PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia bảo mật, Ban công nghệ Tập đoàn FPT. Theo anh Đức, người dùng điện thoại có thể dựa vào một số dấu hiệu sau để nhận biết điện thoại của mình bị xâm nhập.
Thứ nhất, 3G có thể bị kích hoạt bất kỳ lúc nào mà người dùng không chủ đích bật. “Có thể kẻ xấu đã bật 3G của người dùng để lấy các dữ liệu tin nhắn, hình ảnh, email, danh bạ, video từ điện thoại lên máy chủ của chúng” – anh Đức cho biết.
Thứ hai, điện thoại thỉnh thoảng có biểu hiện hình tam giác nhỏ trên góc màn hình. Đấy là biểu hiện của định vị GPS đã được bật. Điều đó cho thấy có thể một phần mềm nào đấy đã kích hoạt tính năng này.
Thứ 3, cước 3G tăng đột biến do lưu lượng mạng bị lợi dụng để gửi dữ liệu ra bên ngoài; Ngoài ra còn các biểu hiện khác như pin đang chạy khỏe đột nhiên hết nhanh…
Anh Nguyễn Minh Đức - Chuyên gia bảo mật, Ban công nghệ Tập đoàn FPT. Ảnh nhân vật cung cấp
Theo anh Đức, cách đơn giản để kiểm tra điện thoại có bị cài đặt các phần mềm độc hại không, là người dùng vào thư mục cài đặt để biết những phần mềm nào đang tác động vào các thư mục ảnh, GPS, tin nhắn…
Sau khi sàng lọc, thấy phần mềm nào lạ, không dùng bao giờ nhưng đã được cài đặt và tác động vào các thư mục quan trọng, người dùng có thể gỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho máy. Người dùng có thể cài đặt phần mềm Mobile Security trong kho ứng dụng CH Play hay Play Store trên điện thoại.
Đây là phần mềm hữu hiệu giúp người dùng phát hiện ra các phần mềm nằm trong diện nghi ngờ, cảnh báo phần mềm đấy có độc hại hay không, hoặc phần mềm đấy có đang tìm cách gửi dữ liệu ra ngoài không, để người dùng xử lý.
Theo anh Đức, trong tình huống không thể cứu vãn được điện thoại, người dùng cần sao lưu các dữ liệu quan trọng trên máy tính hoặc email, sau đó cài lại toàn bộ dữ liệu ban đầu của nhà sản xuất. Nếu không thông thạo công nghệ, người dùng nên đến các trung tâm bảo hành chính hãng để nhờ trợ giúp.
Bất luận mục đích nào cũng vi phạm pháp luật
Luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư Hà Nội
“Tôi cho rằng, bất luận vì mục đích gì, khi một người nào đó cố tình sử dụng các loại phần mềm nhằm khai thác đời tư của người khác một cách trái phép, sẽ đều phạm luật. Ngay cả từ đạo luật gốc là Hiến pháp, cũng đã khẳng định, công dân có quyền được đảm bảo về đời tư, thư tín. Việc bóc một lá thư của người khác ngoài ý muốn của họ cũng đã phạm luật, chứ chưa nói đến chuyện nghe lén, hay chiếm đoạt các thông tin cá nhân của họ. Quan trọng nhất chính là xác định rõ mục đích của việc nghe lén, hậu quả của việc xâm hại đó và những bị hại trực tiếp của hành vi trên, từ đó, cơ quan chức năng sẽ xác định được các hành vi phạm luật để làm căn cứ xử lý”.
Cần xác định khách thể bị xâm hại
Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư Hà Nội“Chúng ta cần phân loại rõ các khách thể bị xâm hại. Ví dụ, nghe lén khách hàng trong kinh doanh, hay nghe lén các cuộc thoại đời tư, sau đó phát tán qua hệ thống mạng, nghe lén các thông tin cá nhân, sau đó sử dụng vào mục đích kinh doanh… Nếu là hành vi nghe lén điện thoại của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, quy định tại Điều 125 BLHS. Hoặc, nếu sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin để nghe lén thông tin cá nhân của người khác, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, có thể bị xem xét truy cứu ở tội danh Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet (Điều 226), Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác (Điều 226a) và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b) của BLHS”.
Bảo Thắng (ghi)