Chuyến đi không thể quên của nữ sinh 18 tuổi

Chuyến đi không thể quên của nữ sinh 18 tuổi
TP - Cùng với đợt ra quân hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV – AIDS, lớp chúng tôi thuộc ngành Công tác xã hội đã có chuyến đi thực tế tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội I, tỉnh Nghệ An. Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
Chuyến đi không thể quên của nữ sinh 18 tuổi ảnh 1
Trong cuộc sống luôn cần sự cảm thông và sẻ chia                           Ảnh minh họa

Một buổi chiều se lạnh, phảng phất đâu đây hơi ấm dịu nhẹ đầu đông. Trời se lạnh nhưng lòng tôi cũng se lại trước một mảnh đời bất hạnh! Thoáng nhìn lên khuôn mặt chị, giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má, tôi thầm nghĩ: Phải chăng đó là giọt nước mắt muộn màng, giọt nước mắt của sự sám hối? Cùng với đó là lời tâm sự chân thành về một ước mơ rất giản dị: “Chị ước có được một cuộc sống bình thường như những người khác thôi em ạ…!”.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi một cách bình thản theo quy luật vốn có của nó. Cuộc sống của con người cũng vô tình chạy theo bước nhịp của thời gian. Trong bước nhịp ấy thời gian như bỏ lại những con người, những số phận bất hạnh! Họ sống vùi mình trong nỗi ân hận, sự giày vò cắn rứt lương tâm về quá khứ lầm lỗi của mình.

Đây là lần đầu tôi – một nữ sinh viên 18 tuổi được tiếp xúc lắng nghe những lời tâm sự xuất phát từ trái tim của một người phụ nữ lầm lỗi. Hình ảnh của chị đã in sâu mãi trong tâm trí tôi – Có lẽ trong suốt quãng đời sinh viên và sau này tôi khó có thể quên.

Tôi bước vào Trung tâm nơi làm việc của mọi người, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía chúng tôi – đó là nơi trung tâm cai nghiện của tỉnh Nghệ An. Công việc của các học viên ở đây là đan lát, móc sợi thôi...

Bạn bè tôi đi lại tiếp xúc trò chuyện với từng người. Còn riêng tôi đứng nhìn và im lặng!   Một cô bé nhút nhát, rụt rè như tôi thì biết nói chuyện gì bây giờ. Tôi đang đứng lặng nhìn mọi người, thì có một ánh mắt buồn đầy tâm trạng nhìn tôi. Chị cũng chỉ im lặng. Vô tình tôi quay mặt lại bắt gặp ánh mắt ấy đang nhìn tôi. Chị vẫy tay gọi tôi lại:

- Em sợ à?

Tôi im lặng không nói gì. Đôi mắt chị nhìn xuống lặng thinh, giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má gầy của chị. Tôi cuống quýt giải thích với chị rằng: “Không! Em không sợ!”.

Ngước mắt nhìn tôi chị mỉm cười nói: “Không phải vì em mà chị khóc đâu. Chỉ vì nhìn thấy các em chị nhớ đến gia đình, nhớ đến các em của chị”. Ngồi tâm sự cùng chị tôi được biết chị tên là M. Chị M. năm nay 29 tuổi, quê ở Tân Kỳ, Nghệ An. Cái tuổi ấy chưa phải đã già cũng không còn trẻ đối với một cô gái chưa có gia đình. Lúc nào chị cũng lắc đầu bảo rằng: “Cuộc đời chị sao mà khổ thế!”.

Chị sinh ra trong gia đình nông dân đông anh em. Bố chị mất sớm, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn. Sau chị còn nhiều em, mẹ lại ốm liệt giường không thể làm gì được. Nợ nần thì chồng chất, một ngày không biết bao nhiêu người vào nhà chị để đòi nợ.

Mẹ chị vì thế mà bệnh nặng thêm. Vì thế, kinh tế gia đình chị ngày càng khó khăn. Nghe lời bạn bè rủ rê, chị liều thân vào con đường mua bán ma túy. Chị biết đó là con đường tội lỗi, là đường cùng. Lúc đầu chị nhận hàng, trao hàng và sau thì chị lại bị nghiện. Kể với tôi, chị khóc rất nhiều.

