Từ bài thơ gây chấn động dư luận và “đêm trước đổi mới”: 

Chuyện chưa từng có trong cuộc đời người phát hành báo

Chuyện chưa từng có trong cuộc đời người phát hành báo
TP - Trong suốt cuộc đời làm phát hành, ông Đoàn Minh Tuấn chưa từng chứng kiến sự kiện nào hấp dẫn bạn đọc, khiến báo bán chạy, giá tăng gấp 50- 60 lần như sự kiện bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” in trên Tiền Phong ngày 25/3/1986.

Đây là sự kiện lớn đối với lịch sử phát hành báo chí…

Chuyện chưa từng có trong cuộc đời người phát hành báo ảnh 1
Từ tòa soạn, theo chân người làm phát hành báo Tiền Phong đến với bạn đọc  ảnh: Phạm Yên

 “Cuộc săn lùng” báo Tiền Phong   

Ông Tuấn là người bán báo trên tàu hỏa đoạn Hải Dương- Hải Phòng. Ngày 25/3, ông Tuấn có trong tay 50 tờ Tiền Phong lấy từ bưu điện Kim Thành và lấy thêm từ thị xã Hải Dương.

Vừa bước chân lên tàu, lúc đầu có vài người mua, ông Tuấn vẫn bán với giá như mọi ngày là 4 đồng (giá phát hành là 2 đồng 50 xu). Chỉ một lát sau, ông Tuấn không hiểu vì sao mà người mua đông quá. Lúc ấy ông chỉ nghĩ bụng “Hôm nay có lẽ mình gặp may. Ít khi báo bán lại chạy như tôm tươi thế này!”

Một thanh niên đưa tờ 10 đồng, ông Tuấn loay hoay đếm tiền trả lại, anh ta liền nói: “Khỏi cần! Ông bán rẻ quá! ở trên Gia Lâm (Hà Nội) người ta đang bán tờ báo này bốn, năm mươi đồng đấy!”.

>> Toàn văn bài thơ "Mùa Xuân nhớ Bác"

Ông Tuấn giật mình hỏi lại: “Trong báo có vấn đề gì mà ghê thế chú? Vì vội quá tôi chưa kịp xem nội dung ra sao”. Anh ta hất hàm: “Ôi dào! Ông cứ giở báo ra xem bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” sẽ rõ…”.

Ông Tuấn liền ôm mấy tờ báo chưa kịp bán về toa trưởng tàu, sau khi xem ông giật mình với nội dung bài thơ. Ngay chiều hôm đó, ông Tuấn lên bưu điện Kim Thành gọi điện về Hà Nội để hỏi đồng nghiệp làm phát hành ở ga Hà Nội xem tình hình ra sao?

Ông muốn biết nếu có tình hình gì “không ổn định” thì thôi không bán tờ báo này nữa, còn bình thường thì sẽ xin tăng thêm số lượng báo Tiền Phong càng nhiều càng tốt. Nhưng lúc đó, ông chỉ gặp cô Dung, người mới về trực ở ga nên vẫn không rõ ngọn ngành vấn đề.

Còn 10 số báo nữa, ông Tuấn quyết định mang về ga Phú Thái – một ga xép vắng vẻ gần nhà ông - bán với giá bình thường là 4 đồng. Khách hàng tranh nhau mua hết veo. ông Tuấn cố giữ lại được 1 tờ.

Đúng lúc ấy, ông Hồ Anh Tính, một thông tin viên cũ của báo từ Hải Phòng về biết là ông Tuấn còn lưu 1 tờ đã năn nỉ xin bằng được. Vậy là ông Tuấn “trắng tay”.

Mấy ngày sau ông không còn có thể tìm đâu ra số báo ấy nữa. Về sau những người còn tờ báo này đã bán 50 đồng, rồi 80, 90 đồng/tờ ngay trước mắt ông Tuấn. Rồi họ cũng không còn báo để bán nữa.

Đến gần giữa tháng 4, một người bán hàng nước kiếm đâu được 1 tờ đã đem bán với giá 120 đồng tiền! (tăng gấp gần 50 lần so với giá phát hành) và người ta còn mua đi, bán lại tờ báo với giá cao hơn thế, chuyện chưa từng có trong cuộc đời của người làm phát hành báo chí.

