“Chuyên gia” của những kỷ lục

“Chuyên gia” của những kỷ lục
TP - Tham dự 4 kỳ SEA Games, 3 kỳ ASIAD liên tiếp, Lưu Thị Thanh là VĐV có “thâm niên” nhất Đoàn Thể thao Việt Nam. 25 tuổi, cô chị cả của đội tuyển cầu mây nữ Lưu Thị Thanh có số phận gắn bó với trái cầu bằng những câu chuyện khó tin.
“Chuyên gia” của những kỷ lục ảnh 1

Lưu Thị Thanh (trái) và đồng đội trên bục nhận HCV

Nhắc đến Lưu Thị Thanh, người dân ở đường Nguyễn Khoái (TP Thanh Hóa) nhớ ngay: “À có phải cái Thanh lúc nào cũng ham đá cầu chứ gì, với nó chẳng có gì quan trọng bằng chuyện đá cầu”.

Hơn 10 tuổi, Lưu Thị Thanh đã thích chơi cầu, lúc đầu chỉ là “đá độ” với anh trai, hàng xóm trông thấy về “mách” bố mẹ Thanh: “Con gái gì mà chơi trò của bọn con trai”. Thế nhưng bố mẹ Thanh lại rất tôn trọng sở thích của con gái. Khi ấy trái cầu được làm bằng những mảnh vỏ lon bia buộc thêm túm lông gà.

Thanh càng chơi càng điêu luyện, đặc biệt là khoản tâng cầu. Lúc đầu vượt qua anh trai, sau đến các bạn hàng xóm và trở thành cô học sinh “siêu đá cầu” ở trường.

Chẳng thế mà khi tỉnh Thanh Hóa tổ chức giải đá cầu chinh, Lưu Thị Thanh đương nhiên trở thành đại diện của trường và giật luôn giải nhì. Chỉ có giải nhì vì lần thi đấu ấy cũng là lần đầu Thanh làm quen với quả cầu chinh thật sự, đi giày, chơi lưới chứ không phải “chân dép” và dùng quả cầu bằng lon bia như ở nhà. Sau đó, Thanh được gọi vào đội tuyển năng khiếu đá cầu của tỉnh.

Thanh tâm sự: “Tôi có thể không ăn nhưng không thể không đá cầu. Thậm chí không biết bao nhiêu lần tôi nằm mơ ngủ thấy mình đá cầu tới mức… lăn cả xuống đất. Để được xem một trận đấu hay, tôi có thể đánh đổi bất kể thứ gì”.

Hai lần suýt bỏ cầu mây

“Chuyên gia” của những kỷ lục ảnh 2
Để có những động tác tấn công ngoạn mục, Lưu Thị Thanh đã phải khổ luyện hơn 10 năm

Năng khiếu bẩm sinh, sự đam mê đã đưa Thanh trở thành VĐV chính thức của đội tuyển cầu chinh Thanh Hóa rồi thành viên của đội tuyển đá cầu Việt Nam. Năm 1996, Sở TDTT Hà Nội tổ chức thi tuyển cầu mây.

Lúc ấy môn này mới du nhập từ Thái Lan, ai cũng lạ và con đường ngắn nhất, nhanh nhất là chọn những VĐV đã giỏi môn cầu chinh để thi đấu thử. Lưu Thị Thanh đã được thuyết phục thi thử.

Khởi đầu không đơn giản như  Thanh nghĩ, trái cầu mây tròn, nặng hơn nhiều so với cầu chinh nên khi tâng cầu Thanh không thể thực hiện được. Đã có lúc Thanh tính chuyện bỏ cuộc nhưng suy đi nghĩ lại, Thanh tự nhủ “Sao nguời khác làm được mà mình lại không”.

Vậy là lại lao vào luyện tập và cùng với Thúy Vinh, Trần Thị Vui, Lưu Thị Thanh có tên trong bộ “tam cô nương” đầu tiên của cầu mây nữ Việt Nam gây chấn động ở ASIAD 13 khi chỉ thua sát nút tuyển Myanmar ở trận chung kết.

Lần thứ hai Thanh có ý định chia tay cầu mây là thời điểm liên tiếp có những chuyện buồn. Phong độ sa sút, Thanh bị loại khỏi danh sách đội tuyển dự giải cầu mây Đông Nam Á năm 2000. Khoảng thời gian đó với cô gái Thanh Hoá này như một “cực hình”.

Một lần nữa, bỏ qua nỗi buồn và sự mặc cảm, Thanh lại lao vào tập luyện. Bốn tháng ròng rã từ tháng 7 đến tháng 11/2005, vừa để chứng tỏ năng lực, vừa để quên đi nỗi buồn, Thanh tập với cường độ lớn hơn cả những gì mà BHL đội yêu cầu.

Cô tâm sự: “Có lúc, tôi muốn bỏ chơi cầu để đi làm nhưng tôi không muốn mọi người chê cười bỏ cuộc sớm. Tôi tự ra thêm bài tập cho mình một ngày ba buổi, chính vì thế mà nhiều khi bị căng thẳng tới mất ăn mất ngủ nhiều ngày”.

VĐV duy nhất có tên trong “Chuyện lạ Việt Nam”

Gần 5.500 lần, chính xác là 5.485 lần tâng cầu liên tiếp chỉ trong vòng 62 phút là kỷ lục của Lưu Thị Thanh được ghi trong “Chuyện lạ Việt Nam”. Điều đáng nói là khi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị Thanh làm chương trình thì chính cô cũng suýt “quên” khả năng đứng một chỗ tâng cầu vì Thanh có nhiệm vụ làm chuyền hai và bắt bước một trong đội.

Lưu Thị Thanh còn giữ một kỷ lục mà hầu hết các VĐV đều thèm muốn: Cộng với hai tấm HCV ASIAD mới có, Lưu Thị Thanh đã có gần… 100 tấm huy chương giành được từ các cuộc thi trong nước và quốc tế.

Không ngờ chỉ sau một vài tiếng tập luyện, khả năng tâng cầu hồi nhỏ của Thanh trỗi dậy và VTV3 đã ghi hình luôn, kết quả là một kỷ lục Việt Nam được xác lập. Đây rõ ràng là một kỷ lục khó phá bởi nó đòi hỏi kỹ thuật và cả sức khỏe. Sau khi lập lỷ lục, Thanh đã phải nằm bệnh viện vì mất sức.

Có một kỷ lục nữa mà Thanh cùng các đồng đội đang nắm giữ, ít được nhắc đến hơn. Đó là tại SEA Games 22 tại Việt Nam, dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Lưu Thị Thanh, đội tuyển cầu mây nữ đã phá kỷ lục ASIAD với 4.915 điểm ở nội dung vòng tròn đích (kỷ lục cũ do đội tuyển Thái Lan lập ASIAD 14 Busan 2002 là 4.515 điểm). ASIAD 15 đã không đưa nội dung trên vào chương trình thi đấu, nếu không có lẽ Thanh đã lại “ẵm vàng”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.