Chuyện chưa kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Ông Sáu Khải với bà con lối xóm.
Ông Sáu Khải với bà con lối xóm.
TP - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan viết trong cái ngày nửa năm trước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Sáu, anh Sáu Khải đi xa: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ sâu lắng, sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Với anh Sáu Khải sống trên đời anh đã có cả một tấm lòng với dân với nước.

Một trong những dấu vết lưu dân miền Trung di dân vào vùng đất phương Nam từ thời xa xưa có thể kể đến cái đình Tân Thông Hội của huyện Củ Chi. Đình Tân Thông Hội xây vào năm 1845, lúc đầu chỉ là ngôi đình bằng gỗ, lợp lá đơn sơ thờ Thần hoàng Bản cảnh và thực hiện các nghi lễ dân gian, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; từng được vua Tự Đức phong sắc thần Thành hoàng.

Đình còn là nơi chi bộ Đảng tập hợp nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại Hóc Môn đêm 22 rạng sáng 23/11/1940. Là địa điểm tin cậy của các cán bộ hoạt động cách mạng trú ẩn, sinh hoạt. Trước đây đình có hai hầm nuôi chiến sĩ cách mạng. Đây không chỉ là địa điểm thờ cúng tâm linh của người dân mà còn là nơi ghi nhớ công lao cách mạng của các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Một ngày cuối năm 2016, chúng tôi may mắn được  dự lễ trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho đình Tân Thông Hội. Đình chỉ cách tư gia của nguyên Thủ tướng  Phan Văn Khải khoảng hơn 200 mét. Bữa ấy sự hiện diện của ông Sáu Khải không chỉ là niềm vinh dự cho dân làng mà còn thể hiện trách nhiệm của một người con với quê hương Tân Thông Hội. Nhiều người biết, từ khi xin Quốc hội nghỉ chức Thủ tướng sớm một năm và về hưu, ông Sáu từng tất bật quày quả vận động kinh phí tu bổ trong việc xây dựng lại đình Tân Thông Hội. Chuyện tu tạo lại ngôi đình và khuôn viên, ông Sáu tính rất xa từ những năm 90. Ông đã vận động xin cây và đích thân nhiều lần trồng cây tại khuôn viên của đình. Khuôn viên đình hiện tại xum xuê rợp mát nhiều loại cây, như cây đa được ông trồng vào năm 1990, cùng nhiều cây khác được lãnh đạo các cơ quan trồng khi thăm đình. Từ mảnh đất hoang và ngôi đình cũ đổ nát, qua thời gian do biến thiên mưa nắng và phá hoại, nay hiện hữu một ngôi đình khang trang đúng với quy mô cách thức thờ cúng của vùng đất Nam bộ.

Đình Tân Thông Hội là nơi thờ cúng tâm linh thành hoàng bản thổ. Nơi các anh linh liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng cùng được phối thờ. Có biết bao cái đình với chức năng như thế đã và được hiện diện ở mảnh đất phương Nam giăng chật những sự tích bi hùng? Vâng nếu như không có câu chuyện của một người thì tôi có cảm giác cái đình Tân Thông Hội sẽ kém đi một chút sắc thái thiêng liêng bi hùng ấy.

Chuyện chưa kể về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ảnh 1

Ðình Tân Thông Hội.

Chuyện của ông Trần Đức Nguyên, một người gần gũi của ông Sáu. Mọi người hẳn nhớ, năm 1996 ông Nguyên từng phụ trách Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là “Tổ nghiên cứu đổi mới” của Thủ tướng Phan Văn Khải). Năm 1998, Tổ nghiên cứu được đổi thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng ban và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm 2003. Ông Nguyên, những năm sau đó cho đến tận khi ông Sáu Khải mất, vẫn giữ mối quan hệ ấm áp của những người bạn già thân thiết với nhau. 

Ông Trần Đức Nguyên trân trọng chỉ lên đôi câu đối dung dị mộc mạc của ông Sáu Khải được thợ cẩn trang trọng mé tiền đình “Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi/Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”. Ông Nguyên bộc bạch rằng, ý nghĩa câu chữ không chỉ thể hiện cái ý chỉ của cá nhân ai mà toát yếu lên chí khí của một lớp người, của một thế hệ Tân Thông Hội, của đất Củ Chi, của Thành phố mang tên Bác như ông Sáu Khải…

Cứ như trong câu chuyện của ông Nguyên thì người ta nói ông Sáu Khải tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, ở Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã Tân Thông Hội - nơi ông sinh ra, điều đó là không sai, nhưng chưa thực chính xác. Đúng ra ông Sáu Khải tham gia hoạt động yêu nước từ năm 7 tuổi.

