Hơn 4 năm không có dự án BOT giao thông nào, vì sao?
Việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh 3 dự án thành phần gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang 100% vốn đầu tư công nhận được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ, song “băn khoăn cũng không ít”.
Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), sau 3 năm Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đến giờ có thể khẳng định mục tiêu hoàn thành vào năm 2021 chắc chắn không đạt được. Điều đáng quan ngại được ông chỉ ra là 5/8 dự án còn lại cũng không đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư theo hình thức PPP.
“Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư các dự án đối tác công tư và phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP”, ông Hàm nói.
Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, từ 2016 đến nay không có dự án BOT giao thông nào triển khai được. “Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ khó khăn là dùng ngân sách, cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công”, ông Hàm nói và đề nghị xem xét nghiêm túc lại câu hỏi, vì sao không huy động được vốn PPP vào dự án cao tốc Bắc – Nam.
Tư nhân quan tâm, sao Nhà nước lại làm?
Cùng chung quan điểm, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng đề nghị rà soát lại chính sách PPP để trả lời câu hỏi, vì sao không thu hút được các nhà đầu tư làm BOT giao thông. Tại sao nhà đầu tư trong nước thờ ơ, còn doanh nghiệp nước ngoài lại bị loại? Phải chăng do cơ chế chính sách, chưa có hành lang pháp lý đồng bộ. “Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Chính sách không ổn định thì không nhà đầu tư nào dám đầu tư cả. Làm sao thu hút được nhiều nguồn lực không chỉ trong nước mà cả quốc tế”, ông Hạ kiến nghị.
Nhắc lại thông tin “tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) trung bình 3 năm qua làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nói rằng “thật xót xa”. “Các dự án cao tốc Bắc – Nam là huyết mạch rất quan trọng, tạo ra giá trị kinh tế lớn, thế mà bây giờ chúng ta chưa làm được bao nhiêu”, ông Phong nói.
Song ông cũng bày tỏ sự băn khoăn khi 3 dự án được đề nghị chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đều được đánh giá là tốt nhất trong việc thu hồi vốn, sinh lời, lẽ ra để tư nhân làm thì nay Nhà nước lại làm?
“Nguyên tắc lâu nay mà chúng ta thường nêu ra là, cái gì khó, tư nhân không làm thì Nhà nước mới làm. Nay thấy dễ Nhà nước làm trước, khó thì để đó tính sau thì có đúng với chủ trương, quan điểm mà lâu nay chúng ta nêu ra không”, ông Phong đặt vấn đề.