Chị nói: “Chị hận bản thân mình, hối hận về việc làm của mình”. Kể từ ngày vào đây, chị M. sống bó hẹp và không giao tiếp. Chị sống như một con ốc thu mình vào trong chiếc vỏ dày của nó.

Chị hỏi tôi: “Em thấy chị đáng trách không?”. “Chị có phải là người xấu không?”. Tôi buồn, chỉ vì phút suy nghĩ nông cạn của chị mà đã đẩy cuộc đời chị sa ngã.

“Em tin người như chị sau này ra xã hội chị làm lại từ đầu. Chị sẽ là người có ích cho xã hội” – Tôi nói. Chị nói với tôi: “Dù sau này có khó khăn đến mức nào chị cũng không quay lại con đường cũ nữa đâu em ạ!”.

Giờ thì tôi không còn thấy cái vẻ lạnh lùng ở con người chị nữa. Mà tôi cảm thấy ở chị sự gần gũi, giàu tình cảm.

Chị hỏi tôi: “Ngày mai em có đến đây không?”. Tôi nhìn sâu vào ánh mắt buồn sâu thẳm của chị. Tôi biết chị cần một người tâm sự sẻ chia và cần cả một sự đồng cảm. Tôi biết vì điều kiện chúng tôi không thể đến đây thường xuyên được. “Nhưng chị ơi! Nhất định em sẽ quay trở lại thăm chị. Chị hãy sống tốt, cố gắng cai nghiện tìm lại chính mình nhé”.

Sắp đến giờ phải tạm biệt chị mà tôi không nỡ rời xa. Tôi đã xin chị một tấm hình để làm kỷ niệm. Nhưng chị cười buồn bảo rằng: “Chưa bao giờ chị được chụp hình cả”. Tôi không thể cầm được lòng mình, chỉ đơn giản là tấm hình để làm kỷ niệm, nhưng đến giờ chưa có được chút hạnh phúc đó?

Chị nói: “Gửi cho chị một tấm hình nhé”.

Khi tôi chụp xong ảnh. Chị cầm tay tôi mỉm cười. Tôi đã tặng chị một cuốn sổ để làm kỉ niệm trong đó có ghi địa chỉ và số điện thoại của tôi và cả một câu thơ tôi đề tặng chị. Đó cũng là những gì mà tôi muốn nói với chị.

Hãy sống như những con tàu

Vượt qua ngàn hải lý

Bỏ lại sau lưng bến cảng u buồn.

Đó cũng là những lời tâm sự mà tôi muốn nói với những người cùng cảnh ngộ như chị.

Ánh sáng cuộc đời chưa vụt tắt với những người lầm lỗi. Vấn đề là mình có biết giữ lấy ánh sáng đó không.

Đến giờ, tôi phải chia tay với chị vì thời gian không cho phép. Ra về chị cầm tay tôi quyến luyến, nói:

“Chúc em học giỏi, hãy sống thật tốt và là người có ích cho xã hội. Nhớ đến thăm chị và viết thư cho chị nữa nhé”.

Tôi ra về mà không dám nhìn lại vì tôi sợ mình sẽ bắt gặp những giọt nước mắt của chị. Nhưng tôi biết sau lưng tôi có một ánh mắt buồn đang dõi theo từng bước chân tôi rời Trung tâm. Tôi buồn vì thời gian tôi gặp chị quá ít nhưng đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất đối với tôi. Tôi kìm nén lòng mình lại và rời Trung tâm trở về với công việc đời thường của mình. Hình ảnh của chị theo suốt tôi trên quãng đường về nhà.

Mãi trong tôi không thể quên được kỉ niệm này đặc biệt là hình ảnh của chị M. Tôi thầm cảm ơn số phận và cảm thấy mình quá hạnh phúc khi được sinh ra trong mái ấm gia đình của mình. Và thầm thương cho những số phận của những người bất hạnh khác.

Đây là chuyến đi thực tế để lại trong tôi nhiều dấu ấn trong cuộc đời sinh viên.

Phan Thị Thanh Bông

(K48B3 – Công tác xã hội – Khoa Lịch sử – Đại học Vinh)

MỚI - NÓNG