Trước thời điểm Nam Kỳ khởi nghĩa, ông ngoại của Sáu Khải tham gia rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ trong tổ chức yêu nước Thiên Địa Hội. Khi bị giặc phát hiện, ông ngoại cùng nghĩa quân phải trốn ở đồng hoang, tránh bị truy kích.

Ông Sáu Khải hàng ngày mang cơm cho và làm nhiệm vụ báo tin cho nghĩa quân.

Cái miễu trong vườn đình Tân Thông Hội

Như nhiều người biết, sau thời điểm Nam Kỳ khởi nghĩa, thời điểm đó đạo Cao Đài nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ, thậm chí phát triển ra cả Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên. Lãnh đạo Cao Đài là những người có học thức, có địa vị xã hội và rất có ảnh hưởng đến dân chúng. Vì vậy, Cao Đài luôn là đối tượng hoặc lôi kéo, hoặc đả kích của các thế lực nắm chính quyền. Cả người Pháp lẫn Nhật và Việt Minh đều có nhiều phương cách để tranh thủ lôi kéo các nhóm Cao Đài. Trên thực tế nhiều nhóm Cao Đài được sự vận động của cán bộ Việt Minh đã tích cực tham gia những hoạt động kháng Pháp, Nhật cứu nước. Nhưng cũng chính thời điểm phức tạp ấy, do nhiệt tình thái quá cộng với tư tưởng quá khích nóng nảy bộc trực mà đã xảy ra một số  vụ xử trí quá tay đối với lực lượng  này, trong đó có vụ 10 nghĩa dũng Cao Đài bị xứ trí lầm trong vườn đình Tân Thông Hội.

Sự kiện lầm lẫn đáng tiếc ấy đọng lại khá lâu trong ký ức người dân Tân Thông Hội nói riêng và Củ Chi nói chung. Và cùng với thời gian lịch sử, có những ý kiến quan điểm khác nhau về sự kiện ấy. Hình như đó cũng là lý do để nhiều năm đình Tân Thông Hội, mặc dù có bề dày chiến tích lịch sử, nhưng trục trặc trong việc xếp bằng di tích? Trong câu chuyện ông Nguyên phân vân vậy?

Nhưng ông Sáu Khải, từ khi về hưu bằng việc năng nổ tất bật lo việc xây dựng tu tạo lại đình cùng khuôn viên, hình như đã nhắm đã kết hợp đến một chủ đích khác? Nơi các nghĩa dũng Cao Đài nằm xuống năm ấy, ông Sáu đã cho dựng cái miễu (miếu) nho nhỏ nói là nơi thờ thần linh thổ địa. Mỗi khi khách đến hành hương tham quan đình đều tự nguyện làm cái việc thắp nhang hương khói suốt lượt, từ nơi thờ chính đến nơi thờ phụ. Vậy là anh linh của thành hoàng bản thổ, vong linh của các anh hùng liệt sĩ, của các Mẹ Việt Nam Anh hùng cho đến vong linh của các nghĩa dũng Cao Đài, đều được thỏa vong mát lành hương khói!

Chủ định ấy không ai nói ra. Kể cả ông Sáu. Không hề biển hiệu, bia đá… nhưng con cháu người thân của các nghĩa dũng Cao Đài ấy đều thầm và thấm hiểu ý tứ và nghĩa cử sâu xa của ông Sáu Khải?

Nhớ lâu hơn động thái gật gù thán phục của ông Nguyên hôm ấy rằng, ông Sáu Khải đã làm được cái việc lấy ân báo oán, hòa hợp hòa giải rất chi là tinh tế!

Ông Trần Ðức Nguyên trân trọng chỉ lên đôi câu đối dung dị mộc mạc của ông Sáu Khải được thợ cẩn trang trọng mé tiền đình “Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi/Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”. Ông Nguyên bộc bạch rằng, ý nghĩa câu chữ không chỉ thể hiện cái ý chỉ của cá nhân ai mà toát yếu lên chí khí của một lớp người, của một thế hệ Tân Thông Hội, của đất Củ Chi, của Thành phố mang tên Bác như ông Sáu Khải…
MỚI - NÓNG