Chuyện của những giáo viên nơi “rất cao và rất xa”

Chuyện của những giáo viên nơi “rất cao và rất xa”
TP - Những ngày cuối năm này, tại các xã vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, miền núi Thanh Hóa, hàng trăm thầy, cô giáo cắm bản vẫn đang vượt qua khó khăn, vất vả để bám bản, bám điểm trường...

Chúng tôi theo dấu chân hàng trăm dốc đèo mà các thầy, cô giáo đã đi qua để lên với xã vùng cao đặc biệt khó khăn Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Đón chúng tôi là 3 cô giáo trẻ đã có hơn ba năm gắn bó với trường Tiểu học Mường Lý.

Các cô Vi Thị Hiệu quê huyện Tĩnh Gia, Lưu Thị Hằng quê huyện Yên Định và Trần Thị Dung quê huyện Triệu Sơn. Cả  ba cô giáo đều chưa xây dựng gia đình. Khi vừa tốt nghiệp các cô đã lên vùng cao này công tác.

So với những đồng nghiệp khác đang công tác tại Mường Lý thì Hiệu, Hằng, Dung khá “may mắn” vì được dạy ở trường trung tâm của xã, chỉ cách trung tâm huyện 40 km. Thầy giáo Lê Trọng Trung (quê ở huyện Thiệu Hóa), lên cắm bản Trung Tiến I (xã Mường Lý) đã gần 20 năm nay.

Ban đầu cũng nhiều tâm tư lắm, nhưng gắn bó mãi, Trung đã coi Mường Lý là quê thứ 2 của mình lúc nào không rõ. Lắm lúc, dăm ba tháng, nửa năm Trung mới về trung tâm xã một lần để lĩnh lương cho anh em, còn thì cứ ở bám bản, bám trường để “gieo chữ” cho học sinh.

Bây giờ, thầy giáo Trung đã nói tiếng dân tộc Mông thành thạo như người con của bản vậy. Chia sẻ công việc với Trung còn có người bạn đời và cũng là đồng nghiệp, một cô giáo dạy tiểu học, là người của bản Trung Tiến I.

Theo ông Tào Thành Được, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, toàn huyện đang có gần 200 thầy, cô giáo cắm bản tại 72 điểm trường, trong đó có tới 36 bản người Mông. Có những điểm trường cách trung tâm huyện gần có trăm cây số đường rừng.

“Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên này hiện nay vẫn đang còn ở mức rất “khiêm tốn”. Như vậy, ít nhiều sẽ gây nên tâm lý chán chường, thiếu sự nhiệt tình... của giáo viên cắm bản” – ông Được nhấn mạnh.

“Muốn vui ngắm núi mà vui”

Không cao và xa như Mường Lý nhưng chuyện giáo viên cắm bản ở khu vực Son- Bá-Mười thuộc xã Lũng Cao của huyện miền núi Bá Thước cũng gian khổ không kém.

Khi nghe thầy giáo Nguyễn Bá Thứ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước mời lên tìm hiểu đời sống của giáo viên khu vực Son- Bá- Mười chúng tôi hăm hở vượt ngàn, vượt dốc lên đường. Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là thầy giáo Trịnh Đình Phúc (30 tuổi).

Quê ở tận xã ven biển Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc) nhưng thầy Phúc lên Son - Bá - Mười gần chục năm nay. Trước đây thầy Phúc dạy ở trường THCS Lũng Cao mới được điều chuyển lên khu lẻ xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện Bá Thước này để “gieo chữ”.

Ngoài thầy Phúc còn có các thầy giáo Nguyễn Ngọc Tịnh (26 tuổi) quê ở huyện Thạch Thành, Lê Đức Hùng (27 tuổi) ở huyện Cẩm Thủy, Lê Văn Dương (27 tuổi) cũng được điều lên đây đã vài năm. Cả bốn thầy giáo “phòng không” này ở chung một căn nhà gỗ 3 gian. Gian giữa làm văn phòng,  gian bên làm phòng ở và một gian để nấu ăn.

Thầy giáo Phúc cho biết: “Từ trường ra đến trung tâm xã phải mất đến 5 giờ đồng hồ. Chỉ có thể đi bộ chứ không thể đi xe đạp, xe máy vì đường dốc cao qúa.

Nếu khỏe chân cũng phải đi mất một ngày, còn không thì ngày hôm sau mới có thể quay về đến trường. Mùa mưa hay gặp lũ thì có khi nghẽn lại cả tuần, nếu có cố đi thì cũng phải đi 2 người để còn... cứu nhau”.

Vùng Son-Bá-Mười có độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Có những ngày đông giá, nhiệt độ xuống đến 2 độ C, cả thầy và trò phải đốt lửa trong lớp để hong khô bảng và bàn ghế ẩm ướt.

“Điều động viên rất lớn với chúng tôi là tuy gian khổ nhưng học sinh đến lớp rất đầy đủ, không bắt các thầy cô phải đi vận động từng gia đình. Nhưng điểm trường THCS chưa được xây kiên cố, nhìn các em phải học chung trong hai phòng học tranh tre, dột nát. Cũng may, 83 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của cả ba bản hiện nay đang theo học rất chuyên cần”- Thầy Phúc cho biết thêm.

Thầy giáo Hùng nói: “Em từ Cẩm Thủy lên đây bốn năm rồi, nhưng vẫn chưa quen được với cảm giác buồn buồn mỗi khi chiều xuống. Bốn bề đồi núi âm u, tĩnh mịch, không có điện, chẳng có tivi, đến cái rađiô cũng chẳng có mà dùng.

Đành lấy việc soạn giáo án bên ngọn đèn dầu le lói làm vui vậy. Hoặc thì “Muốn vui ngắm núi mà vui. Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn”, anh em bảo nhau vậy.

Chuyện cơm ăn của các thầy không đáng ngại vì đã có bà con chung lưng đấu cật, nhưng nước sinh hoạt ở đây thì rất khó khăn. Mọi người phải phân công nhau đi “cõng” nước ở dưới khe lên để dùng. Nhưng vào mùa khô, nước trên điểm cao này gần như cạn kiệt, các thầy phải chắt chiu từng ca nước phục vụ sinh hoạt.

MỚI - NÓNG