Liên quan đến nhiều vụ việc “sập bẫy” khi đầu tư tiền ảo trong thời gian qua, giới chuyên gia kinh tế cũng như luật sư đã chỉ ra những hệ lụy, những khuyến cáo điều gì?
Trao đổi với Tiền Phong, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết: "Hiện nay, chưa có quy định pháp luật để định nghĩa tiền ảo là gì và quản lý như thế nào. Chỉ có thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không được xem tiền ảo như đồng tiền thanh toán, nếu dùng tiền ảo để trao đổi, mua bán thì là phạm pháp”.
Vị chuyên gia tài chính này nói thêm, ngoài quy định đó ra, chưa có quy định về tiền ảo, vận hành, trung tâm giao dịch… Đây là lỗ hỏng của pháp luật.
“Chính vì lỗ hỏng này mà những chương trình đầu tư tiền ảo đang nở rộ và không có một cái gì có thể kiềm chế nó được. Đến thời điểm này, việc xây dựng hành lang pháp lý quản lý tiền ảo vẫn còn là khoảng trống, chưa hoàn chỉnh. Tiền ảo vẫn là một vấn đề phức tạp”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Nói về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hiện nay chưa có một khung pháp lý nào để điều chỉnh việc mua, bán, đầu tư từ loại tiền ảo này cũng như bảo vệ quyền lợi của những người đầu tư “tiền ảo”.
Luật sư Chánh khuyến cáo, toàn bộ quá trình mua, bán các loại tiền ảo đều diễn ra trên mạng, chính vì thế mà không đảm bảo về mặt an ninh, người dùng rất dễ bị lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản, dẫn đến tình trạng bị mất tiền thật.
Ngoài ra trong giao dịch đầu tư tiền ảo, người mua thường chỉ liên lạc với chủ đầu tư thông qua mạng Internet, do đó khi xảy ra bất kì sự cố nào thì việc tìm kiếm chủ đầu tư rất khó khăn, người sở hữu tiền ảo thường là người chịu thiệt thòi.
Còn nếu bỏ tiền ra “đầu tư” theo sự kêu gọi nào đó rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo và có nguy cơ mất trắng số tiền mình đã bỏ ra.
Mặt khác, khi có tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự có sử dụng tiền ảo thì có thể bị tuyên vô hiệu do có nội dung vi phạm điều cấm của luật, các bên chỉ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận...Nhưng nếu bên có nghĩa vụ hoàn trả tiền không có khả năng thanh toán thì nguy cơ mất tài sản là rất cao.
“Còn hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng “tiền ảo” là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp việc đầu tư tiền ảo có yếu tố lừa đảo thì cơ quan Điều tra sẽ tiến hành xác minh, điều tra theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự”, luật sư Chánh cho biết.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước về tiền tệ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, tiền ảo luôn tiềm ẩn rủi ro cho người sở hữu vì tính ẩn danh cao.
Ông Minh phân tích, việc quản lý thông qua thuật toán khiến số tiền này khó bảo toàn giá trị, và dễ xảy ra bị tấn công và gây cản trở trong giao dịch. Điều quan trọng nhất là nó không chịu sự chi phối của cơ quan chính danh nào nên người sở hữu không được bảo vệ nếu có thất thoát nghiêm trọng.
“Đây là một vấn đề phức tạp, NHNN cũng đã đưa ra những quy định để khống chế nhưng phạm vi rộng nên vẫn cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác. Hiện nay chúng tôi cũng chỉ đưa ra khuyến cáo với người dân, doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này” - ông Minh khuyến cáo.
Kể từ ngày 1/1/2018 hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp bao gồm các loại tiền ảo đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Không chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, người phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.