Không chỉ ở Hải Dương, trên cả nước ai cũng sẵn sàng bỏ ra vài tháng lương để có được một tờ Tiền Phong đăng bài thơ. Ông Vũ Hồng Lĩnh-giáo viên trường Phổ thông trung học Trần Hưng Đạo (Nam Định) cũng xác nhận điều này.

Không thể mua lại được tờ báo, kỹ sư Trần Thị Thu, 44 tuổi, giảng viên trường công nhân Bưu điện II (Đà Nẵng) quyết sưu tầm cho được bài thơ. Trong lá thư gửi tác giả bài thơ ngày 15/5/1986, chị Thu viết: “Chị là người tìm chép được bài thơ của em trước nhất trong trường.

Chuyện chưa từng có trong cuộc đời người phát hành báo ảnh 2
Từ sáng sớm, các phát hành viên đã đưa báo từ tòa soạn tới bạn đọc (ảnh chụp những năm 80 thế kỷ trước)  ảnh: Phạm Yên

Sau đó 10 ngày tìm kiếm chị mới xem nhờ được bài thơ của em trên báo, chị đã so lại và thấy đúng nguyên văn. Không còn báo, bài thơ của em nhiều người đánh máy, chép tay phát, bán cho nhau.

Còn chị đã thuộc lòng vì cứ phải đọc đi, đọc lại cho bạn bè chép…” Những tuần sau đó, người ta tiếp tục tìm mua Tiền Phong với hy vọng tìm hiểu thêm về tác giả, dư luận… xung quanh bài thơ.

Trong nước, “săn lùng” để có một tờ Tiền Phong đăng bài thơ đã khó, với những người Việt Nam học tập và sinh sống ở nước ngoài, để sở hữu một tờ báo như thế còn khó hơn vạn lần.

Trong một bức thư gửi cho Xuân Khải, anh Nguyễn Cao Năm (một công nhân lao động tại Irắc), cho biết, người ta đã phải trả tới số tiền quy đổi ra tiền Việt lên đến cả ngàn đồng. Với số tiền ấy, người ta có thể mua được chiếc xe đạp lúc đó là một tài sản rất giá trị.

Khát khao đổi mới

Ngày 16/4/1986 từ Kim Thành, ông Tuấn viết thư cho các đồng nghiệp ở Hà Nội: “…Các anh, các chị kính mến! Nói tóm lại, dư luận của đại đa số nhân dân lao động chân chính, cán bộ công nhân viên chức nhà nước có ý thức về chính trị thực sự vui mừng phấn khởi khi bài thơ này ra đời.

Họ mong muốn tha thiết có một sự thay đổi nào đó, thay đổi về nhân cách, về kinh tế, về quan hệ giữa người với người…ở quê em có bà mẹ liệt sĩ nói rất thật lòng: “Tôi có ba người con trai đã cống hiến cho đất nước cả. Bây giờ chả mong gì chỉ mong cho đời khỏi khổ thôi.

Đất nước vẫn còn giặc đấy, nhà nước hãy đừng quên chúng tôi, quên chúng tôi  tức là quên cả những thế hệ mai sau…”. Bài thơ MXNB đăng trên báo Đoàn theo quan điểm của nhiều người, là sự kiện chính trị, thời sự cực kỳ quan trọng.

Ông Tuấn cho biết, lúc đó nhân dân Hải Dương, Hải Phòng và những vùng lân cận có phong trào chép tay bài thơ. Cũng trong lá thư gửi ngày 16/4/1986, ông Tuấn viết: “Tác dụng của bài thơ chắc chắn là tốt đẹp, đơm hoa kết trái trong lòng mỗi người…

Như vậy, giả sử có chuyện gì xảy ra, toàn thể quần chúng nhân dân sẽ bảo vệ bởi vì báo Đoàn đã làm được một việc rất lớn lao. Báo đã nói lên tiếng nói của hàng triệu người, hàng triệu con tim đang thực sự quan tâm đến tình hình đất nước hiện nay”.

Và điều ông Tuấn mong mỏi là sự đổi mới: “Đây là em nói cộng với dư luận ngoài xã hội với tất cả lòng chân thành của mình: Điều buồn lo sâu thẳm và day dứt nhất là sau vụ “động đất, động trời” này mà không có sự thay đổi, chuyển biến gì, thế thì ai còn muốn đấu tranh, làm việc gì tốt hơn?!…”.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".