Chuyện đời rơi nước mắt của những người làm vợ ‘cái chết trắng’
> Vừa ra tù đã trộm xe máy giữa Thủ đô
> Nghi án 9X giết nữ sinh lớp tám trong vườn mía
Số phận một người đàn bà phụ thuộc vào người đàn ông mà họ chọn làm chồng. Giống như câu chuyện về hạt mưa, sa vào giếng ngọc được làm giọt nước thiêng, còn lỡ sa vào vũng lầy đành cam chịu phận làm nước đọng.
. Ảnh: Minh họa |
Những nhân vật trong bài viết này của tôi đã có thời là niềm mơ ước của bao nhiêu chàng trai trẻ. Nhưng rốt cuộc, cũng chỉ bởi người chồng mà họ phải cam chịu cảnh không dám ngẩng mặt lên với đời.
1. Trên chuyến xe Mỹ Đình – Tân Lập, chị là người khách lên khi xe bắt đầu chuyển bánh. Thấy tôi nói với anh tài phụ rằng sẽ đến trại giam Tân Lập, chị như tìm được người bạn đồng hành. Chị nhỏ nhẹ hỏi: “Chị gì ơi! Chị cũng đi thăm chồng à!”
Tôi đưa đôi mắt nhìn xuống và mỉm cười thay cho câu trả lời. Dường như chị nghĩ đó là thông điệp của một người đàn bà tủi phận khi có chồng rơi vào chốn lao tù. Cứ thế, dọc đường đi, xen giữa những cơn say mật xanh mật vàng, Vừ Thị Nhu- tên người đàn bà đó - kể với tôi về cuộc đời tủi nhục từ khi bước chân về nhà chồng của mình.
Bản làng của chị ở trên đỉnh một ngón núi. Phía bên này là Việt Nam, ngoảnh lại sau lưng là Trung Quốc. Chị nhớ những mùa hoa ban trắng trời Tây Bắc, đêm về, trong mùi hương hoang hoải của núi rừng là tiếng khèn gọi bạn rộn rã quanh nhà chị. Thế rồi, chị được “bắt về” làm vợ khi chưa kịp đến tuổi kết hôn.
Người đàn ông của chị không biết thổi khèn. Nhưng chị được sống trong một căn nhà đẹp, được ăn ngon, được mặc đẹp. Chồng của chị không lên nương trồng ngô, không vào rừng bắt thú như những người đàn ông khác trong bản. Chị cũng không hiểu chồng chị làm gì mà có tiền mua được cho chị nhiều đồ đẹp đẽ như thế.
Chị khác cô Mị ngày xưa làm dâu nhà Thống Lý Pá Tra là ở cái rừng này là không bị đánh đập, nhưng cũng giống như những người phụ nữ H’Mông khác, phận làm vợ, chị chỉ biết im lặng, ngoan ngoãn nghe lời chồng.
Thế nên, cho đến tận khi tham dự phiên Tòa tại TAND tỉnh Điện Biên, nhìn chồng đứng trong vành móng ngựa, tay bị còng sắt, chị vẫn chưa hiểu nguyên cớ gì khiến anh ta bị bắt. Herroin, đến tận bây giờ chị vẫn chỉ biết đó là một thứ mà dùng nó, mua bán nó là có tội với Nhà nước, với Chính Phủ và phải đi tù. Bị xử về tội buôn bán trái phép chất ma túy, chồng chị bị kết án Chung thân, thụ án tại trại giam Tân Lập.
Từ đây, cuộc đời của chị bắt đầu bước sang một trang mới với những tủi nhục, u ám. Người con gái H’mông có dáng đi luôn chúi về phía trước, bây giờ lại càng không dám ngẩng mặt lên khi ra đường. Đồ đạc trong nhà của chị cũng đội nón ra đi kể từ khi khi chồng bị bắt.
Căn nhà gọi là đẹp nhất bản, nhưng ở xứ núi chon von này, lại thiếu vắng đàn ông thì chỉ qua một mùa lũ đã long vách, trốc mái. Một mình chị chèo chống với cuộc sống khốn khó cùng ba đứa con nheo nhóc, nay đứa này ốm, mai đứa kia đau. Không những thế, chị lại cố gắng tích cóp, giành giụm để năm hai lần khăn gói đi thăm chồng.
“Em đi từ chiều hôm qua, bắt xe ôm hơn 100 cây xuống núi, rồi từ thị trấn đến Hà Nội là trời vừa sáng để kịp chuyến xe này.” Chị nói. Em chỉ muốn đến thăm xem anh ấy có bị ốm không. Và cho anh ấy biết là con hết ốm rồi!
2. Cũng vì ma túy, chị Tạ Thị Thu ở Lai Châu cũng phải trở thành “vợ người tù” khi chưa đầy 30 tuổi. Vợ chồng chị là dân kinh tế mới, lên Lai Châu khai hoang lập nghiệp. Thuận vợ thuận chồng, lại chịu thương chịu khó, nên chẳng mấy chốc vợ chồng chị đã có một cơ ngơi bề thế với đồi mận, na trĩu quả khi mùa về, ao sôi tăm cá và đàn lợn lũ lượt thay nhau xuất chuồng. Hai đứa con trai được anh chị cho học hành đến nơi đến chốn, rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Chưa đầy 30 tuổi, chị tưởng như hạnh phúc viên mãn đang đến sớm với mình. Chị như trẻ ra, xinh hơn thời con gái. Nhưng tai họa ập xuống đầu chị bởi chồng chị bị bắt quả tang khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy.
Với số lượng quá lớn, lại không đủ bằng chứng để chứng minh rằng mình chỉ là người vận chuyển giúp một người khách lạ, nên anh Lương – chồng chị - đã bị bắt và kết án chung thân. Nghe lời xúi bẩy của một người quen, chị bán đi gần hết gia sản mà hai vợ chồng đã gây dựng, với mong muốn giúp chồng chạy án. Nhưng tiền mất, căn nhà chỉ còn trơ trọi cái khung và những đồ dùng nghèo nàn, mà ngày về của chồng vẫn xa tít tắp.
Cuộc sống quá khó khăn, chị đành phải gửi đứa con nhỏ xuống xuôi với ông bà nội. Mùa hè năm ấy, khi năm học kết thúc chưa lâu, trong lúc chị đang định khăn gói về xuôi đón con lên cho mẹ con, anh em đỡ nhớ nhau, thì chị nhận được hung tin.
Tất tả về quê, chị chỉ kịp nhìn thấy thi thể đã biến dạng vì ngâm nước của đứa bé! Những tai họa đồn dập khiến chị tưởng như không thể sống nổi. Nghe lời gia đình, chị lại khăn gói về xuôi. Nhưng mọi cánh cửa cuộc sống dường như đã đóng lại.
Định kiến của dân làng khiến chị như một mầm họa của những tội ác, những bệnh tật, những trò lừa đảo…. mang tên “cái chết trắng”. Đi đâu chị cũng bị xa lánh. Làm thuê, làm mướn cũng chẳng đắt khách. Thậm chí khi chị chợ, người ta cũng khống muốn bán cho chị, không muốn nhận những đồng tiền mà người ta cho rằng có được nhờ chồng “buôn ma túy” của chị.
Theo Nhật Thanh
Pháp Luật Việt Nam