Theo PGS Lam, bọ xít hút máu người sống theo ổ. Các ổ bọ xít thường xuất hiện ở những khu vực ẩm thấp, bỏ hoang, có gỗ mục hoặc vải vụn như nhà kho. Từ ổ, bọ xít có thể phát tán trong vòng bán kính 1,5-2km theo ánh đèn. Tại Hà Nội đã phát hiện cá thể bọ xít hút máu xuất hiện ở tất cả các quận huyện. Ổ bọ xít hút máu được phát hiện ở hầu hết các quận, huyện, nhất là khu vực ngoại thành.
PGS.TS Trương Xuân Lam
Làm thế nào để phát hiện bọ xít hút máu trong nhà, xin ông cho biết?
Khi phát tán vào các hộ gia đình, bọ xít hút máu tìm cách ẩn nấp, sau đó tìm đến khu vực giường ngủ và tấn công. Vì thế rất khó phát hiện. Có người từng nghĩ ra cách lấy máu sống để dụ. Tuy nhiên, loài bọ xít này chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của vật chủ và hút máu khi vật chủ nằm yên.
Bọ xít hút máu trưởng thành thường đi theo đôi, một đực một cái. Nếu trong nhà phát hiện thấy một cá thể bọ xít hút máu thì rất có thể còn một cá thể khác. Trường hợp phát hiện trong nhà có cá thể bọ xít hút máu chưa trưởng thành lại có thể tồn tại một ổ bọ xít khu vực gần nhà.
Hiện nay bọ xít hút máu chưa có loài thiên địch chưa có loại thuốc đặc trị. Vì thế cách phòng chống tốt nhất là vệ sinh sạch sẽ khu vực đang sống, nhất là các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm. Để diệt bọ xít hút máu, đựng chúng trong lọ kín và đổ cồn y tế vào lọ.
Khi bị bọ xít hút máu trên da người sẽ xuất hiện vết đỏ, phù nề và rất ngứa. Người bị hút máu không được gãi vì vết đốt có thể lan rộng, nên rửa sạch vết đốt dưới vòi nước chảy, tránh viêm nhiễm bằng cách bôi kem chống dị ứng côn trùng. Thông thường sau vài ngày vết đốt sẽ khỏi. Tuy nhiên cũng có trường hợp vết đốt sưng to, viêm nhiễm. Khi đó cần đến cơ sở da liễu để điều trị.
Khi phát hiện bọ xít trong nhà, người dân có thể thông báo cho các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật ở số điện thoại: 0912.201.588.