Chuyên gia 3 quốc tịch hồi hương làm… rẫy

 Ông Phương giới thiệu loại cam tan mỡ bụng
Ông Phương giới thiệu loại cam tan mỡ bụng
TP - Rời Trường Đại học Western Sydney (Úc), chuyên gia nông nghiệp Mai Viết Phương tìm về vùng khô cằn nhất của tỉnh Lâm Đồng mở trang trại, lập mô hình giúp nông dân quê nhà làm giàu bằng những loài cây quý, giá trị cao mà ông cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu.

Nặng tình đất nước

Đón chúng tôi tại gian nhà tuềnh toàng nằm cuối con hẻm nhỏ khuất sâu ở thôn Ka Long (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), ông Mai Viết Phương vui vẻ bổ cam đãi khách rồi nhanh nhẹn lên xe đưa tôi ra trang trại cách nhà cả chục cây số.

Từng được nghe nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn kể về ông với tình cảm đầy quý trọng- một chuyên gia nông học nổi tiếng ở trời Tây luôn nặng tình yêu nước, tôi thật sự thú vị khi được nghe ông chia sẻ chuyện nghề ngay trên mảnh đất cằn đang đơm đầy hoa trái.

Quê ở Long Xuyên, từ những năm sáu mươi thế kỷ trước ông Phương đã sang Úc du học ngành Nông nghiệp, trở thành giảng viên chuyên hướng dẫn sinh viên thực nghiệm của trường Đại học Nông nghiệp Tây Sydney.

Ông định cư và lập gia đình với một đồng nghiệp quê Rạch Giá. Phụ trách các dự án quan trọng của trường, ông có điều kiện về nước nhiều lần và nhận ra nông dân Việt Nam thu nhập quá thấp với các giống cây trồng vật nuôi năng suất kém, thấy đây chính là cơ hội để góp sức giúp quê nhà.

Chuyên gia 3 quốc tịch hồi hương làm… rẫy ảnh 1

Kỹ sư Phương tiết lộ bí quyết về gốc cam Cara cara

Từ món quà đầu tiên là 2 quả trứng đà điểu tặng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn năm 1996, ông Phương đã lần lượt chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nhiều giống cây- con giá trị cao về Việt Nam như đà điểu, keo lai cao sản, cây polonia dùng chế biến gỗ cao cấp, các giống chè phù hợp khẩu vị châu Âu và Mỹ La tinh, các giống rau thơm gốc Láng cải tạo vùng rau đã thoái hóa ở Củ Chi… 

Đến tuổi nghỉ hưu, ông về nước chọn vùng Đức Trọng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự vùng Tây Sydney, xin thuê đất dài hạn để di thực các giống cây quý về trồng.

Giấy chứng nhận ký ngày 20/10/2001 của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney trong hành trang hồi hương của ông viết rất trang trọng: “Ông Mai Viết Phương là một Việt kiều yêu nước, có quan hệ gần gũi với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán nước ta tại Úc.

Ông là một chuyên gia nổi tiếng, đã có nhiều đóng góp quý báu cho Bộ NN&PTNT nước ta. Ông Phương hiện đang phụ trách các dự án của Trường Đại học Western Sydney và tổ hợp Paulownia Úc-Việt Nam, đầu tư vốn, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam phát triển các loại cây giống có giá trị cao về kinh tế và cải thiện môi trường…”.

Thời của nông nghiệp cao cấp

Dồn hết tâm trí vào trại thực nghiệm, mỗi năm ông Phương chỉ về Úc đôi lần, nơi vợ chồng ông còn có 1 nông trại chuyên trồng rau Á châu. Ông có 3 người con đã ổn định sự nghiệp trong những lĩnh vực khác. Giờ ông vẫn giữ 3 quốc tịch Úc- Canada- Việt Nam để tiện giao dịch với đồng nghiệp khắp thế giới.

Thu nhập của gia đình và các con tôi bên Úc thừa dùng cho mọi sinh hoạt cần thiết. Vợ chồng tôi cả đời chẳng có nhu cầu nào khác ngoài nghiên cứu nông nghiệp và hướng dẫn nông dân canh tác các loại cây trồng giá trị cao. Vì vậy, đối với tôi, việc được chứng kiến ngày càng có nhiều nông dân trên mọi miền đất nước làm giàu từ các loại cây quý nhân giống từ trang trại thực nghiệm này giờ là niềm vui lớn nhất, không gì sánh bằng.

Kỹ sư Phương tâm sự

Ông tặng họ những nguồn gien thực vật quý hiếm mà ông là chủ sở hữu. Ngược lại, họ giúp ông thuận lợi đưa nhiều giống cây trồng về Việt Nam.  

Ví dụ, để tải nhiều lượt hàng vạn cây cam không hạt từ Úc về Việt Nam qua đường hàng không, ông phải vận dụng quan hệ đối tác từ trường đại học Western Sydney và sự hỗ trợ đặc biệt của tiến sĩ thực vật học Graeme Richards giảng viên Đại học Hawkesbury, người đã cùng ông và nhóm cộng sự bỏ ra 30 năm dày công nghiên cứu, mới lai tạo thành công được giống cam biến dị quý giá mang tên Cara Cara Navel. 

Ngoài ưu điểm hương vị, không hạt, Cara Cara Navel còn là giống cam duy nhất trên thế giới có ruột màu đỏ thẫm chứa hàm lượng lycopene và carotenoid rất cao, vừa giúp cân đối dinh dưỡng trong chế độ ăn kiêng, vừa chống gây và hạn chế ung thư, như một loại thực phẩm chức năng ngon ngọt đặc biệt dễ dùng.

Chiếc xe hai cầu chở chúng tôi chật vật leo lên những sườn đồi lổn nhổn đá tảng đè trên nền đất sét pha cát. Vùng đất này, những cây cam quý ông Phương trồng mới cao quá đầu người mà cành đã chi chít quả.  

Ông bảo, chỉ nơi cằn cỗi khó trồng trọt mới còn được diện tích đất lớn đủ mở trang trại. Hơn nữa, ông cũng muốn chứng minh cho nông dân thấy ở bình độ nghìn mét với khí hậu lý tưởng, nếu canh tác giỏi, mét đất nào cũng đẻ ra vàng được. 

Bí quyết giống cam độc đáo Cara cara

Tôi từng đến những vườn cam sành trĩu quả bên sông Sêrêpôk ở Đắk Lắk. Nơi đó đất bazan, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hòa, nhưng tỉ lệ trái bị khô nước, sượng múi rất cao. Cam quýt miền Tây dần bị thoái hóa giống bây giờ cũng thế. Còn cam Cara Cara bổ ra trái nào trái nấy mọng đỏ như nhau. Vì sao? Tôi hỏi.  

Ông vui vẻ vạch lá chỉ vào gốc cây. Tôi sửng sốt ngắm những gốc cam rất lạ tạo thành khối vuông vức, to chằn chặn như đá tảng kê dưới chân cột.

“Bí quyết nằm ở đây ! Chỉ có kiểu gốc này mới bảo đảm hút đủ mọi dưỡng chất cần thiết nuôi trái. Mất 30 năm chúng tôi mới nghiên cứu xong cách tạo ra kiểu gốc đặc biệt này cho cam Cara Cara. Trong muôn vạn cây trồng hiện nay trên thế giới, duy nhất loài cam Cara Cara có kiểu gốc này thôi”, ông tiết lộ.

Cây giống Cara Cara chuyển qua đường hàng không từ Úc về Việt Nam giá thành khoảng 200 nghìn đồng/cây. Nhờ phần tài trợ đáng kể từ đối tác, Cty Phương Mai đang bán cho người trồng tại Việt Nam mỗi cây 150 nghìn đồng. Sau 3 năm trồng, cây đã cho trái bói. Cây trưởng thành từ 8 tuổi trở đi, tùy thổ nhưỡng mà năng suất có thể dao động từ 30-50 tấn quả/ha/năm.

Do vòng đời cây kéo dài tới 40- 50 năm, trái chín suốt bốn mùa rất hút hàng vào các siêu thị với giá từ 20-40 nghìn đồng/ký tùy loại. Vì vậy, dù phải đầu tư tương đối lớn, nhưng chỉ sau đôi ba năm thu hoạch là chủ vườn đã thu hồi đủ vốn, suốt mấy chục năm sau là lãi ròng. So sánh đơn giản cũng thấy lợi nhuận từ loài cam không hạt này gấp hơn chục lần so với trồng cà phê.

Ông Phương còn giới thiệu với chúng tôi hàng chục giống cam thực nghiệm công nghệ cao, đều không hạt và có các công dụng khác nhau, đáp ứng đủ loại nhu cầu cụ thể: loại chuyên vắt nước, loại ăn để giảm stress, loại dùng để… giảm béo bụng, thứ nào hiện giờ cũng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu đặt mua của nhiều tầng lớp khách hàng các tỉnh thành.

Nhiều chủ trang trại đã đến đây mua cây, được ông hỗ trợ kỹ thuật, mở lớp tập huấn cách trồng cam Cara ra tận Bỉm Sơn-Thanh Hóa, Phú Quốc- Kiên Giang, Ba Vì - Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đắk Nông…

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá rất cao tài năng, tâm huyết của kỹ sư Phương về hoạt động đầu tư, nghiên cứu, hỗ trợ nông dân. Và vườn cam này dù ở nơi khuất nẻo, cách Đà Lạt gần hai mươi cây số, vẫn là một trong những địa chỉ thú vị tìm đến của nhiều lượt du khách, quanh năm.

Đang viết tới dòng cuối phóng sự này thì tôi nghe MC VTV đọc bản tin thời sự “Lâm Đồng là tỉnh đạt giá trị lợi nhuận nông nghiệp bình quân trên mỗi hecta cao nhất nước…”. Tôi ấm lòng nghĩ trong giá trị cao nhất đó có phần đóng góp không nhỏ của ông chủ vườn cam đặc biệt tôi vừa được gặp trên vùng đất khô cằn đầy sỏi đá!

Sau 14 năm đầu tư gian nan, hiện Cty TNHH Dịch vụ và Chế biến Nông nghiệp Phương Mai do ông làm giám đốc đã gây dựng được 50 ha cây trái, chia thành 2 mảnh lớn dưới chân các sườn đồi khô cằn đầy sỏi đá. 

Trong đó có 10 ha cam Cara Cara đã cho thu hoạch. 30 ha cam chanh không hạt với nhiều giống khác nhau đã cho trái lứa đầu và 10 ha “đa chủng loại” trồng thử nghiệm.


MỚI - NÓNG