Thách thức mới với ngành y tế, cộng đồng
Ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.
Trước tình hình trên, sáng 25/7, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi nhanh với BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM. BS Khanh nói: “Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nên cộng đồng không nên quá hoang mang. Về sự gia tăng bệnh đậu mùa khỉ thời gian qua từ nguồn lây đến cách lây, người làm khoa học cũng chưa biết được nhiều vì số ca bệnh ít”.
Theo BS Khanh, nguyên nhân chính lây lan bệnh đậu mùa khỉ là quan hệ tình dục nam, quan hệ tình dục đồng giới; các nguồn lây nhiễm khác chỉ mang tính nhỏ lẻ. Cần phải rốt ráo thực hiện các biện pháp phòng chống ở các quốc gia xuất hiện nhiều ca nhiễm; với ở các quốc gia ít hoặc chưa xuất hiện ca bệnh như Việt Nam, giải pháp hiện nay chỉ nên cảnh báo.
Chuẩn hóa xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ là giải pháp cần được ưu tiên. Ảnh: Vân Sơn |
“Cái khó nhất của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là xét nghiệm chẩn đoán. Nếu không có xét nghiệm chẩn đoán đạt chuẩn và đủ nhanh thì ý nghĩa chống dịch của xét nghiệm không có. Bây giờ chúng ta không thể chặn người nhập cảnh tại sân bay để cách ly được. Kỹ thuật xét nghiệm hiện nay chỉ có vài nước đạt chuẩn, do đó Việt Nam cần phải có được sinh phẩm và chuẩn hóa được tiêu chuẩn chẩn đoán bằng xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm rồi mới tính đến các giải pháp chống dịch”, BS Khanh nói.
Theo BS Khanh, nếu chưa có xét nghiệm đạt chuẩn thì sẽ gây nhiều khó khăn cho người làm công tác chuyên môn. Với những ca nhiễm bệnh chưa xuất hiện bóng nước hoặc mới có biểu hiện bằng những nốt nhỏ trên da thì không thể phát hiện trên lâm sàng vì biểu hiện ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ rất giống với các loại bệnh khác như thủy đậu, nhiễm trùng da hoặc bệnh lý gây tổn thương ở bộ phận sinh dục.
“Tôi cho rằng, với căn bệnh đậu mùa khỉ, rất khó để đưa ra được các khuyến cáo phòng tránh cho cộng đồng. Nói chung, cộng đồng chẳng thể làm được gì ngoài việc tránh tiếp xúc với người lạ. Nhìn chung, việc phòng bệnh là rất khó bởi làm sao biết được đó là ca bệnh hoặc trường hợp nghi ngờ để tránh tiếp xúc. Việc phát hiện ca bệnh là trách nhiệm của xét nghiệm và những nhà lâm sàng trong bệnh viện phải tìm ra được ca bệnh đầu tiên. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ là virus ADN ở thời điểm hiện tại khó có thể bùng phát. Tuy nhiên, cần phải theo dõi sát bởi 5 đến 10 năm sau, các đột biến có thể xảy ra gia tăng nguy cơ lây từ người sang người”, BS Khanh nói.
Nguy hiểm đến mức nào?
Theo BS Khanh, hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bệnh lây nhiều sẽ tấn công sang nhóm đối tượng nguy cơ như người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch. Nếu những người trong nhóm nguy cơ nhiễm bệnh hoặc bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, trường hợp nặng sẽ dẫn tới tử vong, nhưng tỷ lệ thấp. Trên thực tế, đa số những người mắc ở khu vực ngoài châu Phi chỉ ở mức nhẹ. Một số nước đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Thuốc điều trị đậu mùa khỉ đã được cấp phép lưu hành, việc sử dụng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc từng giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, tương tự bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, người mắc bệnh thường gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2 đến 3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.
TPHCM chặn bệnh từ cửa khẩu
TPHCM có số dân đông và là đầu mối giao thương quốc tế nên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập đang ở mức rất cao. Ngày 25/7 Sở Y tế, TPHCM tổ chức họp và đề ra các phương án chủ động phòng bệnh. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, khẳng định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xem là nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch của ngành y tế thành phố giai đoạn hiện nay.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải bằng các biện pháp đo thân nhiệt, kiểm tra các dấu hiệu cấp tính của người bệnh như sốt, phát ban, nổi bóng nước và thực hiện các biện pháp cách ly, thu dung, điều trị. Tại các bệnh viện, Sở Y tế đề nghị tăng cường biện pháp sàng lọc, xét nghiệm chẩn đoán đối với trường hợp nghi nhiễm, có giải pháp phân luồng, thu dung, điều trị. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp bệnh kèm triệu chứng nặng, trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc các bệnh viện khác.
Từ 1/1 đến 23/7, WHO ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 ca tử vong, tại 75 quốc gia. Theo WHO, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Tuy nhiên, đến nay, căn bệnh này còn nhiều thông tin cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.