Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói về nguyên nhân khiến Đà Nẵng “thất thủ” trước trận mưa lớn vừa qua.
Đô thị ven biển vẫn ngập sâu
Trận mưa kéo dài từ đêm 8/12 đến sáng ngày 9/12 khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng như Trưng Nữ Vương, Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng... biến thành sông, hàng loạt nhà dân bị ngập sâu, có nơi ngập 1,5m đến 2m.
Trận mưa lớn khiến nhiều tuyến phố Đà Nẵng biến thành sông, hàng loạt nhà dân bị ngập sâu.
Nhiều xe sang bị chết máy, nằm chôn chân giữa đường ngập nước.
Điều đáng nói, theo nhiều người dân nơi đây, chưa bao giờ mưa lớn mà Đà Nẵng lại ngập sâu như bây giờ. “Tui sống mấy chục năm ni, chỉ có lũ lịch sử mới khiến Đà Nẵng ngập lụt. Chứ chưa khi mô thấy mưa lớn, sau chỉ một đêm, mà Đà Nẵng đã thành sông như ri”, một người dân ở quận Thanh Khê nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng có 3 nguyên nhân khiến Đà Nẵng “thất thủ” trước trận mưa lớn vừa qua.
Nguyên nhân thứ nhất, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, mỗi một đô thị được hình thành lên phải nương tựa vào địa hình tự nhiên. Các đô thị ven biển người ta cứ nghĩ rằng nước đổ ra biển là hết làm sao mà ngập. Nhưng ở đây có một vấn đề là Đà Nẵng đã phát triển một cách bừa bãi tất cả những đường ven biển, khu ven biển đã trở thành các resort. “Khi người ta xây dựng resort thì người ta tính cao độ của họ để làm sao cho các dự án ven biển đó không bị ngập tức là họ không quan tâm đến cốt nền chung của cả đô thị”, ông Tùng nói.
Phát triển đô thị một cách tuỳ tiện, không theo quy hoạch
Nguyên nhân thứ hai là do quy hoạch thiếu sự kết nối giữa các dự án cho nên các đô thị hiện hữu, các đô thị cũ trước đây không bao giờ ngập nhưng khi phát triển một cách tuỳ tiện thậm chí là phá vỡ quy hoạch mà hệ thống thoát nước của đô thị hiện hữu lại thường tính không phải đổ ra biển mà tính là đổ ra sông từ đó trả qua rồi mới ra biển.
“Nhưng hiện nay những dòng sông như sông Hàn (Đà Nẵng) cũng đang bị khai thác quá mức, xây dựng lấn chiếm ảnh hưởng đến sự lưu thoát của dòng chảy. Hệ thống cống thoát nước trong đô thị không kiểm soát được tức là cốt nền đô thị không kiểm soát được nên cốt để thoát nước cũng không kiểm soát được”, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng có 3 nguyên nhân khiến Đà Nẵng “thất thủ” trước trận mưa lớn vừa qua.
Còn nguyên nhân thứ ba, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng là do việc phân lô, bán nền, xây dựng các dự án ở Đà Nẵng chạy theo chủ đầu tư ở Khánh Hoà cũng thế. Khánh Hoà đã bị cảnh báo từ lâu rồi. Xây dựng cao ốc, resort ven biển rất nhiều thậm chí trên núi cũng làm resort ngăn ra để làm hồ đến khi có sự cố thì hồ bục ra tạo thành áp lực nước rất lớn kéo theo đất đá nhấn chìm cả một xóm. Về vấn đề này nếu truy đến cùng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở đây chúng ta không thể chống lại được thiên nhiên. Chúng ta phải thích ứng với thiên nhiên mà muốn thích ứng với thiên nhiên thì trong phát triển đô thị phải nắm rõ địa hình thuỷ văn cấu trúc của đô thị đó. “Chúng ta phải luôn luôn đề phòng biến đổi khí hậu hiện rất phức tạp cho nên phải có nhiều kịch bản. Kịch bản ngày hôm nay nhưng phải tính được cả ngày mai. Mà để làm được điều đó thì phải có tư duy quản lý đô thị của chính quyền thành phố không phải tư duy nhiệm kỳ. 5 năm nay không lụt nhưng đến năm thứ 6 lụt thì lại thay một ông khác rồi. Đó là bài học nhãn tiền Hà Nội cũng vậy thôi,” ông Tùng nói.
Về giải pháp để hạn chế xảy ra ngập lụt sau những trận mưa lớn, vị Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề ở đây là phải tăng cường công tác quản lý đô thị trách nhiệm của chính quyền đô thị trước nhân dân.
“Phải có tầm nhìn dự án. Ở Đà Nẵng nếu sông Hàn khai thác tốt, hệ thống cống trong thành phố tốt thì chẳng bao giờ ngập cả. Khánh Hoà cũng thế làm gì có chuyện để hồ trên núi vỡ để sạt lở đất cả. Đấy là tác hại của việc phát triển nóng, phát triển không theo quy hoạch. Đó là tầm nhìn ngắn hạn của công tác quản lý đô thị”, vị này khẳng định.
Trước đó, nhận định về thảm họa lũ khiến nhiều người chết, mất tích, nhiều căn nhà bị sụp đổ tại TP Nha Trang mới đây, KTS Nguyễn Văn Lộc Hội KTS tỉnh Khánh Hòa cho rằng, TP Nha Trang như là một thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi cao, mặt trước hướng ra biển. Đây cũng là một vị thế đẹp kích thích mắt nhìn của các nhà đầu tư.
Ngày càng nhiều dự án đổ xô nhau mọc trên các tầng cao của núi, triền đồi. Dự án nào cũng muốn “tranh giành” tận hưởng cảnh quan thiên nhiên. Chính điều này đã khiến thiên nhiên có những biến chuyển, mất liên kết ổn định bề mặt trái đất.
Theo ông Lộc, chỉ riêng trên đỉnh núi Cô Tiên đã ùn tắc 15-20 dự án lớn bé mọc đan xen nhau. Thậm chí dự án của các nhà đầu tư khác nhau còn không phân định nổi ranh giới, vô cùng lộn xộn. Cả khu rừng phòng hộ cũng không thoát khỏi lưỡi cày của hàng chục máy xúc công trình.
Theo ông Lộc, việc xây dựng trên đỉnh núi hoàn toàn có thể an toàn. Tuy nhiên nếu làm đúng thì kinh phí sẽ rất lớn. Trong khi đối với các nhà đầu tư, mong muốn bỏ ít ăn nhiều là điều không hề lạ. Các dự án mọc lên trên nóc thành phố như nấm, đất rừng bị xắn ra làm đường khiến thành phố không còn khả năng chống đỡ với thiên tai.