

Ông cũng cho biết thêm rằng, thực tế, điểm trung bình trước thời điểm 20/8 vẫn khá cao tức là ngang bằng điểm của năm trước - khoảng 45%. Tuy nhiên, "cú sốc" này đã gây mất niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, giảm hẳn mức độ tin tưởng vào thị trường. Những doanh nghiệp tham gia khảo sát khi trả lời cho rằng sẽ có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh trong năm tới cũng giảm hẳn, chỉ còn 24%.

"Sự kiện ngày 20/8 là một sự kiện nghiêm trọng. Điều gì đã làm suy giảm lòng tin như vậy?" và tổ chức thực hiện đã bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về quan niệm rủi ro của doanh nghiệp để xem khía cạnh nào là quan trọng nhất.

Kết quả, TS Malesky cho biết, "chúng tôi thấy rằng, những quan ngại về kinh tế vĩ mô là quan ngại chính. Hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng cú sốc liên quan đến kinh tế vĩ mô, trong khi họ lại tỏ ra không quan ngại nhiều đến những rủi ro có tính chất như bị thu hồi tài sản hay bất ổn tài chính".

Niềm tin doanh nghiệp năm 2012 sụt giảm nghiêm trọng
Niềm tin doanh nghiệp năm 2012 sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng tiết lộ, có một sự e ngại trong cộng đồng doanh nghiệp và điều này đã gây ảnh hưởng đến kết quả khảo sát. Chẳng hạn, khi đánh giá về tham nhũng, nếu như trước ngày 20/8 có 48% doanh nghiệp thừa nhận rằng có trả hoa hồng hoặc hối lộ để có được hợp đồng mua sắm với cơ quan nhà nước thì sau ngày này, các doanh nghiệp đã rất miễn cưỡng khi phải trả lời về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp đã né tránh câu hỏi, coi đây là vấn đề nhạy cảm và khiến mức độ trả lời giảm hẳn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả hoa hồng sau thời điểm 20/8 là 27% nhưng không có ý nghĩa thống kê.

Bên cạnh đó, ông khuyến cáo, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà rõ ràng là cả những nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau đều bị ảnh hưởng bởi cùng một yếu tố như thế này. Cụ thể, nhóm các doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm thấy bị tác động cao hơn cả từ sự kiện ngày 20/8 là các doanh nghiệp nước ngoài như Philipines, Italia, Malaysia...

Còn xét về kế hoạch mở rộng quy mô, sự kiện ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ không quá mạnh; tại các doanh nghiệp lớn thì mức độ ảnh hưởng tăng theo quy mô. Những doanh nghiệp nhỏ (dưới 10 lao động), tỷ lệ muốn mở rộng quy mô giảm 4,36% thì ở các doanh nghiệp vừa là 18,9% và những doanh nghiệp lớn (trên 50 lao động) thì mức giảm tới 20,99%.

Và như vậy, cú sốc thị trường trong mùa hè năm 2012 đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư về tình hình kinh tế khó khăn của Việt Nam, khiến chỉ trong vòng 20 ngày, niềm tin nhà đầu tư đã giảm một nửa - TS Malesky nhìn nhận.

Theo Bích Diệp
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG