Chuyện đúc chuông 'thế kỷ' ở một ngôi chùa cổ

Chuyện đúc chuông 'thế kỷ' ở một ngôi chùa cổ
TP - Ngày cuối cùng của năm 2007 tại chùa Thành (Diên Khánh Tự) nằm sát bờ sông Kỳ Cùng xứ Lạng trở nên tưng bừng, náo nhiệt.
Chuyện đúc chuông 'thế kỷ' ở một ngôi chùa cổ ảnh 1
Quả chuông đang được hoàn thiện

Dòng người tứ phương đổ về chứng kiến Lễ công bố kỷ lục Guiness “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam” cũng như chứng kiến các công đoạn đúc quả chuông chùa nặng 2,1 tấn do các nghệ nhân đến từ làng nghề Ngũ Xá (Hà Nội) thực hiện.

Cơn gió lạnh nơi biên ải không làm giảm đi bầu nhiệt huyết của người dân bản địa cũng như tăng ni, phật tử bốn phương.

Đại đức Thích Quảng Truyền, Phó ban trụ trì chùa Thành dẫn tôi đi xem các pho tượng trong “chính điện”. Trong tổng số 53 pho tượng lớn nhỏ (trong đó có tượng nặng trên 3 tấn) gồm các tượng phật bồ tát, thánh tăng bằng đồng nguyên khối.

Đại đức cho biết: Trước kia tượng chủ yếu được làm bằng đất nên bị mục nát, gần đây một số đã được phục chế trên nền tượng cũ. Tiếng chuông chùa vang vọng vào dãy núi Kai Kinh hùng vĩ, mênh mang trên sông Kỳ Cùng đã gợi lại những ký ức xa xưa chùa Thành.

Chùa được sắp đặt khá khang trang theo kiểu nội công ngoại quốc gồm đủ phần tiền tế, hậu cung, nhà tổ, nhà trai. Bàn thờ trong chùa có toà Cửu Long, tượng Phật, tượng La Hán.

Các pho tượng này lần lượt được người dân bản địa cũng như khách buôn Trung Quốc đúc và tiến cống nên số lượng ngày càng nhiều lên, nguy nga, tráng lệ.

Ngày 12/12/2007, Trung tâm sách Kỷ lục VN đã xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam”.

Đúng 10 giờ 10 phút ngày 31/12/2007, Đại đức Thích Quảng Truyền phát lệnh “đúc chuông”. Trên 30 nghệ nhân sau khi nấu kỹ 3 tấn đồng M1 và thiếc Sao Vàng luyện kim từ 6 lò đúc chuyển lên khuôn chuông.

Tiếng reo hò vang dội, phấn khích của hàng ngàn người tham dự. Chợt thấy có tăng ni, phật tử gửi nén vàng, hạt vàng cho vào khuôn  chuông lấy may.

Ông Nguyễn Văn Ứng (70 tuổi) chủ cơ sở đúc đồng truyền thống Hoa Mai (làng Ngũ Xá- Ba Đình - Hà Nội) chỉ huy tốp thợ liên hoàn chuyển các nồi đồng đang sôi lên “cốt”.

Người nghệ nhân nổi tiếng này rất kiệm lời nhưng hôm nay liên tục ra những hiệu lệnh rõ ràng, dứt khoát. Hơn một tiếng sau, công việc đã xong. Lại đúng 10 giờ ngày 1/1/2008, quả chuông được đưa ra khỏi “cốt” và trở thành hình hài của một quả chuông lớn...

Gió đưa hơi lạnh từ mé sông Kỳ Cùng làm phơ mái đầu bạc ông Ứng. Người nghệ nhân làm nghề đúc đồng cao niên nổi tiếng ở làng Ngũ Xá ít khi rời nhà như chuyến đi miền biên ải này.

Ông bảo, gia đình ông đã có 3-5 đời làm nghề. Cụ tổ nghề là Thiền Sử Minh Thông (tên thật là Nguyễn Trí Thành) nổi tiếng có “đôi bàn tay vàng” từ thế kỷ thứ 14. Con cháu nối tiếp nhau các thế hệ gìn giữ lấy nghề.

Có những thời gian trầm lắng, nguy cơ mất gia truyền bởi lượng đồng dạo đó chủ yếu phục vụ cho công việc quốc phòng, hơn nữa đời sống túng kém, mấy ai dám “chơi sang” (!). Vậy nên, có nhiều thời gian, ông Ứng phải chuyển sang đúc ... gang các mặt hàng gia dụng bán kiếm sống.

Làng nghề trước kia nhiều người có tay nghề cao nay tuổi già, sức yếu mang hết kinh nghiệm về “cõi âm”. Người làm nghề như ông bây giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Cũng may, gần đây Đảng và nhà nước đã kịp thời quan tâm, tạo điều kiện cấp cho một mảnh đất trên 100 mét vuông ở 178 Trấn Vũ- Trúc Bạch, Ba Đình - Hà Nội để làm nơi trưng bày các sản phẩm được làm từ đồng và mở lớp đào tạo nghề đúc đồng truyền thống. H

iện nay, có trên 20 học trò đam mê với nghề và rất triển vọng kế tục sự nghiệp của cha ông. Việc đúc thành công quả chuông chùa Thành (Lạng Sơn) là một minh chứng rõ nét.

Ông Nguyễn Văn Ứng xúc động tâm sự: Nghề đúc đồng truyền thống được hồi sinh từ khoảng 15 năm nay. Bấy nhiêu thôi cũng đã để lại ông bao kỷ niệm.

Tượng Hồ Chủ tịch trong nhà sàn Bác, trong Hội trường Ba Đình, Văn phòng Chủ tịch nước đều có bàn tay tài nghệ của ông và các nghệ nhân làng Ngũ Xá.

Còn số lượng tượng phật, lư hương không thể thống kê được, con số lên đến hàng chục ngàn sản phẩm.

Nhiều khách nước ngoài mời ông đi đúc tượng nơi đất khách nhưng ông đều từ chối, ông bảo làm nghề phải giữ lấy nghề của nước Việt mình, công việc ở trong nước còn chưa làm xuể, đi xa làm chi cho mệt.

Nhìn thấy chiếc chuông uy nghi, to đẹp, Đại đức Thích Quảng Truyền xúc động tâm sự: “Phải trải qua hàng 400 năm, nay mới đúc được một vật quý. Để có chuông sớm hôm chiêu mộ, chùa Thành đã làm văn bản trình các cấp có thẩm quyền xin đúc chuông và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận”.

Tiếng chuông nơi chùa cổ ngân vang báo hiệu một ngày mới đã về. Cánh hoa đào thắm đỏ rực rỡ nở hoa bên cạnh ngôi chùa cổ nơi biên cương xứ Lạng. 

MỚI - NÓNG