Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê: Ðiều bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
Những người nông dân tranh thủ uống cà phê lúc nghỉ giải lao.
Những người nông dân tranh thủ uống cà phê lúc nghỉ giải lao.
TP - Mỗi năm nông dân sản xuất hàng nghìn tấn cà phê phục vụ các tín đồ nghiền thức uống này. Nhưng ít ai biết mới vài năm gần đây, người nông dân mới biết uống cà phê. Những ly cà phê đen nguyên chất do chính họ tự làm ra để mang lên rẫy.

Khi nông dân uống cà phê

Chạy dọc bờ lô cà phê vài tốp nông dân đang ngồi nghỉ giải lao. Khuôn mặt rám nắng, quệt vội mồ hôi trên mặt, cầm ly cà phê nhấp một ngụm, ông Nguyễn Thanh Phú (51 tuổi, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) kể: “Nhâm nhi ly cà phê vào mỗi buổi sáng đã trở thành thói quen của nhiều người sống nơi phố thị nhưng nông dân như chúng tôi, gần 20 năm làm cà phê, chỉ biết nó giúp trang trải cuộc sống trong gia đình. Thói quen uống cà phê mới có ba bốn năm trở lại đây”.

Ông Nguyễn Hữu Hưng (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) từ trong rẫy đi ra, rót một ly cà phê được pha sẵn trong bình giữ nhiệt cho biết, mấy năm gần đây cà phê mất giá, nhiều nơi, nhiều người chặt bỏ. Nông dân ở đây chỉ trồng xen canh bởi đã gắn bó với cây cà phê 20 năm nay, quanh năm chăm bẵm tươi tốt mong đạt năng suất. Tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học cũng từ hạt cà phê. Làm cà phê không có lấy ngày nghỉ, công việc liên miên. Bây giờ cuộc sống khá hơn, bà con trồng cà phê đã biết uống cà phê. Nghỉ giữa giờ, mọi người tập trung lại uống nước, nói chuyện cho đỡ mệt. Để có thời gian nhàn rỗi, ngồi nhâm nhi ly cà phê theo đúng nghĩa thưởng thức hương vị ngon đăng đắng của cà phê đen có lẽ phải đến tuổi già mới có dịp.

Chỉ có thể bắt gặp người nông dân uống cà phê trên nương rẫy, đó là thời gian nghỉ ngơi tranh thủ của họ trong một ngày làm việc. Ông Nguyễn Thanh Phú rót mời tôi ly cà phê đen được pha sẵn. Nhấp một ngụm cảm nhận vị đắng thanh đậm đà đầu lưỡi, sau đó là vị ngọt thơm dễ chịu. Ông Phú cho biết: “Ở đây, nông dân hầu như uống cà phê đen nguyên chất do tự tay mình làm. Đến mùa thu hoạch mỗi gia đình chọn những quả chín mọng phơi khô, xát nhân, rang chín rồi xay thành bột. Đây là món quà quý để dịp Tết gửi về cho bà con ngoài quê”.

Ngày nay, khi cà phê bẩn xuất hiện, nhiều người phố thị nói rằng họ đã quên từ lâu cái hương vị thuần nguyên của cà phê. Họ không còn nhận ra đâu là cà phê thật giữa vô vàn hương vị phối trộn. Những bản làng, thôn buôn chúng tôi đi qua, nơi đây cách xa cuộc sống phồn hoa đô thị nhưng mỗi nơi đều có những câu chuyện nói về cà phê. Bà con nông dân thưởng thức hương vị mộc mạc nhưng đậm đà của cà phê do chính tay mình làm ra.

Phong cách cà phê của người Êđê

Khi mặt trời chưa ló rạng, trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Êđê ở xã Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột), tôi đứng tần ngần bên bếp lửa đỏ rực, trên đó đặt ấm nước bằng nhôm còn bám đầy bồ hóng đang sôi sùng sục. Bà H’Doen Mlô múc mấy thìa bột cà phê cho vào túi vải nhỏ và thả vào ấm nước đang sôi để tinh chất cà phê thấm dần vào nước. Hương thơm cà phê lan tỏa khắp cả ngôi nhà sàn.

Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê: Ðiều bất ngờ ảnh 1
Người Ê Ðê trước khi nấu cơm sẽ pha cà phê cho cả gia đình.

Bà chia sẻ, khác với người kinh, người Êđê trước khi nấu cơm sẽ pha cà phê cho cả gia đình. Họ dành thời gian thưởng thức cà phê thơm ngon, sau đó mới lên nương rẫy. Buổi sáng không uống cà phê sẽ làm việc không hiệu quả. “Cà phê chúng tôi không pha bất cứ tạp chất gì, nguyên sơ cà phê tinh khiết. Trước đây, người Êđê có thói quen tạo sự gắn kết cộng đồng nên nhiều người cùng chuyền tay nhau uống chung một ly cà phê, thể hiện sự đoàn kết”, bà H’Doen Mlô cho biết.

Hiện có nhiều loại cà phê và cách pha chế khác nhau, nhưng nhiều người Êđê ở các buôn làng vẫn giữ cách pha truyền thống và thưởng thức thức uống này theo phong cách của riêng mình.

Chị H’Rung Niê (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) nhẹ nhàng lấy túi cà phê bọc cẩn thận trên gác bếp, đổ một lượng vừa phải vào chảo, cho thêm chút mỡ gà, muối và chút rượu trắng bắt đầu rang. Những hạt cà phê nhảy nhót trên than hồng đang dần chuyển sang màu nâu vàng, tỏa hương nồng nàn. Chị H’Rung vừa đảo và nói: “Công đoạn rang quyết định hương vị cà phê. Lửa liu riu, đảo đều tay để cà phê không bị cháy, giữ được mùi vị tự nhiên mà trái cà phê đã tiếp nhận tinh hoa của đất trời. Cũng là hạt cà phê ấy, cũng rang trên bếp lửa ấy nhưng hôm nay cà phê có vị thơm ngon, hôm sau có thể không ngon là do tâm trạng, tình cảm của người chế biến”.

Những phụ nữ Êđê trẻ hơn trong gia đình, dùng trái bầu khô đi lấy nước sạch ở bến nước gần buôn làng. Sau đó, họ dùng chày và cối gỗ giã trái cà phê đã rang thành bột mịn ngay ngoài hiên nhà. Bột cà phê được sàng lọc loại bỏ tạp chất trước khi bỏ vào nấu bằng nước sôi.

Chuyện cũ ở thủ phủ cà phê: Ðiều bất ngờ ảnh 2
Cà phê hái về được người dân phơi khô ở sân.

Mỗi vụ thu hoạch hằng năm, người phụ nữ Êđê (các bà, các mẹ, trụ cột chính trong gia đình) lựa những trái cà phê chín mọng, ngon. Ngoài cà phê vối (Robusta), mỗi gia đình Êđê thường trồng thêm một ít cà phê chè (Arabica) vì hương vị loại cà phê này rất thơm. Sau đó tách vỏ, hong phơi trên gác bếp lửa, cất giữ như vật quý trong nhà. Chính những người phụ nữ này quyết định công thức pha trộn riêng và trực tiếp làm việc này ở bếp chính. “Phong cách uống cà phê đúng kiểu người Êđê là phải đưa ly cà phê lên mũi ngửi hương vị trước khi uống. Hương vị cà phê thấm sâu vào khứu giác, thế nên dù uống một lần sẽ không thể quên”, chị H’Rung cho biết thêm.

Mỗi sáng tinh mơ, sau khi khơi hồng bếp lửa đỏ rực để nếp nhà sàn thức tỉnh, phụ nữ Êđê ở các buôn làng lại tự tay pha chế cà phê cho các thành viên trong gia đình trước khi bắt đầu ngày mới.

(Còn nữa)

Niên vụ cà phê 2019-2020, diện tích cà phê toàn tỉnh Ðắk Lắk khoảng 208.000ha, tăng hơn 5.000ha so với niên vụ trước. Ðến nay, sản phẩm cà phê Ðắk Lắk đã xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Nhật Bản vẫn là thị trường lớn nhất của cà phê Ðắk Lắk.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.